Chứng khoán Việt Nam u ám phiên cuối tuần
Tâm lý chán nản bao trùm thị trường với sắc đỏ lan rộng và thanh khoản tiếp tục mất hút...
Thị trường Chứng khoán Việt Nam (VN-Index) khép lại một tuần đầy u ám với sắc đỏ lan tràn. Tâm lý chán nản bao trùm thị trường kèm theo thanh khoản yếu ớt.
Kết phiên 10/1, chỉ số VN-Index giảm 15,29 điểm - tương đương 1,23%, qua đó, lùi về vùng 1.230 điểm. Đây là kịch bản đã được giới phân tích dự báo trước.
Trong bạt ngàn sắc đỏ, tất nhiên nhóm ngành gây ảnh hưởng nặng nề nhất đến thị trường vẫn là nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn, vừa.
Nhóm ngành ngân hàng có thể kể đến VCB của Vietcombank giảm 0,54%, STB của Sacombank giảm 3,30%, NAB của Nam Á Bank giảm 3,52%, MBB của MBBank giảm 1,63%...
Nhóm ngân hàng chỉ có cổ phiếu CTG của Vietinbank và SSB của Seabank đạt mức tăng trưởng lần lượt là 0,27% và 2,05%...
Nhóm cổ phiếu chứng khoán cũng gây ảnh hưởng đến xu hướng giảm của thị trường. Hai cổ phiếu đầu bảng ngành chứng khoán là VND của VNDIREC và SSI của Chứng khoán SSI đều có mức giảm gần 3%. VDS của Chứng khoán Rồng Việt giảm 5,32%. Nhìn chung, nhóm ngành chứng khoán đều chìm trong sắc đỏ, không cổ phiếu nào giữ được mức tăng trưởng dương trong phiên 10/1.
Với nhóm ngành bất động sản cũng không khá khẩm hơn. Hai cổ phiếu đầu bảng họ nhà Vin là VIC và VHM đều giảm về cuối phiên. Mức giảm lần lượt là 0,61 và 0,99%. Đây là hai cổ phiếu mạnh trong ngành bất động sản và có ảnh hưởng đến xu hướng của toàn thị trường.
Các nhóm ngành khác như dệt may, thủy sản, thép, bán lẻ... đều có diễn biến tiêu cực trong phiên cuối tuần.
Thanh khoản VN-Index tiếp tục ảm đạm với hơn 11.200 tỷ đồng trên sàn HSX. Cộng toàn thị trường bao gồm HSX, HNX và UpCom, thanh khoản chỉ đạt hơn 12.000 tỷ đồng.
Ông Đỗ Bảo Ngọc, Phó tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Chứng khoán Kiến thiết Việt Nam lý giải: Chứng khoán giảm ngắn hạn là xu hướng đã được giới phân tích dự báo. Trong ngắn hạn, Thị trường Chứng khoán Việt Nam (VN-Index) đang đối mặt với nhiều áp lực.
Đầu tiên có thể kể đến là chênh lệch về tỷ giá giữa đồng Đô la Mỹ (USD) và đồng Việt Nam (VNĐ). Theo đó, giá trị đồng USD tiếp tục tăng khiến cho biên lợi nhuận của giới đầu tư mỏng hơn. Dòng tiền lớn sẽ có xu hướng rút ròng và tìm đến những kênh đầu tư khác hấp dẫn, hiệu quả hơn nhằm tìm kiếm lợi nhuận.
Nguyên nhân thứ hai đến từ việc nhóm đầu tư nước ngoài liên tục bán ròng. Lực bán rất mạnh trong phiên 9/1 (-440 tỷ đồng) và hôm nay lực xả vẫn rất mạnh với 220 tỷ đồng nghiêng về bên bán.
Nhóm tự doanh trong nước cũng thể hiện sự dè dặt thi sức mua trong 10 phiên gần nhất vẫn yếu. Thậm chí, một số phiên như 3/1, tự doanh bán ròng gần 1.000 tỷ đồng. Phiên 2/1,nhóm này cũng bán ròng tới hơn 765 tỷ đồng.
Nguyên nhân tiếp theo đến từ việc hệ thống ngân hàng liên tục nâng lãi suất huy động. Động thái này giúp cho nhà đầu tư, nhất là những người nắm giữ tiền mặt có thêm kênh đầu tư hấp dẫn hơn, tỷ lệ lợi nhuận cao hơn mà lại an toàn.
Việc hệ thống ngân hàng nâng lãi suất tiền gửi có lợi cho ngành ngân hàng, nhưng lại không tốt cho chứng khoán.
Ngoài ra, còn nhiều nguyên nhân khác như thời điểm giáp Tết, nhà đầu tư có xu hướng rút tiền để giải quyết công việc cuối năm, để ăn tết. Không những thế, đây là thời điểm Tổng thống đắc cử Mỹ Donal Trump chuẩn bị nhậm chức, do đó, phản ứng của nhà đầu tư thận trọng, chờ đợi tín hiệu rõ ràng hơn là điều dễ hiểu...