Chứng khoán tháng 4 – e ngại nơi đâu?
Thị trường chứng khoán Việt Nam đã có màn trình diễn khá tích cực trong tháng 3-2025 khi bứt phá khỏi vùng kháng cự 1.300 điểm đã tồn tại gần ba năm qua. Đây có lẽ là chỉ báo tích cực nhất hỗ trợ cho niềm tin của nhà đầu tư trong thời gian tới, và mốc 1.300 điểm có thể lại trở thành vùng hỗ trợ quan trọng cho VN-Index trong những nhịp điều chỉnh sắp tới nếu có xảy ra.

Tháng 4 chưa bao giờ là chuỗi thời gian êm đềm đối với VN-Index. Ảnh: LÊ VŨ
Nhịp điều chỉnh có kéo dài?
Sau tám tuần đi lên liên tiếp, chỉ số VN-Index đã đứt chuỗi tăng trong tuần vừa qua (tuần từ ngày 17 đến 21-3-2025) khi giảm nhẹ 5 điểm và đóng cửa gần mốc 1.322 điểm. Thật ra, dấu hiệu tiêu cực đã xuất hiện từ tuần trước đó, với những phiên “xanh vỏ đỏ lòng” khi dòng tiền có dấu hiệu chốt lời ngày càng mạnh. Ngoài ra, chỉ báo MACD trên biểu đồ kỹ thuật ngày cũng phát tín hiệu thị trường rớt vào nhịp điều chỉnh từ ngày 18-3, khi VN-Index giảm từ đỉnh cao 1.340 điểm về 1.330 điểm.
Những tin tức xoay quanh việc Công ty Chứng khoán Tiên Phong và ngân hàng mẹ có liên quan đến việc thu xếp phát hành trái phiếu và cấp tín dụng cho các doanh nghiệp thuộc hệ sinh thái Bamboo Capital, cũng đã ảnh hưởng tiêu cực lên tâm lý nhà đầu tư. Cụ thể, trong tuần trước, cổ phiếu ORS của Công ty Chứng khoán Tiên Phong giảm hơn 16,7%, nâng mức giảm lên đến 29% trong vòng bốn tuần qua. Tương tự, cổ phiếu TPB của TPBank cũng giảm gần 8,4% và gần 14% trong cùng khoảng thời gian.
Động thái bán ròng kỷ lục trong tuần vừa qua của các nhà đầu tư nước ngoài cũng gây sức ép lên thị trường. Sau khi mua ròng nhẹ 173 tỉ đồng trong phiên giao dịch đầu tuần (ngày 17-3), khối ngoại đã quay sang bán ròng 487 tỉ đồng ngay phiên kế tiếp và ba phiên cuối tuần bán ròng mạnh mẽ lần lượt là 1.505 tỉ đồng, 1.451 tỉ đồng và 1.013 tỉ đồng trên cả ba sàn. Đáng chú ý, cổ phiếu FPT đã bị bán ròng tới gần 2.000 tỉ đồng, chiếm tỷ trọng 45% giá trị bán ròng toàn thị trường, trong bối cảnh nhóm cổ phiếu công nghệ trên toàn cầu cũng đã lao dốc trong thời gian gần đây.
Trong bối cảnh thị trường vàng thế giới vẫn đang trong xu hướng đi lên trước những rủi ro tiềm ẩn từ sự đối đầu của các quốc gia, cũng như chính sách nới lỏng đang diễn ra của các ngân hàng trung ương và bóng ma lạm phát có thể quay trở lại trước các hàng rào thuế quan đang được dựng lên, tỷ giá đô la Mỹ/tiền đồng trong nước có thể chịu áp lực đi lên trở lại.
Việc Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) quyết định giữ nguyên lãi suất trong cuộc họp kết thúc vào ngày 19-3 vừa qua cũng khiến các nhà đầu tư lo ngại, khi cho rằng lộ trình cắt giảm lãi suất của Fed có thể tiếp tục bị trì hoãn trước lo ngại áp lực lạm phát sẽ quay trở lại do ảnh hưởng của các hàng rào thuế quan cứng rắn mà chính quyền Tổng thống Donald Trump dựng lên. Hiện dự báo cho thấy lạm phát có nguy cơ tăng nhẹ lên 2,7% vào cuối năm nay từ mức hiện tại là 2,5%.
