Chung tay phòng, chống đuối nước

Những năm gần đây, tình trạng học sinh bị đuối nước trên địa bàn tỉnh thường xuyên xảy ra, nhất là dịp hè. Mùa hè, thời tiết nắng nóng nên các em thường rủ nhau đi tắm ở ao hồ, sông suối, những khu vực dễ xảy ra đuối nước và đã có không ít trường hợp bị đuối nước thương tâm.

Liên tiếp những vụ đuối nước

Theo thống kê, 4 tháng đầu năm 2025, toàn tỉnh xảy ra 6 vụ tai nạn đuối nước, làm 7 trẻ em tử vong. So với cùng kỳ năm 2024, giảm 3 trường hợp tử vong (trong 4 tháng đầu năm 2024, toàn tỉnh xảy ra 6 vụ đuối nước, làm 10 trẻ tử vong).

Mới đây nhất, chiều 20-4, gia đình anh Lê Thành và chị Nguyễn Thị Chung ngụ thôn 2, xã Long Hà, huyện Phú Riềng cùng 2 con trai là L.B (15 tuổi), L.H (10 tuổi) và một số người thân đã đến khu vực sông Bé, đoạn bãi đá dưới cầu Trà Thanh (xã Long Hà) để vui chơi, tắm mát. Trong lúc tắm sông, thấy em trai bị rơi xuống hố nước sâu, người anh đã xuống cứu. Sau đó, cả 2 anh em đều bị chìm xuống sông. Những người trong gia đình nỗ lực tìm kiếm, đồng thời báo cho lực lượng an ninh cơ sở và Công an xã Long Hà hỗ trợ tìm kiếm nhưng không thành.

Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn huyện Bù Đốp cắm biển cảnh báo khu vực nguy hiểm đề phòng đuối nước tại hồ Cần Đơn nhằm hạn chế những tai nạn đuối nước xảy ra

Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn huyện Bù Đốp cắm biển cảnh báo khu vực nguy hiểm đề phòng đuối nước tại hồ Cần Đơn nhằm hạn chế những tai nạn đuối nước xảy ra

Trước đó, ngày 17-4, trên địa bàn thị trấn Tân Phú, huyện Đồng Phú xảy ra 1 trường hợp trẻ em bị đuối nước dẫn đến tử vong. Cụ thể, sau khi đi học về, em T.P.L. (SN 2020) ngụ tổ 7, khu phố Tân An, thị trấn Tân Phú cùng nhóm bạn sang nhà hàng xóm chơi không may bị rơi xuống hồ cá koi. Đến 18 giờ, ông Dương Đức Khải (chủ nhà) phát hiện cháu L. đã nổi trên mặt nước hồ cá koi của gia đình. Ông Khải gọi người giúp đỡ và sơ cấp cứu cho cháu L., sau đó đưa đến Trung tâm Y tế huyện, tuy nhiên, cháu L. đã tử vong trước đó.

Ông Hoàng Đại Hiệu, Chủ tịch UBND thị trấn Tân Phú cho biết: “Chúng tôi vô cùng đau buồn khi trên địa bàn thị trấn vừa xảy ra vụ việc thương tâm, 1 cháu bé đã bị đuối nước dẫn đến tử vong. Đây là mất mát lớn đối với gia đình cháu và cũng là hồi chuông cảnh tỉnh cho toàn thể cộng đồng trong việc tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em, nhất là dịp hè. UBND thị trấn đã chỉ đạo các lực lượng chức năng nhanh chóng có mặt tại hiện trường, hỗ trợ gia đình nạn nhân và tiến hành các thủ tục cần thiết. Đồng thời, chúng tôi sẽ tăng cường tuyên truyền, kiểm tra các điểm tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn, vận động nhân dân nâng cao cảnh giác và không để trẻ chơi đùa một mình tại các khu vực nguy hiểm. Chúng tôi mong muốn mỗi gia đình, người dân hãy cùng chính quyền địa phương chung tay phòng, chống đuối nước để không còn những sự việc đau lòng tương tự xảy ra”.

