Chung tay hành động sớm để phòng ngừa thấp còi ở trẻ

Nhằm tăng cường phối hợp giữa chuyên gia y tế và phụ huynh đẩy lùi suy dinh dưỡng thấp còi, hội thảo khoa học 'Nâng cao tầm vóc và sức khỏe trẻ em - Chuyên gia đồng hành cùng cha mẹ' đã được Hội Nhi khoa Việt Nam cùng phối hợp tổ chức tại Hà Nội, để cập nhật kiến thức và công cụ đánh giá tăng trưởng cho trẻ.

 Đo chiều cao để theo dõi sự phát triển của trẻ. Ảnh minh họa

Đo chiều cao để theo dõi sự phát triển của trẻ. Ảnh minh họa

Theo các chuyên gia y tế, gần 1/5 trẻ em Việt Nam có chiều cao thấp hơn so với chiều cao chuẩn theo tuổi của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), tức đang bị suy dinh dưỡng thấp còi. Không chỉ ảnh hưởng đến chiều cao, suy dinh dưỡng thấp còi còn để lại nhiều hậu quả, tác động tiêu cực đến sức khỏe, sự phát triển toàn diện về thể chất, trí tuệ và tầm vóc của trẻ.

Tại hội thảo, Hội Nhi khoa Việt Nam đã giới thiệu công cụ đánh giá tăng trưởng phát triển dựa trên tiêu chuẩn của WHO, giúp phụ huynh nhận biết sớm nguy cơ suy dinh dưỡng.

Hội Nhi khoa Việt Nam giới thiệu công cụ đánh giá tăng trưởng theo chuẩn WHO, giúp phụ huynh theo dõi tăng trưởng, nhận biết nguy cơ suy dinh dưỡng

Hội Nhi khoa Việt Nam giới thiệu công cụ đánh giá tăng trưởng theo chuẩn WHO, giúp phụ huynh theo dõi tăng trưởng, nhận biết nguy cơ suy dinh dưỡng

"Phát hiện sớm là cực kỳ quan trọng giúp can thiệp kịp thời suy dinh dưỡng thấp còi, vì chỉ trong 5 năm đầu đời đã quyết định đến 60% chiều cao trưởng thành của trẻ", PGS.TS.BS Khu Thị Khánh Dung, Phó Chủ tịch Hội Nhi khoa Việt Nam cho biết.

Theo TS Dung, cha mẹ nên thường xuyên theo dõi, đánh giá tăng trưởng của trẻ dựa trên tiêu chuẩn của WHO và chủ động trao đổi với bác sĩ để có hướng xử trí phù hợp. Hành động sớm sẽ giúp trẻ em tránh những tác động lâu dài về sức khỏe và cải thiện tầm vóc cho trẻ em Việt Nam.

Giải pháp để giúp trẻ tăng trưởng chiều cao bao gồm: chăm sóc dinh dưỡng, vận động thể chất và giấc ngủ. Cần chú ý 5 năm đầu đời là thời gian vàng để giúp khắc phục tình trạng thấp còi hiệu quả nhất. Nghiên cứu cho thấy dinh dưỡng có tác động lớn đến sự tăng trưởng chiều cao giai đoạn này.

Các chuyên gia lưu ý, để bắt kịp tăng trưởng, trẻ có nguy cơ suy dinh dưỡng và trẻ thiếu hụt dinh dưỡng cần có nhu cầu năng lượng cao hơn so với trẻ phát triển đạt chuẩn. Chú ý bổ sung đầy đủ các dưỡng chất quan trọng cho tăng trưởng như đạm chất lượng cao, arginin, vitamin K2, các loại vitamin và khoáng chất thiết yếu, lợi khuẩn và prebiotics… Với nhóm trẻ thiếu hụt dinh dưỡng thì thực phẩm bổ sung đường uống đầy đủ và cân đối là giải pháp hỗ trợ hiệu quả giúp cải thiện tăng trưởng.

Chuyên gia của Hội Nhi khoa Việt Nam cho biết, chiều cao và cân nặng có tầm quan trọng như nhau trong tiến trình phát triển của trẻ. Phụ huynh cần theo dõi, đánh giá tình trạng tăng trưởng của trẻ thường xuyên để phát hiện suy dinh dưỡng thấp còi và can thiệp từ sớm bằng phương pháp khoa học.

Lâm Anh

Nguồn Phụ Nữ VN: https://phunuvietnam.vn/chung-tay-hanh-dong-som-de-phong-ngua-thap-coi-o-tre-20250425103822645.htm
Zalo