Chung tay kiến tạo hệ thống tài chính vì tương lai xanh cho Việt Nam
Ngày 21/5, tại Hà Nội, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam phối hợp Tổ chức Hợp tác quốc tế Đức (GIZ) và Tổ chức Tài chính quốc tế (IFC) tổ chức tọa đàm 'Đẩy mạnh triển khai Kế hoạch hành động của ngành ngân hàng thực hiện Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030'.

Toàn cảnh tọa đàm.
Đồng thời, Ngân hàng Nhà nước cũng chính thức công bố Sổ tay hướng dẫn hệ thống quản lý rủi ro môi trường-xã hội trong hoạt động cấp tín dụng do Ngân hàng Nhà nước phối hợp Tổ chức Tài chính quốc tế biên soạn.
Tọa đàm được tổ chức trực tiếp và trực tuyến với Ngân hàng Nhà nước các khu vực. Tiến sĩ Đào Minh Tú, Phó Thống đốc Thường trực Ngân hàng Nhà nước chủ trì.
Tham dự tọa đàm còn có Tiến sĩ Michaela Baur, Giám đốc quốc gia Tổ chức Hợp tác quốc tế Đức tại Việt Nam; ông Dennis Quennet, Giám đốc Phát triển kinh tế bền vững của Tổ chức Tài chính quốc tế tại Việt Nam; ông Andri Meier, Phó Trưởng Cơ quan hợp tác phát triển, Đại sứ quán Thụy Sỹ tại Việt Nam; đại diện lãnh đạo các bộ, ngành, các tổ chức, chuyên gia quốc tế và các tổ chức tín dụng.
Tọa đàm tập trung thảo luận các giải pháp thúc đẩy tín dụng xanh, nhằm tháo gỡ các khó khăn, thách thức hiện tại, cũng như lan tỏa những bài học hay, cách làm tốt trong thực tiễn triển khai tín dụng xanh cho hệ thống ngân hàng tại Việt Nam.
Theo Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú, tăng trưởng xanh không còn là một lựa chọn mà đã trở thành một yêu cầu cấp thiết đối với các quốc gia, đặc biệt là các nước đang phát triển như Việt Nam.
“Chính vì vậy, chuyển đổi sang mô hình tăng trưởng xanh - phát triển kinh tế đi đôi với bảo vệ môi trường và sử dụng hiệu quả tài nguyên - không chỉ là xu thế tất yếu mà còn là con đường ngắn nhất để Việt Nam hướng đến một tương lai bền vững, thịnh vượng”, Phó Thống đốc Đào Minh Tú khẳng định.
Phát biểu tại tọa đàm, Tiến sĩ Michaela Baur, Giám đốc Quốc gia Tổ chức Hợp tác quốc tế Đức tại Việt Nam, nhấn mạnh: Sự kiện hôm nay có ý nghĩa đặc biệt trong bối cảnh năm 2025 đánh dấu cột mốc 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa hai nước Việt Nam và Đức.
“Năm 2025 cũng là năm bản lề đánh giá 5 năm thực hiện Chiến lược quốc gia của Việt Nam về tăng trưởng xanh. Thay mặt chính phủ Đức, Tổ chức Hợp tác quốc tế Đức sẽ luôn đồng hành cùng các đối tác Việt Nam và quốc tế trên hành trình hướng tới một Việt Nam thịnh vượng hơn, xanh hơn và không ai bị bỏ lại phía sau. Một hệ thống tài chính xanh vững mạnh sẽ là nền móng quan trọng giúp chúng ta đạt được mục tiêu đó”, ông Michaela Bau cho biết.
Tọa đàm cũng thu hút sự hợp sức của các tổ chức tài chính Đức, chia sẻ kinh nghiệm quốc tế trong việc triển khai tài chính xanh và kinh nghiệm của Đức trong việc tiếp cận các nguồn tài chính xanh, từ góc độ tài chính phát triển, tài chính công và thúc đẩy phát triển khu vực tư nhân.

Phó Thống đốc Thường trực Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú phát biểu.
