Loại trừ đà tăng một số cổ phiếu vốn hóa lớn, VN-Index mới ở vùng 1.350 điểm, dư địa tăng vẫn còn
Dù VN-Index đã tiến lên vùng 1.500 điểm, nhưng nếu loại trừ đóng góp của nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn, mặt bằng giá chung hiện tại vẫn ở vùng thấp cho thấy dư địa tăng vẫn còn.

Sau hơn 3 năm chờ đợi, VN-Index lần đầu trở lại mốc 1.500 điểm vào cuối phiên sáng ngày 18/07, nhưng với sự rung lắc trong phiên chiều chỉ số đóng cửa tại 1.490 điểm. Đến phiên đầu tuần ngày 21/07, ngay phiên ATO, chỉ số đã lập tức chinh phục lại vùng đỉnh quan trọng, dù sau đó có rung lắc rơi khỏi vùng này.
Tuy nhiên, trong buổi chia sẻ mới đây của Chứng khoán Pinetree, ông Nguyễn Đức Khang, Trưởng phòng Phân tích Công ty cho rằng, thị trường không nên quá tập trung vào mặt điểm số của VN-Index, vì mức điểm hiện tại chưa có sự cân bằng.
Theo ông Khang, đà tăng của VN-Index từ đầu năm đến nay phần lớn được đóng góp bởi một số cổ phiếu vốn hóa lớn. Cụ thể, riêng hai cổ phiếu VIC và VHM đã đóng góp khoảng 125 điểm cho chỉ số. Nếu tính thêm VRE, tổng mức đóng góp của nhóm cổ phiếu thuộc Vingroup vào VN-Index lên tới gần 130 điểm.
“Tại thời điểm đầu năm, VN-Index đứng ở mức 1.266 điểm. Nếu loại trừ nhóm cổ phiếu họ Vin, thực chất chỉ số hiện chỉ đang dao động quanh 1.350 – 1.370 điểm, thay vì tới mốc 1.500 điểm như thị trường nhìn thấy. Khoảng cách thực sự tới đỉnh 1.500 điểm vẫn còn khoảng 150 điểm, tương đương gần 10%”, ông Khang phân tích.
Đặc biệt, nếu tiếp tục loại bỏ thêm một số cổ phiếu “siêu sao” khác như TCB (đóng góp khoảng 20 điểm), GVR (khoảng 8,5 điểm), hay HPG, thì nhóm còn lại, nhất là cổ phiếu midcap hiện mới chỉ tương đương mức điểm của VN-Index trong giai đoạn 1.320 – 1.350 điểm.
“Nhìn từ góc độ này, nhà đầu tư có thể cảm nhận rằng thị trường đã tăng mạnh và tiệm cận lại vùng đỉnh lịch sử. Tuy nhiên thực tế, nếu trừ đi họ nhà Vingroup, mặt bằng giá chung hiện vẫn đang ở vùng thấp hơn khá nhiều. Do đó, thị trường vẫn còn dư địa tăng nếu dòng tiền tiếp tục đổ sang các nhóm cổ phiếu midcap và các cổ phiếu khác”, ông Khang nói.
Trao đổi với Báo Đầu tư Chứng khoán, ông Vũ Duy Khánh, Giám đốc Trung tâm phân tích Chứng khoán Smart Invest (AAS) cho rằng, trong kịch bản thị trường chuyển hẳn sang pha hưng phấn, P/E có thể mở rộng lên vùng 20, tương ứng với việc chỉ số VN-Index có thể tiến tới vùng 1.600, thậm chí 1.700 điểm.
Tuy vậy, ông Khánh lưu ý rằng, thị trường sẽ không tăng một mạch. Thay vào đó, xu hướng đi lên sẽ xen kẽ với những giai đoạn thị trường tích lũy, rung lắc hoặc giằng co. Diễn biến này cũng giống như giai đoạn thị trường đi từ 800 lên 1.100 điểm, rồi mắc kẹt quanh 1.200 một thời gian trước khi bứt phá.
