Chương trình GDPT 2018: Nhiều thử thách cho người học với cách ra đề thi mới

Chương trình GDPT 2018 yêu cầu không sử dụng ngữ liệu trong sách giáo khoa để kiểm tra đòi hỏi học sinh cần nắm vững kiến thức, vận dụng thành thạo mới có thể trả lời được câu hỏi trong đề thi.

Mới đây, trong nhiệm vụ giáo dục trung học năm học 2024-2025, Bộ GD&ĐT đề nghị các tỉnh, tập trung chuẩn bị tốt các điều kiện triển khai chương trình GDPT 2018 đối với lớp 9, lớp 12 bảo đảm hoàn thành chương trình năm học và nâng cao chất lượng giáo dục trung học.

Cùng với đó thực hiện hiệu quả các phương pháp và hình thức kiểm tra, đánh giá, trước tiên các cơ sở giáo dục cần đánh giá đúng quy định, không vượt quá yêu cầu cần đạt của chương trình.

Năm học này, việc kiểm tra đánh giá cũng được đặc biệt lưu ý.

Đối với môn Ngữ văn, Bộ GD&ĐT đề nghị tránh sử dụng những văn bản, đoạn trích đã được học trong sách giáo khoa để làm ngữ liệu kiểm tra đánh giá năng lực đọc hiểu và viết trong các đề kiểm tra định kỳ, nhằm khắc phục tình trạng học sinh chỉ học thuộc bài hoặc sao chép nội dung tài liệu có sẵn.

Trước những yêu cầu mới, PGS.TS Bùi Mạnh Hùng - Điều phối viên chính Ban Phát triển Chương trình GDPT 2018 đánh giá cấu trúc đề thi tốt nghiệp THPT môn Ngữ văn dự kiến từ năm 2025 có khả năng gây áp lực đối với học sinh vì các em phải thực hiện nhiều nhiệm vụ khó hơn trước trong khi thời gian lại hạn chế.

"Cùng với đó, đây cũng là năm đầu tiên thi tốt nghiệp THPT theo chương trình mới. Đây cũng là lứa học sinh có thời gian học theo chương trình và sách giáo khoa mới chỉ 3 năm điều này khiến kỹ năng đọc, viết của các em chưa thực sự đáp ứng ngay được yêu cầu, nhất là phần tự đọc hiểu và viết bài trên ngữ liệu mới", ông Bùi Mạnh Hùng bày tỏ.

PGS.TS Bùi Mạnh Hùng - Điều phối viên chính Ban Phát triển Chương trình GDPT 2018.

PGS.TS Bùi Mạnh Hùng - Điều phối viên chính Ban Phát triển Chương trình GDPT 2018.

Ngoài ra, theo chuyên gia cho rằng trong khi bài nghị luận văn học trong đề thi nhiều năm nay dựa trên ngữ liệu quen thuộc, các em đã học, đã được ôn luyện, nên sau khi mở đề thi, thí sinh không mất nhiều thời gian để đọc hiểu ngữ liệu và suy nghĩ hướng triển khai.

Nhưng từ năm sau tất cả ngữ liệu trong đề thi là mới, học sinh phải đọc ngữ liệu nhiều lần để hiểu, phải mất thời gian suy nghĩ để tìm ý, lập dàn ý.

Việc sử dụng ngữ liệu mới trong các bài thi là điều bắt buộc, việc tăng thời gian làm bài lên nhiều hơn 120 phút cũng khó khả thi. Chính điều này khiến PGS.TS Bùi Mạnh Hùng nhận thấy khối lượng công việc mà học sinh cần phải thực hiện để hoàn thành bài thi là điều cần cân nhắc kỹ theo hướng giảm nhẹ.

"Nếu cấu trúc đề thi không thay đổi thì chỉ có phương án đọc hiểu một văn bản thuộc loại văn bản văn học, viết một đoạn văn ngắn về văn bản ở phần đọc hiểu và viết bài văn nghị luận xã hội là có thể giúp giảm nhẹ việc đọc, viết dựa trên ngữ liệu mới", ông Hùng nói.

Trước yêu cầu nhiệm vụ mới của năm học này, ông Hùng cũng cho rằng các địa phương không nên phỏng theo cấu trúc đề thi tốt nghiệp trung học phổ thông để thiết kế đề thi chuyển cấp từ lớp 9 lên lớp 10 một cách máy móc mà phải tùy vào điều kiện dạy học thực tế của mỗi địa phương.

Đại diện Bộ GD&ĐT báo cáo tại hội thảo về công tác chuẩn bị đề thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025.

Đại diện Bộ GD&ĐT báo cáo tại hội thảo về công tác chuẩn bị đề thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025.

"Nếu cấu trúc đề thi tốt nghiệp trung học phổ thông dự kiến cho năm 2025 là thách thức lớn đối với học sinh lớp 12 thì việc đề thi chuyển cấp từ lớp 9 lên lớp 10 phỏng theo cấu trúc đề thi đó sẽ gây ra bất cập. Vừa đọc hiểu một văn bản hoặc đoạn trích, vừa viết đoạn và viết bài văn dựa trên ngữ liệu hoàn toàn mới trong vòng 120 phút, đối với học sinh lớp 9, nhất là ở các địa bàn khó khăn là nhiệm vụ khó hoàn thành hoặc hoàn thành một cách vội vàng", PGS.TS Bùi Mạnh Hùng cho hay.

Về cấu trúc định dạng của đề thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025, Bộ GD&ĐT cho biết đề thi vẫn đảm bảo tính kế thừa khi môn Ngữ văn thi bằng hình thức tự luận, các môn còn lại hình thức trắc nghiệm, đề thi vẫn giữ một phần dạng thức trắc nghiệm nhiều lựa chọn.

Tuy nhiên, nội dung thi sẽ có tính phát triển khi thêm các dạng trắc nghiệm mới nhằm hạn chế các nhược điểm của dạng trắc nghiệm nhiều lựa chọn cùng với đó là thuận lợi hơn trong việc đánh giá học sinh theo Chương trình GDPT 2018.

Theo Chương trình GDPT 2018 giáo dục THPT là giai đoạn giáo dục định hướng nghề nghiệp giúp học sinh tiếp tục phát triển những phẩm chất, năng lực cần thiết đối với người lao động, ý thức và nhân cách công dân, khả năng tự học và ý thức học tập suốt đời, bảo đảm học sinh được tiếp cận nghề nghiệp, lựa chọn nghề nghiệp phù hợp với năng lực và sở thích, điều kiện và hoàn cảnh của bản thân để tiếp tục học lên, học nghề hoặc tham gia vào cuộc sống lao động.

Nguyễn Hoa Trà

Nguồn Người Đưa Tin: https://nguoiduatin.vn/chuong-trinh-gdpt-2018-nhieu-thu-thach-cho-nguoi-hoc-voi-cach-ra-de-thi-moi-204240807161211704.htm
Zalo