Cần tiêu chí rõ ràng để thành lập tòa chuyên trách mới

Chiều nay 8/5, Quốc hội làm việc tại Tổ thảo luận về Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Tòa án nhân dân và Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Viện kiểm sát nhân dân.

Đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Thuận - Bố Thị Xuân Linh thảo luận chiều nay 8/5

Đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Thuận - Bố Thị Xuân Linh thảo luận chiều nay 8/5

Tham gia ý kiến góp ý về Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Tòa án nhân dân, Đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Thuận - Bố Thị Xuân Linh bày tỏ sự thống nhất cao với sự cần thiết sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Tòa án nhân dân. Những lý do nêu trong Tờ trình của Tòa án nhân dân tối cao đã thể hiện đầy đủ về cơ sở chính trị, pháp lý và thực tiễn. Đặc biệt, dự thảo đã cụ thể hóa quan điểm, chủ trương của Đảng trong các văn bản quan trọng như Nghị quyết số 18, Nghị quyết 27, Nghị quyết 56, Nghị quyết 60 và Kết luận số 135 ngày 28/3/2025 của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ban Chấp hành Trung ương Đảng về sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động và yêu cầu cải cách tư pháp trong tình hình mới.

Góp ý cụ thể đối với Tòa án nhân dân cấp tỉnh, về cơ cấu tổ chức tại Điều 56, đại biểu Bố Thị Xuân Linh cho rằng việc quy định rõ các tòa chuyên trách như hình sự, dân sự, hành chính, kinh tế, lao động, gia đình và người chưa thành niên là hợp lý và phù hợp với yêu cầu chuyên môn hóa, nhằm nâng cao chất lượng xét xử. Đồng thời, việc giao Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định thành lập tòa chuyên trách khác theo đề nghị của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao là cần thiết. Tuy nhiên, dự thảo chưa quy định rõ tiêu chí xác lập tính cần thiết, điều này có thể gây khó khăn trong thực tiễn khi địa phương có nhu cầu thành lập tòa chuyên trách mới. Do đó, đại biểu đề nghị bổ sung quy trình, tiêu chí định lượng như số lượng vụ việc, tính chất phức tạp, nhu cầu thực tiễn để làm căn cứ đánh giá và thành lập.

Quang cảnh phiên thảo luận tổ.

Quang cảnh phiên thảo luận tổ.

Về nhiệm vụ quyền hạn tại Điều 55, việc mở rộng nhiệm vụ giám đốc thẩm, tái thẩm đối với bản án của Tòa án nhân dân khu vực là một bước chuyển quan trọng, góp phần tăng tính tự chủ, trách nhiệm của Tòa án nhân dân cấp tỉnh. Tuy nhiên, đại biểu đề nghị cần quy định rõ hơn cơ chế phân định giữa giám đốc thẩm của Tòa án nhân dân cấp tỉnh và Tòa án nhân dân tối cao để tránh chồng chéo, bảo đảm tính nghiêm minh và không trùng lặp trong kiểm tra bản án đã có hiệu lực pháp luật.

Đối với Tòa án nhân dân khu vực, về cơ cấu tổ chức tại Điều 60, đại biểu Bố Thị Xuân Linh cho rằng việc tổ chức các tòa chuyên trách tại cấp khu vực là phù hợp với tinh thần chuyên môn hóa. Đại biểu đề xuất bổ sung các tòa chuyên biệt như Tòa sở hữu trí tuệ, Tòa phá sản tại một số nơi có điều kiện, đồng thời kiến nghị luật hóa các tiêu chí lựa chọn như số lượng vụ việc trong 3 năm gần nhất, tính chất chuyên môn, đội ngũ thẩm phán có chuyên môn sâu, và yêu cầu thực tiễn từ cộng đồng doanh nghiệp, người dân và cơ quan chuyên môn để bảo đảm tính khả thi và tránh áp dụng tùy tiện.

Từ những vấn đề nêu trên, đại biểu đề nghị Tòa án nhân dân tối cao tiếp tục phối hợp rà soát với các cơ quan liên quan nhằm sửa đổi, bổ sung các văn bản luật liên quan khác, bảo đảm tính thống nhất và đồng bộ trong quá trình sắp xếp tổ chức bộ máy nhà nước và xây dựng luật.