“Việc nhận định xu hướng tăng không có nghĩa là thị trường sẽ bứt phá ngay lập tức trong một vài phiên tới. Tôi muốn làm rõ điều này để tránh kỳ vọng phi thực tế thị trường sẽ chạy vèo một mạch. Cột mốc mới có thể được chinh phục vào khoảng cuối năm 2025 - nửa đầu 2026”, ông nhấn mạnh.
Nhìn về các cơ hội đầu tư, ông Khánh nhận định, trong bối cảnh thanh khoản dồi dào, nhóm cổ phiếu thị giá thấp có thể có sóng. Trong chu kỳ tiền vào mạnh, thị trường sẽ tự động san sẻ dòng tiền sang những cổ phiếu chưa tăng, bất chấp nền tảng kinh doanh yếu. Tuy nhiên, đó là những mã có giá từ 3.000 - 4.000 đồng tiến về mệnh giá (10.000 đồng), còn nếu chỉ tăng thêm một vài giá thì chỉ là câu chuyện cổ phiếu đơn lẻ.
Thực tế, ngay trong phiên 18/07, nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ đua nhau tăng trần, thanh khoản bùng nổ đã góp phần cho thị trường tăng điểm.
Bên cạnh đó, bất động sản là một trong những ngành có triển vọng trong thời gian tới. Sau nhiều năm khó khăn, doanh nghiệp trong ngành đang có cơ hội hồi phục khi tín dụng trở nên lỏng hơn.
Để tiếp cận được vốn ngân hàng, doanh nghiệp cần phát sinh các giao dịch nhằm tăng giá trị tài sản. Khi đó, hoạt động M&A giữa các bên sẽ giúp tạo ra giá trị mới, từ đó nâng hạn mức tín dụng. Gần đây, thị trường đã chứng kiến nhiều thương vụ như Sun Group mua dự án từ CTX hay MIK Group thâu tóm VCR từ VCG... Các giao dịch này giúp bên bán có lãi, còn bên mua tăng tổng tài sản, từ đó mở rộng khả năng tiếp cận dòng vốn ngân hàng.
Bên cạnh đó, dòng tiền tại các doanh nghiệp đang cải thiện khi hoạt động bán hàng khởi sắc. Dù lợi nhuận chưa ghi nhận ngay, nhưng dòng tiền trả trước và kỳ vọng từ thị trường đang tăng lên. Một số thương vụ chuyển nhượng cũng bắt đầu mang lại lợi nhuận rõ rệt.
Ông Khánh cũng đánh giá nhóm ngân hàng có triển vọng tích cực trong thời gian tới nhờ hai yếu tố: tăng trưởng tín dụng và giá trị tài sản đảm bảo đi lên.
Theo ông, khi giá bất động sản tăng, giá trị tài sản đảm bảo của các khoản vay cũng tăng theo. Điều này ảnh hưởng trực tiếp đến mức trích lập dự phòng nợ xấu. Giá trị tài sản đảm bảo càng cao, khoản trích lập càng thấp, từ đó cải thiện lợi nhuận của ngân hàng.
“Với việc đầu ra tăng trưởng tín dụng, đầu vào giảm chi phí trích lập, lợi nhuận ngân hàng sẽ đi lên", ông Khánh lý giải. Ngoài ra, giá cổ phiếu ngành ngân hàng cũng đang có xu hướng tăng, tạo hiệu ứng tâm lý tích cực và hỗ trợ kỳ vọng về kết quả kinh doanh trong các quý tới.
Cuối cùng, nhóm chứng khoán cũng sẽ được chú ý trong giai đoạn dòng tiền mạnh. Chứng khoán là ngành phản ánh kỳ vọng nhiều hơn thực tế, mỗi khi thanh khoản lớn, nhà đầu tư sẽ kỳ vọng công ty chứng khoán sẽ lãi lớn, dù thực tế có thể không như vậy. Chính điều này giúp nhóm chứng khoán thường được chú ý trong các chu kỳ tiền lỏng.