Chung tay xoa dịu nỗi đau da cam
Với khẩu hiệu hành động 'Chung tay xoa dịu nỗi đau da cam', Hội Nạn nhân chất độc da cam (CĐDC)/dioxin tỉnh đã góp phần tích cực vào việc thực hiện chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước về khắc phục hậu quả chất độc hóa học do Mỹ sử dụng trong chiến tranh ở Việt Nam. Bước vào nhiệm kỳ mới 2024-2029, các cấp hội đặt ra mục tiêu huy động nhiều nguồn lực hơn nữa chăm lo các nạn nhân, giúp họ vươn lên ổn định cuộc sống.
Củng cố tổ chức hội
Hội Nạn nhân CĐDC/dioxin tỉnh được thành lập theo Quyết định số 1040/QĐ-UBND ngày 10/5/2005 của Chủ tịch UBND tỉnh. Từ đó tới nay, Hội trải qua 4 kỳ đại hội. Để triển khai hiệu quả các hoạt động, công tác xây dựng tổ chức hội được các cấp hội xác định là một trong những nhiệm vụ quan trọng. Vì vậy, ngay từ nhiệm kỳ đầu tiên (2005-2007), Hội đã hoàn thiện tổ chức ở 10/10 huyện, TP. Đến năm 2010 xây dựng Hội ở 230/230 xã, phường, thị trấn trong toàn tỉnh, trở thành điển hình của cả nước khi hoàn thành xây dựng tổ chức hội ở cả 3 cấp sớm nhất.
Nhiệm kỳ 2019-2024, tổ chức hội các cấp tiếp tục được kiện toàn, củng cố và luôn nỗ lực đổi mới, từng bước nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động chăm sóc, giúp đỡ nạn nhân nhiễm CĐDC. Hiện toàn tỉnh có gần 14 nghìn hội viên sinh hoạt ở hơn 1,3 nghìn chi hội cơ sở. Riêng trong nhiệm kỳ 2019-2024 đã thành lập 6 chi hội, kết nạp mới gần 1,7 nghìn hội viên, đạt 166,2% kế hoạch đầu nhiệm kỳ. Công tác tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ được quan tâm, tạo chuyển biến về năng lực trong cán bộ hội.
Các cấp hội chú trọng công tác tham mưu, đề xuất với cấp ủy, chính quyền để thực hiện nhiệm vụ được giao trong Kế hoạch số 2044 ngày 15/7/2016 của UBND tỉnh về khắc phục hậu quả chất độc hóa học do Mỹ sử dụng trong chiến tranh ở Việt Nam trên địa bàn tỉnh Bắc Giang. Trong đó, tập trung tuyên truyền, vận động sự đóng góp của các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, cá nhân hảo tâm nhằm trợ giúp về vật chất và tinh thần cho các nạn nhân CĐDC cải thiện cuộc sống, hòa nhập cộng đồng; mở rộng kêu gọi các tổ chức, cá nhân ở nước ngoài nhằm xây dựng nguồn quỹ chăm sóc nạn nhân da cam ngày một lớn hơn. Cùng đó, các cấp hội nạn nhân CĐDC/dioxin trong tỉnh tiếp tục phối hợp với các sở, ban, ngành liên quan tháo gỡ vướng mắc trong giải quyết chế độ, chính sách cho người tham gia kháng chiến bị phơi nhiễm chất độc hóa học trở về địa phương.
Huy động tối đa nguồn lực
Toàn tỉnh hiện có gần 7,2 nghìn nạn nhân CĐDC. Trong đó, số người đang hưởng chế độ hằng tháng là hơn 5,7 nghìn người. Ngoài ra, còn khoảng 500 nạn nhân thuộc thế hệ thứ 3 đang được xác minh, kết luận mức độ ảnh hưởng trong khi chờ quy định mới về giải quyết chế độ. Đa phần đối tượng không có khả năng lao động, thường xuyên phải điều trị tốn kém nên cuộc sống gặp nhiều khó khăn. Vì vậy, việc chăm lo, giúp đỡ nạn nhân và gia đình nạn nhân bị phơi nhiễm CĐDC được nhiều đơn vị, doanh nghiệp, cá nhân hảo tâm, các cấp hội trong tỉnh quan tâm thực hiện.
