Chứng khoán tuần tới (từ 21 đến 25/7): Rung lắc mạnh vùng đỉnh?
Thị trường chứng khoán Việt Nam vừa trải qua một tuần giao dịch bùng nổ với tâm lý tích cực lan rộng và dòng tiền đổ vào mạnh mẽ trên nhiều nhóm ngành trọng yếu.
Trong 5 phiên từ 14 đến 18 tháng 7, chỉ số VN‑Index tăng tổng cộng gần 40 điểm, tương đương 2,71%, đóng cửa tại 1.497,28 điểm - chỉ cách mốc tâm lý 1.500 một khoảng rất ngắn. Đáng chú ý, thị trường ghi nhận tới 3 phiên tăng mạnh trên 10 điểm, cho thấy sự đồng thuận của cả lực cầu và kỳ vọng tăng trưởng.

Vn-Index đang tiến sát gần mốc điểm cao lịch sử (1.535 điểm) nên xác suất cao sẽ xuất hiện áp lực bán rất lớn.
Tuần qua, các nhóm ngân hàng, chứng khoán, thép vẫn tiếp tục có diễn biến tích cực. Lần lượt các ngân hàng lớn nhỏ thi nhau lên tiếng, đáng kể có STB + 5,35% , BVB +6,67%, TCB +3,72%, LPB +4,85%...
Nhóm chứng khoán có SSI +7,25%, SHS +15%, CTS +4,22%... Nhóm thép có SMC +13,36%, VGS +5,92%, NKG +2,51%...
"Dậy sóng" trong tuần qua phải kể đến nhóm cổ phiếu bất động sản. Trong đó CEO +20,86%, DIG + 13,85%, NVL +12,15 %, PDR + 9,6%...
Một trong những điểm nhấn đáng chú ý nhất trong tuần là sự bứt phá về thanh khoản. Giá trị giao dịch trung bình toàn thị trường đạt gần 34.000 tỷ đồng mỗi phiên - mức cao hiếm thấy kể từ đầu năm. Dòng tiền chủ động luân chuyển linh hoạt giữa các nhóm ngành, tập trung vào bất động sản, chứng khoán, ngân hàng và bán lẻ. Sự sôi động này phản ánh tâm lý tích cực trước mùa công bố báo cáo tài chính quý II, đồng thời cho thấy nhà đầu tư trong nước đang đóng vai trò then chốt trong việc dẫn dắt xu hướng thị trường.
Mặc dù giá trị mua ròng của nhà đầu tư nước ngoài có dấu hiệu hạ nhiệt về cuối tuần, nhưng lũy kế cả tuần, khối ngoại vẫn ghi nhận giá trị mua ròng xấp xỉ 1.300 tỷ đồng. Cụ thể, xét theo từng sàn, khối ngoại mua ròng 1.226 tỷ đồng trên sàn HoSE, mua ròng 202 tỷ đồng trên HNX và vẫn bán ròng 130 tỷ đồng trên UPCoM. Đây là tuần thứ 7 trong năm nay nhà đầu tư nước ngoài thực hiện mua ròng cổ phiếu Việt Nam, cho thấy niềm tin của dòng vốn quốc tế vẫn được duy trì, bất chấp biến động ngắn hạn.
Xét theo từng mã chứng khoán, khối ngoại có xu hướng giải ngân mạnh vào nhóm cổ phiếu ngân hàng, bất động sản và một số mã Bluechips nổi bật. Dẫn đầu chiều mua ròng là cổ phiếu VPB với giá trị vượt trội lên tới 654 tỷ đồng. Theo sau là SSI và DXG với mức mua ròng lần lượt 582 tỷ và 351 tỷ đồng. Các mã MSN (307 tỷ), NVL (241 tỷ) và MWG (157 tỷ) cũng thu hút dòng vốn lớn từ nhà đầu tư nước ngoài. Ngoài ra, một loạt cổ phiếu khác như DIG, NLG, CEO, VND, SHS và STB cũng ghi nhận giao dịch mua ròng đáng kể, củng cố thêm lực đẩy cho thị trường trong bối cảnh thanh khoản gia tăng mạnh.
Trao đổi với PetroTimes, ông Vũ Huy Hoàn - Chuyên gia tư vấn thuộc Công ty chứng khoán VPS cho rằng xu hướng tăng điểm vẫn đang áp đảo mà chưa có một tín hiệu đảo chiều đáng chú ý nào xác nhận nên khả năng đà tăng còn tiếp diễn trong một vài phiên tới. Tuy vậy ở thời điểm hiện tại, Vn-Index đang tiến sát gần mốc điểm cao lịch sử (1.535 điểm) nên xác suất cao sẽ xuất hiện áp lực bán rất lớn.
“Chúng tôi cho rằng quanh mốc 1.515 điểm sẽ có áp lực bán lớn và khả năng sẽ khiến Vn-Index có nhịp điều chỉnh sau quá trình tăng 5 tuần vừa qua. Vì vậy nhà đầu tư cần hạn chế việc mua đuổi và duy trì một tỷ lệ tiền mặt lớn, chờ nhịp chỉnh để có vị thế mua an toàn hơn".
Có thể thấy thị trường tuần qua diễn biến rất khởi sắc, với sự kết hợp nhịp nhàng giữa lực cầu trong nước đang gia tăng và dòng vốn ngoại vẫn duy trì vị thế mua ròng. VN‑Index hiện tiệm cận ngưỡng 1.500 điểm, và nếu xu hướng thanh khoản cao tiếp tục được giữ vững trong tuần tới, khả năng bứt phá là hoàn toàn khả thi.
Tuy nhiên, để đạt được sự ổn định và tăng trưởng bền vững hơn, giới đầu tư sẽ cần theo dõi sát sao các yếu tố vĩ mô hỗ trợ, diễn biến từ khối ngoại, cũng như báo cáo tài chính quý II từ các doanh nghiệp đầu ngành.