Chứng khoán thế giới: Nasdaq lập 'đỉnh' mới, thị trường châu Á phần lớn giảm điểm

Kết thúc phiên 16/12 (giờ địa phương), chỉ số Nasdaq tăng mạnh 247,17 điểm (1,24%) lên mức cao kỷ lục 20.173,89 điểm. Trong khi đó, thị trường chứng khoán châu Á phần lớn giảm điểm, sau khi doanh số bán lẻ của Trung Quốc bất ngờ chậm lại, làm gia tăng lo ngại về nền kinh tế nước này.

Chỉ số Nasdaq đã đạt mức cao kỷ lục, nhờ đà tăng của nhóm cổ phiếu công nghệ - Ảnh minh họa

Chỉ số Nasdaq đã đạt mức cao kỷ lục, nhờ đà tăng của nhóm cổ phiếu công nghệ - Ảnh minh họa

Các công ty vốn hóa lớn tiếp tục tăng

Chỉ số Nasdaq đã đóng cửa ở mức cao kỷ lục mới trong phiên giao dịch đầu tuần 16/12, trong khi chỉ số S&P 500 cũng ghi nhận mức tăng, giữa bối cảnh giới đầu tư đang đánh giá dữ liệu kinh tế mới nhất và chờ đợi quyết sách cuối cùng trong năm của Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) để xác định lộ trình lãi suất của ngân hàng này.

Kết thúc phiên này, chỉ số Nasdaq tăng mạnh 247,17 điểm (1,24%) lên mức cao kỷ lục 20.173,89 điểm, nhờ đà tăng của nhóm cổ phiếu công nghệ. Chỉ số S&P 500 cũng tăng 22,99 điểm (0,38%), lên 6.074,08 điểm.

Tuần trước, S&P 500 chấm dứt chuỗi ba tuần tăng liên tiếp, trong khi Nasdaq tiếp tục chuỗi tăng tuần thứ tư liên tiếp.

Đi ngược với xu hướng này, chỉ số công nghiệp Dow Jones lại giảm 110,58 điểm (0,25%) xuống 43.717,48 điểm trong phiên giao dịch 16/12. Đáng chú ý, chỉ số này đã giảm tám phiên liên tiếp, chuỗi giảm dài nhất kể từ tháng 6/2018.

Theo công cụ FedWatch của CME, thị trường hiện đang dự đoán gần như chắc chắn (95,4%) rằng Fed sẽ cắt giảm lãi suất 0,25 điểm phần trăm trong cuộc họp chính sách kéo dài hai ngày 17-18/12.

Ông Sam Stovall, chiến lược gia đầu tư trưởng tại CFRA Research ở New York, nhận định: “Có thể thị trường đã bị bán tháo quá mức vào tuần trước. Với khả năng gần như 100% cho rằng Fed sẽ cắt giảm lãi suất vào cuộc họp tới, câu hỏi còn lại là Fed sẽ đưa ra định hướng như thế nào trong các tuyên bố của mình.”

Ông Stovall cũng dự đoán rằng đây sẽ là một đợt cắt giảm "diều hâu" - tức là Fed sẽ giảm lãi suất nhưng vẫn nhấn mạnh rằng họ phụ thuộc vào dữ liệu kinh tế, và có thể sẽ có ít lần cắt giảm hơn trong năm tới so với kỳ vọng của thị trường.

Chỉ số nhà quản lý mua hàng (PMI) trong lĩnh vực sản xuất sơ bộ của S&P Global đã giảm xuống còn 48,3 trong tháng này, thấp hơn mức 49,8 dự báo của các nhà kinh tế và 49,7 của tháng 11/2024.

Ngoài ra, sản lượng nhà máy của Mỹ cũng giảm xuống mức thấp nhất kể từ tháng 5/2020, do lo ngại về việc thuế nhập khẩu cao hơn sẽ làm tăng chi phí nguyên liệu trong năm tới.

Nhiều cổ phiếu của các công ty có vốn hóa lớn tiếp tục tăng trong phiên này, bao gồm Alphabet (công ty mẹ của Google) tăng 3,6% và Tesla tăng 6,1%, giúp lĩnh vực dịch vụ truyền thông và tiêu dùng không thiết yếu trở thành nhóm tăng mạnh nhất trong số 11 nhóm ngành thuộc S&P 500.

Chứng khoán châu Á mất đà sau dữ liệu kinh tế của Trung Quốc

Thị trường chứng khoán Hong Kong và Thượng Hải đồng loạt giảm điểm - Ảnh minh họa

Thị trường chứng khoán Hong Kong và Thượng Hải đồng loạt giảm điểm - Ảnh minh họa

Trái ngược với sự tích cực của thị trường Mỹ, thị trường chứng khoán Hong Kong và Thượng Hải đồng loạt giảm điểm sau khi các số liệu cho thấy doanh số bán lẻ của Trung Quốc chỉ tăng 3% trong tháng trước, chậm hơn nhiều so với tháng 10 và thấp hơn nhiều so với mức dự báo 5%.

Tại Trung Quốc, chỉ số Hang Seng của Hong Kong giảm 0,9% xuống 19.795,49 điểm, chỉ số Shanghai Composite giảm 0,2% xuống 3.386,33 điểm. Chỉ số Nikkei 225 của Tokyo đi ngang ở mức 39.457,49 điểm.

Những số liệu trên cho thấy thách thức mà các nhà lãnh đạo Trung Quốc đang phải đối mặt khi cố gắng kích cầu tiêu dùng và vực dậy nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.

Các quan chức đã công bố những cam kết mới vào cuối tuần qua nhằm thúc đẩy lĩnh vực bất động sản đang gặp khó khăn và điều chỉnh việc giám sát thị trường chứng khoán.

Điều này diễn ra sau khi các nhà đầu tư không mấy ấn tượng với cam kết của Trung Quốc hồi tuần trước về việc đưa ra các biện pháp nhằm "tích cực nâng cao tiêu dùng" như một phần của nỗ lực kích thích kinh tế.

Tại châu Á, thị trường Sydney, Mumbai, Bangkok, Manila và Jakarta cũng ghi nhận mức giảm, mặc dù Singapore, Wellington và Đài Bắc tăng điểm.

Thị trường Seoul biến động sau vụ luận tội Tổng thống Yoon. Mặc dù cuộc khủng hoảng thiết quân luật đã gây sốc cho thị trường, các nhà quan sát cho rằng tác động kinh tế có thể sẽ hạn chế, một số người còn cho rằng gói kích thích kinh tế có thể được triển khai vào năm mới.

Nam Sơn

Nguồn Kiểm Toán: http://baokiemtoan.vn/chung-khoan-the-gioi-nasdaq-lap-dinh-moi-thi-truong-chau-a-phan-lon-giam-diem-37131.html
Zalo