Chương trình hành động của ngành Công Thương thực hiện Nghị quyết 02

Bộ Công Thương ban hành Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 02/NQ-CP của Chính phủ về những nhiệm vụ, giải pháp cải thiện môi trường kinh doanh.

7 nhiệm vụ, giải pháp cải thiện môi trường kinh doanh

Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên vừa ký Quyết định số 337/QĐ-BCT về việc ban hành Chương trình hành động của ngành Công Thương thực hiện Nghị quyết số 02/NQ-CP ngày 8/1/2025 của Chính phủ về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2025 (Chương trình hành động).

Theo đó, Chương trình hành động của ngành Công Thương nhằm triển khai thực hiện đầy đủ và có hiệu quả các nội dung phân công cho ngành tại Nghị quyết số 02/NQ-CP (Nghị quyết số 02). Lãnh đạo Bộ yêu cầu, các cơ quan, đơn vị thuộc ngành Công Thương quán triệt, bám sát những nhiệm vụ, giải pháp được giao, chủ động và tích cực triển khai thực hiện với nỗ lực cao nhất để phấn đấu hoàn thành đạt và vượt mức các chỉ tiêu kế hoạch được Chính phủ giao cho ngành Công Thương năm 2025.

Chương trình hành động của ngành Công Thương đề ra 7 nhiệm vụ và giải pháp cụ thể:

Thứ nhất, tháo gỡ bất cập về pháp lý và thực thi trong thực hiện dự án đầu tư trong lĩnh vực Công Thương.

Thứ hai, nâng cao chất lượng danh mục ngành nghề đầu tư, kinh doanh có điều kiện và điều kiện kinh doanh trong lĩnh vực Công Thương.

Thứ ba, tháo gỡ các điểm nghẽn, xây dựng giải pháp đột phá về thể chế, cơ chế chính sách ưu đãi để thu hút, chuyển giao, làm chủ công nghệ cao, công nghệ mới, tiên tiến trong các ngành, lĩnh vực ưu tiên.

Thứ tư, đổi mới công tác quản lý, kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa và triển khai hiệu quả Cổng thông tin một cửa quốc gia.

Thứ năm, cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính.

Thứ sáu, nâng cao chất lượng các dịch vụ phát triển kinh doanh.

Thứ bảy, rà soát, giảm số lượng các hoạt động thanh tra doanh nghiệp.

Ngành Công Thương đề ra nhiệm vụ xây dựng cơ chế chính sách ưu đãi để thu hút, chuyển giao, làm chủ công nghệ cao, công nghệ mới, tiên tiến trong các ngành, lĩnh vực ưu tiên. Ảnh: Linh Hương

Ngành Công Thương đề ra nhiệm vụ xây dựng cơ chế chính sách ưu đãi để thu hút, chuyển giao, làm chủ công nghệ cao, công nghệ mới, tiên tiến trong các ngành, lĩnh vực ưu tiên. Ảnh: Linh Hương

Xem đây là nhiệm vụ trọng tâm ưu tiên

Để thực hiện hiệu quả Chương trình hành động, Bộ trưởng Bộ Công Thương yêu cầu các Thứ trưởng, theo lĩnh vực phụ trách, bám sát các mục tiêu, yêu cầu thuộc chức năng, nhiệm vụ của Bộ Công Thương và các nhiệm vụ, giải pháp nêu tại Chương trình hành động, thường xuyên theo dõi, chỉ đạo các đơn vị chức năng được giao phụ trách triển khai thực hiện.

Đồng thời, bám sát cơ sở, tăng cường làm việc với các Bộ, ngành, địa phương, hiệp hội doanh nghiệp và các đơn vị có liên quan để tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện thuận lợi cho sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp phát triển, bảo đảm hoàn thành toàn diện các mục tiêu, chi tiêu được Chính phủ giao cho ngành Công Thương năm 2025.

Với thủ trưởng cơ quan thuộc Bộ, Bộ trưởng yêu cầu, phải xác định cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh là nhiệm vụ trọng tâm ưu tiên; tăng cường trách nhiệm; thường xuyên kiểm tra, giám sát tiến độ và kết quả thực hiện Chương trình hành động; thường xuyên tổ chức đối thoại, trao đổi với người dân và doanh nghiệp để kịp thời nắm bắt các phản hồi chính sách và giải quyết các khó khăn, vướng mắc. Chủ động kết nối với các tổ chức quốc tế; tạo lập kênh phối hợp để cung cấp, cập nhật đầy đủ, kịp thời thông tin nhằm đánh giá, xếp hạng khách quan, chính xác.

Đáng chú ý, phải đảm bảo kỷ luật, kỷ cương đối với cán bộ, công chức trong thực thi công vụ. Tổ chức công tác truyền thông về cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh thuộc phạm vi trách nhiệm.

Với các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ, các Sở Công Thương các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, căn cứ nhiệm vụ và yêu cầu công tác đề ra trong Chương trình hành động để kết hợp với nhiệm vụ của đơn vị, xây Kế hoạch hành động cụ thể để triển khai thực hiện phù hợp, đảm chất lượng và đúng thời gian quy định.

Đồng thời, thường xuyên theo dõi, kiểm tra, giám sát tiến độ, kết quả thực hiện chỉ tiêu, nhiệm vụ được giao; phối hợp chặt chẽ, hiệu quả với các bên liên quan trong tham mưu, đề xuất giải pháp, biện pháp cụ thể điều hành các ngành, lĩnh vực và địa bàn được phân công phụ trách, kịp thời báo cáo cấp có thẩm quyền những vấn đề phát sinh trong quá trình thực hiện.

Định kỳ hằng quý, tổng hợp, đánh giá tình hình thực hiện Chương trình hành động theo chức năng, nhiệm vụ được phân công, gửi Vụ Kế hoạch - Tài chính (Bộ Công Thương) để tổng hợp, báo cáo cấp có thẩm quyền…

Chương trình hành động của ngành Công Thương yêu cầu, các cơ quan, đơn vị thuộc ngành, Sở Công Thương các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chủ động rà soát, báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét: bãi bỏ các điều kiện kinh doanh không hợp pháp, không cần thiết, không khả thi, không rõ ràng, khó xác định, khó dự đoán, và không dựa trên cơ sở khoa học rõ ràng; sửa đổi, đơn giản hóa các điều kiện kinh doanh theo hướng tạo thuận lợi, giảm chi phí tuân thủ và không can thiệp quá sâu vào hoạt động của doanh nghiệp; bãi bỏ chứng chỉ không cần thiết, thu gọn các loại chứng chỉ có sự trùng lặp về nội dung để tránh lãng phí chi phí của xã hội…

Ngân Thương

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/chuong-trinh-hanh-dong-cua-nganh-cong-thuong-thuc-hien-nghi-quyet-02-372783.html
Zalo