Nhiệm kỳ 2019-2024, các cấp hội trong tỉnh đã vận động tổng số (tiền và hàng quy đổi ra tiền) gần 94,7 tỷ đồng, đạt 189,3% so với chỉ tiêu đại hội đề ra, tăng hơn nhiệm kỳ trước hơn 43,5 tỷ đồng. Từ nguồn kinh phí này, các cấp hội đã tặng hơn 67,9 nghìn suất quà cho hội viên hoàn cảnh khó khăn; hỗ trợ xây mới, sửa chữa 119 nhà tình nghĩa; trao 263 xe lăn, 127 suất học bổng; khám chữa bệnh cho hơn 11 nghìn lượt nạn nhân... Một số đơn vị tích cực đồng hành với các hoạt động chăm lo nạn nhân da cam như: Công ty Samsung Display Việt Nam, Công ty cổ phần Sự kiện Cường An, Công ty cổ phần Xây dựng và Thương mại Duy Anh, Hội Khuyến học tỉnh, Hội Doanh nhân Cựu chiến binh tỉnh, Quỹ từ thiện doanh nghiệp tỉnh…
Một số thành tích nổi bật của hội trong nhiệm kỳ
- Huân chương Lao động hạng Ba của Chủ tịch nước giai đoạn 2016-2020.
- Cờ thi đua đơn vị dẫn đầu phong trào thi đua của UBND tỉnh và Bằng khen của T.Ư Hội Nạn nhân CĐDC/dioxin Việt Nam năm 2020.
- Bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh vì có thành tích xuất sắc trong phong trào “Đền ơn đáp nghĩa” nhân kỷ niệm 75 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ (năm 2022).
- Bằng khen của T.Ư Hội Nạn nhân CĐDC/dioxin Việt Nam; Bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ (năm 2023).
Nhiều hội cơ sở đã sáng tạo trong cách vận động, huy động tối đa mọi nguồn lực cho hoạt động hỗ trợ như: Hội Nạn nhân CĐDC/dioxin thị trấn Bích Động (thị xã Việt Yên) kêu gọi hội viên có kinh tế khá đóng quỹ cho đối tượng đặc biệt khó khăn vay vốn sản xuất; phong trào “Gắn kết nghĩa tình” của Hội Nạn nhân CĐDC/dioxin xã Hương Sơn (Lạng Giang) vận động sự ủng hộ của đơn vị bộ đội trên địa bàn… Từ đây, nhiều hội viên đã vượt khó, vươn lên thoát nghèo.
Nhiệm kỳ 2024-2029, Hội Nạn nhân CĐDC/dioxin tỉnh đề ra một số chỉ tiêu cụ thể: Thành lập mới từ 10 chi hội trở lên; kết nạp 1,2 nghìn hội viên; vận động nguồn lực xã hội và chăm sóc, giúp đỡ, hỗ trợ nạn nhân mỗi năm đạt 10 tỷ đồng... Với chủ đề “Đổi mới hướng về cơ sở, hướng về nạn nhân”, để hoàn thành các nhiệm vụ, chỉ tiêu đề ra trong nhiệm kỳ mới, các cấp hội nạn nhân CĐDC/dioxin trong tỉnh tiếp tục tuyên truyền, vận động, huy động các nguồn lực hỗ trợ. Trong đó, dành phần lớn kinh phí ưu tiên giúp hội viên nghèo sửa chữa nhà ở; hỗ trợ vốn, con giống, phương tiện sản xuất, tạo điều kiện để gia đình nạn nhân phát triển kinh tế.
Hội tiếp tục phối hợp với các cấp chính quyền, ngành chức năng tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong giải quyết chế độ, chính sách cho người tham gia kháng chiến bị phơi nhiễm chất độc hóa học trở về địa phương. Thường xuyên củng cố, kiện toàn tổ chức hội, xây dựng đội ngũ cán bộ chủ chốt các cấp đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới; thực hiện nghiêm công tác kiểm tra, giám sát.
Thân Văn Nhau, Chủ tịch Hội Nạn nhân CĐDC/dioxin tỉnh Bắc Giang