Đại biểu Trần Hồng Nguyên: Cần điều chỉnh cơ chế vận hành của tòa án, viện kiểm sát theo hướng hiệu quả, minh bạch

Tại phiên thảo luận về Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Tòa án nhân dân và Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Viện kiểm sát nhân dân chiều nay 8/5, Đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Thuận – Trần Hồng Nguyên bày tỏ sự nhất trí cao đối với sự cần thiết sửa đổi hai dự án luật theo thủ tục rút gọn.

Đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Thuận – Trần Hồng Nguyên thảo luận

Đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Thuận – Trần Hồng Nguyên thảo luận

Đại biểu cho rằng việc sửa đổi là phù hợp để bảo đảm tính thống nhất với Hiến pháp và các luật liên quan đến mô hình tổ chức chính quyền địa phương không tổ chức HĐND cấp huyện, cấp xã.

Về phạm vi sửa đổi, đại biểu đồng tình với định hướng tổ chức hệ thống tòa án và viện kiểm sát theo ba cấp: tối cao, cấp tỉnh và cấp khu vực. Mô hình này phù hợp với các nghị quyết, kết luận quan trọng của Trung ương như Nghị quyết 49 và nhiều văn kiện của Bộ Chính trị, đồng thời phản ánh đúng xu thế tổ chức theo khu vực, không phụ thuộc vào địa giới hành chính cấp tỉnh, cấp huyện.

Trong phần góp ý cụ thể, đại biểu nêu hai nhóm vấn đề lớn. Thứ nhất, đối với Luật Tổ chức Tòa án nhân dân, đại biểu nhấn mạnh việc chuyển thẩm quyền xét xử sơ thẩm một số loại vụ án từ tòa cấp tỉnh về tòa khu vực là hợp lý, đồng thời trao thêm trách nhiệm giám đốc thẩm, tái thẩm cho tòa cấp tỉnh nhằm giảm tải cho Tòa án nhân dân tối cao. Tuy nhiên, theo đánh giá của đại biểu, đây là thay đổi lớn và cần đi kèm các giải pháp hỗ trợ mạnh mẽ hơn.

Thực tiễn cho thấy, mỗi năm hiện đã có hàng chục nghìn đơn đề nghị giám đốc thẩm, chủ yếu trong lĩnh vực dân sự. Với mô hình mới, con số này dự kiến tăng thêm khoảng 12.000 vụ/năm – tạo áp lực lớn cho hệ thống tòa án. Do đó, đại biểu đồng tình với các giải pháp được nêu trong tờ trình như: tăng thẩm quyền cho tòa khu vực, chuyển giám đốc thẩm về cấp tỉnh, tăng số lượng thẩm phán,… nhưng cho rằng vẫn cần đi kèm việc sửa đổi các luật tố tụng, nhất là Tố tụng dân sự và Hành chính. Hiện nay, quy định về điều kiện nộp đơn giám đốc thẩm còn thiếu rõ ràng, gây tình trạng gửi đơn tràn lan, vượt quá khả năng xử lý.

Bên cạnh đó, đại biểu đề nghị cần tăng cường đội ngũ tham mưu, giúp việc tại các vụ chuyên môn thuộc Tòa án nhân dân tối cao, bởi đây là khâu quan trọng hỗ trợ cho công tác xét xử, nhưng nhiều năm qua chưa được đầu tư tương xứng.

Quang cảnh phiên thảo luận tại Tổ

Quang cảnh phiên thảo luận tại Tổ

Thứ hai, về Luật Tổ chức Viện Kiểm sát nhân dân, đại biểu Trần Hồng Nguyên bày tỏ sự đồng thuận với việc bỏ quy định thi nâng ngạch kiểm sát viên, chỉ tổ chức kỳ thi khi bổ nhiệm lần đầu. Cách làm này vừa minh bạch, công khai, vừa tiết kiệm nguồn lực, tránh lãng phí như trước đây khi phải tổ chức nhiều kỳ thi nâng ngạch. Đồng thời, đại biểu đề xuất giao Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định cụ thể về việc nâng ngạch kiểm sát viên – tương tự quy định đang áp dụng cho thẩm phán trong Luật Tổ chức Tòa án nhân dân năm 2024.

Đại biểu cho biết, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã có hướng dẫn về nội dung này, vì vậy việc bổ sung quy định tương tự cho Viện Kiểm sát là phù hợp, đảm bảo sự đồng bộ và hiệu lực trong thực hiện.

T. HÀ

Nguồn Bình Thuận: https://baobinhthuan.com.vn/can-tieu-chi-ro-rang-de-thanh-lap-toa-chuyen-trach-moi-130042.html
Zalo