Dấu ấn 3 đột phá chiến lược
5 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX, với nhiều cơ hội được nắm bắt, nhiều tiềm năng được khai phá và nhiều thành tựu mới được định hình, Thanh Hóa đã và đang tạo ra bước đột phá ấn tượng trong hành trình hiện thực hóa 3 khâu đột phá chiến lược.

Công chức Trung tâm Phục vụ hành chính công xã Cẩm Vân giải quyết thủ tục hành chính cho công dân.
Thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển trong bối cảnh nhiều khó khăn, thách thức chưa thể dự báo hết, trong đó sức “tàn phá” ghê gớm của đại dịch COVID−19 lên “sức khỏe” của nền kinh tế, lên đời sống xã hội và tính mạng Nhân dân đã đặt bộ máy lãnh đạo các cấp phải gồng mình chống đỡ. Song, thách thức bất ngờ và không thể dự báo này cũng trở thành “phép thử” về tinh thần chủ động, sáng tạo trong lãnh đạo, chỉ đạo; trong sự kiên trì vượt khó, cùng tinh thần đoàn kết của hàng triệu người cho mục tiêu chung “chống dịch để phục hồi kinh tế”. Tất cả những nhân tố ấy hội tụ lại đã trở thành “chìa khóa” để mở ra cánh cửa mới, đưa Thanh Hóa bứt phá vươn lên.
Nắm giữ vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng, khi kết nối cả vùng Bắc Trung bộ và duyên hải Trung bộ với vùng đồng bằng Sông Hồng; lại có hệ thống giao thông thuận lợi, đa dạng từ cao tốc, đường ven biển, đường sắt, đến sân bay, cảng biển và nhất là các quy hoạch lớn được phê duyệt, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đã lựa chọn “phát triển hạ tầng” làm khâu đột phá chiến lược nhằm tạo dựng “dáng vóc” mới cho Thanh Hóa.
Cùng với cơ chế, chính sách thông thoáng và đột phá thể chế làm điểm tựa, thì hạ tầng thông suốt cũng là nhân tố cần phải “đi tắt đón đầu”. Bởi hạ tầng chính là bộ khung, là “xương sống” của nền kinh tế. Trong chiến lược phát triển hệ thống giao thông theo “Quy hoạch tỉnh Thanh Hóa thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045”, Thanh Hóa chú trọng phát triển hệ thống hạ tầng giao thông - “mạch máu” của nền kinh tế với trọng tâm là nâng cao năng lực vận chuyển, tăng cường kết nối các trung tâm kinh tế động lực của tỉnh với các tỉnh lân cận. Từ đó, tạo điều kiện thuận lợi để mở rộng không gian phát triển, thu hút đầu tư, nâng cao khả năng cạnh tranh của tỉnh. Ngay sau khi tuyến cao tốc Bắc - Nam qua địa bàn tỉnh đưa vào sử dụng, Thanh Hóa đã bố trí ngân sách hàng nghìn tỷ đồng đầu tư các công trình giao thông trọng điểm có tính đột phá và sức lan tỏa lớn, kết nối với các nút giao đường cao tốc và các trung tâm kinh tế, khu công nghiệp. 709,7km quốc lộ, đường tỉnh, các tuyến đường lớn, quan trọng được hình thành trong giai đoạn 2021-2025; Cảng Hàng không Thọ Xuân được quy hoạch thành cảng hàng không quốc tế; cảng biển Thanh Hóa được Thủ tướng Chính phủ quy hoạch tiềm năng trở thành cảng đặc biệt... sẽ là “hạt nhân” dẫn dắt, thúc đẩy mạnh mẽ sự phát triển kinh tế - xã hội của Thanh Hóa với các tỉnh, thành phố trong vùng. Cùng với giao thông, hạ tầng công nghiệp mà trực tiếp là hạ tầng Khu Kinh tế Nghi Sơn, các khu công nghiệp và cụm công nghiệp; hạ tầng phục vụ phát triển nông nghiệp; hạ tầng thương mại; hạ tầng lưới điện; hạ tầng viễn thông... cũng được đầu tư ngày càng đồng bộ, tạo dựng diện mạo và sức bật mới cho sự phát triển của xứ Thanh.
Nếu như trước đây, nhắc tới các chỉ số cải cách hành chính (CCHC) của Thanh Hóa, người ta nghĩ ngay đến top cuối của cả nước. Thế nhưng, nhiệm kỳ 2020-2025, thực hiện khâu đột phá về “Đẩy mạnh CCHC, tạo môi trường đầu tư thông thoáng, hấp dẫn”, Thanh Hóa đã có cuộc bứt phá “ngoạn mục” khi ghi dấu ấn nổi bật bằng những “con số đẹp” đó là: Xếp thứ 3 cả nước về Chỉ số PAPI, xếp thứ 5 Chỉ số SIPAS, thứ 10 Chỉ số PAR INDEX và thứ 21 về Chỉ số PCI. Hơn 2 nhiệm kỳ chính thức tham gia các bộ chỉ số CCHC, nhiệm kỳ 2020-2025 có thể nói là nhiệm kỳ thành công nhất của Thanh Hóa khi lần đầu tiên vươn lên nằm trong top đầu cả nước về nhiều chỉ số - một kết quả không hề dễ dàng để có được. Thành quả ngọt ngào này ghi dấu sự nỗ lực vượt bậc, cùng quyết tâm chính trị cao nhất của Thanh Hóa khi kiên trì, nhất quán thực hiện mục tiêu vì người dân, doanh nghiệp phục vụ.