Để giảm thiểu tai nạn đuối nước

Tai nạn đuối nước ở trẻ em đã trở thành nỗi lo đối với mỗi gia đình và các cơ quan chức năng mỗi dịp hè đến. Hè là khoảng thời gian các em học sinh có thói quen rủ nhau đi tắm ao hồ, sông suối… Được bơi lội thỏa thích trong làn nước mát lạnh giữa cái nóng oi bức là niềm vui đối với các em, nhưng lại tiềm ẩn nguy cơ đuối nước rất lớn nếu không có sự giám sát của phụ huynh, nhất là trẻ em ở các vùng nông thôn. Nhiều vụ việc xảy ra trong thời gian qua để lại nỗi đau cho gia đình và xã hội.

Lực lượng chức năng và người dân xuyên đêm tìm kiếm các cháu Lê B. (15 tuổi) và cháu Lê H. (10 tuổi) bị đuối nước

Lực lượng chức năng và người dân xuyên đêm tìm kiếm các cháu Lê B. (15 tuổi) và cháu Lê H. (10 tuổi) bị đuối nước

Bình Phước có hệ thống ao, hồ, sông, suối dày đặc, tiềm ẩn nhiều nguy cơ đuối nước, đặc biệt là vào mùa mưa. Các khu vui chơi an toàn cho trẻ còn chưa thật sự đảm bảo; thiếu hệ thống rào chắn và các biển cảnh báo nguy hiểm ở những khu vực có nguy cơ đuối nước cao... Vì vậy, chúng tôi sẽ phối hợp các cấp, ngành liên quan khắc phục những hạn chế, vận động các gia đình chủ động đưa trẻ đi học bơi và kỹ năng an toàn trong môi trường nước; tổ chức các lớp dạy bơi và kỹ năng an toàn trong môi trường nước cho trẻ.

Phó Giám đốc Sở Y tế PHẠM THỊ MAI HƯƠNG

Bà Phạm Thị Mai Hương, Phó Giám đốc Sở Y tế cho biết, nguyên nhân trẻ em bị đuối nước trong những năm qua chủ yếu từ các gia đình hoàn cảnh khó khăn, trẻ em theo bố mẹ đi làm hoặc ở nhà với ông bà, thiếu sự giám sát của người lớn; kỹ năng bơi của các em chưa được phổ cập; công tác tuyên truyền ở một số địa phương chưa thật sự hiệu quả… Từ thực tiễn các vụ việc cho thấy, phần lớn là do các em chưa ý thức được sự nguy hiểm của đuối nước luôn rình rập, thiếu kiến thức và kỹ năng bơi lội. Hầu hết các em đang ở tuổi thanh thiếu niên có tính hiếu động, thích tụ tập thành nhóm để vui chơi ở các địa điểm có sông suối, ao hồ vào những ngày nắng nóng.

Để hạn chế thấp nhất trẻ em bị đuối nước, chính quyền địa phương, gia đình, phụ huynh phải luôn nhắc nhở con em mình không vui chơi tại những khu vực nguy hiểm gần sông suối, ao hồ. Đồng thời cần nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong phòng, chống đuối nước đối với trẻ em tại những địa bàn có nhiều nguy cơ xảy ra đuối nước. Tăng cường tuyên truyền, vận động gia đình thường xuyên quan tâm, giám sát trẻ em, đặc biệt trong thời gian nghỉ hè, mùa mưa bão.

Bên cạnh đó, các cơ quan, ban, ngành, địa phương cần quan tâm đầu tư, tổ chức các lớp học bơi, an toàn trong môi trường nước, phòng chống đuối nước cho trẻ, đặc biệt ưu tiên hỗ trợ trẻ em nghèo, hoàn cảnh khó khăn. Đồng thời tăng cường sử dụng thư viện, câu lạc bộ, nhà văn hóa, điểm vui chơi, giải trí, cơ sở thể dục thể thao phục vụ trẻ trong dịp hè... góp phần hạn chế tình trạng tai nạn đuối nước.

Nguyễn Khánh

Nguồn Bình Phước: https://baobinhphuoc.com.vn/news/9/172479/chung-tay-phong-chong-duoi-nuoc
Zalo