Theo Ngân hàng Nhà nước, dư nợ tín dụng đối với các lĩnh vực xanh của hệ thống ngân hàng có sự tăng trưởng nhanh cả về quy mô và tốc độ. Từ dư nợ tín dụng xanh năm 2017 chỉ đạt 180 nghìn tỷ, đến ngày 31/3 đã có 58 tổ chức tín dụng phát sinh dư nợ tín dụng xanh với dư nợ đạt hơn 704.244 tỷ đồng, tăng 3,57% so cuối năm 2024, chiếm tỷ trọng 4,3% tổng dư nợ toàn nền kinh tế, tập trung chủ yếu vào các ngành năng lượng tái tạo, năng lượng sạch (chiếm hơn 37%) và nông nghiệp xanh (hơn 29%); tốc độ tăng trưởng dư nợ tín dụng xanh bình quân đạt hơn 21,2%/năm trong giai đoạn 2017-2024, cao hơn tốc độ tăng trưởng tín dụng của toàn nền kinh tế.
Về đánh giá rủi ro môi trường xã hội trong hoạt động cấp tín dụng của các tổ chức tín dụng: Đến ngày 31/3, có 57 tổ chức tín dụng có dư nợ tín dụng được đánh giá rủi ro môi trường và xã hội đạt 3,62 triệu tỷ đồng, tăng gần 1% so cuối năm 2024 với số món được đánh giá rủi ro môi trường xã hội đạt gần 1,3 triệu món, tăng hơn 15 lần so thời điểm bắt đầu thực hiện năm 2017.
Sự kiện cũng chứng kiến lễ công bố Sổ tay hướng dẫn hệ thống quản lý rủi ro về môi trường-xã hội (ESMS) do Ngân hàng Nhà nước phối hợp Tổ chức Tài chính quốc tế biên soạn.
Sổ tay được phát triển trên cơ sở thông lệ quốc tế, nhằm hỗ trợ các tổ chức tín dụng xây dựng và vận hành hiệu quả hệ thống quản lý rủi ro môi trường-xã hội trong hoạt động cấp tín dụng, góp phần thực hành tiêu chuẩn về môi trường, xã hội và quản trị (ESG) và hướng tới tài chính bền vững tại Việt Nam.
Thông qua tọa đàm, Ngân hàng Nhà nước, các tổ chức tài chính và các đối tác khẳng định sẽ thắt chặt hợp tác hơn nữa trong việc đẩy mạnh tài chính xanh, bền vững trong ngành ngân hàng và đóng góp vào mục tiêu phát triển kinh tế xanh, bao trùm và bền vững tại Việt Nam.
Về phía Ngân hàng Nhà nước, trong thời gian tới, trên cơ sở bám sát các mục tiêu về phát triển kinh tế-xã hội, Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh và các nhiệm vụ được giao tại Đề án, Chiến lược, Kế hoạch hành động về tăng trưởng xanh, chống biến đổi khí hậu, Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về đẩy mạnh thực hiện Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh, Ngân hàng Nhà nước tiếp tục thực hiện các giải pháp, chính sách nhằm thúc đẩy hoạt động của ngành ngân hàng hướng tới mục tiêu tăng trưởng xanh, ứng phó biến đổi khí hậu.
Cụ thể: Tiếp tục điều hành tăng trưởng tín dụng hợp lý, hướng tín dụng vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên, các động lực tăng trưởng kinh tế theo chủ trương của Chính phủ (bao gồm động lực truyền thống và động lực mới), hỗ trợ nền kinh tế đạt mức tăng trưởng 8% trở lên;
Tiếp tục rà soát, hoàn thiện khuôn khổ pháp lý, hướng dẫn về tín dụng xanh, trong đó đề xuất sửa đổi bổ sung cơ chế, chính sách tín dụng ưu đãi khuyến khích phát triển nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp theo mô hình kinh tế tuần hoàn; chỉ đạo tổ chức tín dụng tập trung nguồn vốn, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp tư nhân, thực hiện các dự án xanh, thân thiện môi trường, mô hình kinh tế tuần hoàn;
Tích cực kết nối, làm việc với các tổ chức ở trong và ngoài nước để tiếp nhận các hỗ trợ về tài chính, hỗ trợ kỹ thuật để triển khai các hoạt động về tài chính xanh, ngân hàng xanh, đặc biệt là nâng cao năng lực của đội ngũ cán bộ ngân hàng về ngân hàng-tín dụng xanh, biến đổi khí hậu…