Những nỗ lực trong CCHC, cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh mà tỉnh ưu tiên thực hiện đã giúp Thanh Hóa ghi nhiều dấu ấn đậm nét lên bức tranh phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Thanh Hóa đang tiến những bước dài trong sự phát triển khi nhiều chỉ tiêu quan trọng đã xác lập những con số ấn tượng chưa từng có; khi hàng loạt những công trình “sừng sững” mang tầm vóc thế kỷ được hình thành và hoạt động hiệu quả; khi những khu đô thị hiện đại mọc lên khắp nơi, hay những nhà máy, xí nghiệp “tầm cỡ” được lần lượt ra đời... Thanh Hóa còn là “mảnh đất vàng” hấp dẫn các nhà đầu tư lớn. “Làn sóng” nghìn tỷ, mà nổi bật là những dự án “khủng” như Quần thể nghỉ dưỡng khoáng nóng Sun Beauty Onsen có tổng mức đầu tư gần 7.000 tỷ đồng; Cụm các nhà máy sản xuất, lắp ráp ô tô, máy xây dựng có tổng mức đầu tư 6.900 tỷ đồng; Flamingo Hải Tiến có tổng mức đầu tư 3.350 tỷ đồng... đã cho thấy thành công của Thanh Hóa trong cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh ngày càng đi vào chiều sâu, thực chất và hiệu quả.

Hạ tầng giao thông được đầu tư đồng bộ, thúc đẩy kinh tế - xã hội của tỉnh phát triển.
Hòa chung “dòng chảy” của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, Thanh Hóa đã và đang tập trung trí tuệ, nguồn lực đưa khoa học và công nghệ (KH&CN) hiện diện rõ nét trên tất cả các lĩnh vực và giữ vai trò “then chốt” trong sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội. Theo Phó Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Thanh Hóa Nguyễn Quốc Uy: “Nhân tố quyết định đến phát triển KH&CN không chỉ là nguồn lực tài chính, hệ thống trang thiết bị, hay điều kiện tự nhiên, văn hóa - xã hội mà quan trọng nhất, có tính quyết định nhất là nguồn lực con người và thể chế. Bởi thế, bên cạnh việc ban hành nhiều chương trình, kế hoạch nhằm khuyến khích, thúc đẩy KH&CN phát triển, từng bước đặt KH&CN vào đúng vị thế của một ngành quan trọng, Thanh Hóa đã có nhiều chính sách nhằm tạo dựng trụ cột về con người”. Số cán bộ nghiên cứu khoa học của tỉnh tăng từ 4.035 người/1 vạn dân (năm 2021) lên 5.025 người/1 vạn dân (năm 2025) là minh chứng rõ nét nhất cho hướng đi đúng đắn này. Tỉnh ta cũng rất phấn khởi khi có 38 tổ chức KH&CN, 32 doanh nghiệp được cấp giấy chứng nhận KH&CN, đứng thứ 4 của cả nước.
Sự quan tâm của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, cùng với quá trình cống hiến thầm lặng và lao động quên mình của đội ngũ các nhà khoa học, nhiều thành tựu KH&CN hiện đại đã được ứng dụng rộng rãi trong sản xuất nông nghiệp, công nghiệp, trong khám chữa bệnh..., tạo ra nhiều sản phẩm chất lượng cao, đủ sức cạnh tranh trên thị trường trong nước và quốc tế. Các nhiệm vụ KH&CN cấp quốc gia được phê duyệt và triển khai tăng cao về số lượng cũng như kinh phí hỗ trợ, tạo điều kiện cho KH&CN không ngừng phát triển. Đặc biệt, với sự chỉ đạo sâu sát của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, UBND tỉnh, việc triển khai Nghị quyết số 57-NQ/TW, ngày 22/12/2024 của Bộ Chính trị đã tạo ra những chuyển biến căn bản, đặt nền móng cho sự phát triển bền vững của tỉnh dựa trên ba trụ cột then chốt trong kỷ nguyên trỗi dậy mạnh mẽ của đất nước là KH&CN, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số.
Với tư duy đột phá, tầm nhìn chiến lược, Thanh Hóa đã gặt hái được nhiều thành quả rất đáng phấn khởi. Đây vừa là niềm tin mới, khí thế mới, động lực mới, vừa là cơ sở, là nền tảng để Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân các dân tộc trong tỉnh tiến nhanh, tiến mạnh về phía trước, tiếp tục khẳng định vị thế, vai trò đầu tàu của một trung tâm kinh tế năng động vùng Bắc Trung bộ, đóng góp xứng đáng vào hành trình đầy tự hào và vinh quang của đất nước.