Một khảo sát của Bank of America cho thấy 71% các nhà quản lý quỹ dự kiến lạm phát “không ổn định” trong vòng 12 tháng tới khi nền kinh tế số một thế giới bắt đầu “ngấm” các chính sách mới của chính quyền Tổng thống Donald Trump. Phát biểu tại buổi họp báo sau cuộc họp, chính Chủ tịch Fed Jerome Powell thừa nhận thuế quan có thể là rào cản đối với mục tiêu đưa lạm phát trở lại ngưỡng 2% và không loại trừ các bất ổn kinh tế sẽ xuất hiện trong thời gian tới.
Bên cạnh đó, diễn biến giá vàng trong nước tăng vọt trong những ngày vừa qua cũng có thể đã phần nào ảnh hưởng lên thị trường chứng khoán (TTCK). Hòa theo nhịp tăng mạnh của thị trường vàng thế giới, giá vàng SJC trong nước vào tuần trước đã có lúc vượt mốc 100 triệu đồng/lượng, trước khi giảm trở lại. Ngoài khả năng thu hút dòng tiền từ các kênh đầu tư khác chuyển qua, giá vàng tăng mạnh cũng kéo theo áp lực tỷ giá và lạm phát, những yếu tố luôn gây tác động xấu đến TTCK.
Nỗi e ngại tháng 4?
Nhìn chung, TTCK Việt Nam đã có màn trình diễn khá tích cực trong tháng 3 này, khi bứt phá khỏi vùng kháng cự 1.300 điểm tồn tại gần ba năm qua. Đây có lẽ là chỉ báo tích cực nhất hỗ trợ cho niềm tin của nhà đầu tư trong thời gian tới, và mốc 1.300 điểm có thể lại trở thành vùng hỗ trợ quan trọng cho VN-Index trong những nhịp điều chỉnh sắp tới nếu có xảy ra.
Về cơ bản, tháng 4 chưa bao giờ là chuỗi thời gian êm đềm đối với VN-Index, khi quá khứ từng chứng kiến thị trường thường có những phiên bán tháo trong khoảng thời gian này, đặc biệt là trước kỳ nghỉ lễ dài ngày cuối tháng 4, đầu tháng 5, cũng như hiệu ứng “Sell in May” thường thúc đẩy các nhà đầu tư lựa chọn thoát ra sớm hơn để tránh bị thiệt hại. Như vào tháng 4 năm ngoái, VN-Index đã giảm gần 6,5% chỉ trong nửa đầu tháng 4, hay như trước đó vào tháng 4-2023 cũng giảm gần 3%.
Tháng 4 là giai đoạn cao điểm họp đại hội đồng cổ đông và công bố thông tin của các doanh nghiệp niêm yết. Điểm khác biệt lớn là trong giai đoạn 2022-2023, do ảnh hưởng của nền kinh tế, nhiều doanh nghiệp đã phải công bố kế hoạch kinh doanh suy giảm đáng kể trước thềm đại hội đồng cổ đông, còn năm nay nền kinh tế đã phục hồi tốt hơn nên kế hoạch kinh doanh của các doanh nghiệp ghi nhận sự tích cực trở lại. Điều này được kỳ vọng sẽ là bệ đỡ quan trọng cho thị trường.
Ngoài ra, chính sách tiền tệ tiếp tục tăng cường độ nới lỏng cũng là yếu tố hỗ trợ quan trọng cho các kênh đầu tư như chứng khoán. Làn sóng giảm lãi suất huy động vừa qua của các ngân hàng là một xu hướng tích cực và minh chứng cho quyết tâm nới lỏng chính sách để hỗ trợ tăng trưởng của nhà điều hành. Đáng chú ý, khác với mọi năm, tăng trưởng tín dụng ngay từ đầu năm nay tích cực hơn nhiều. Số liệu từ Ngân hàng Nhà nước cho thấy đến ngày 12-3-2025, tín dụng tăng 1,24% so với đầu năm, trong khi cùng kỳ tháng 2-2024 giảm 0,74%.
Dù vậy, yếu tố tỷ giá vẫn là mối lo ngại. Trong bối cảnh thị trường vàng thế giới vẫn đang trong xu hướng đi lên trước những rủi ro tiềm ẩn từ sự đối đầu của các quốc gia, cũng như chính sách nới lỏng đang diễn ra của các ngân hàng trung ương và bóng ma lạm phát có thể quay trở lại trước các hàng rào thuế quan đang được dựng lên, tỷ giá đô la Mỹ/tiền đồng trong nước có thể chịu áp lực đi lên trở lại.
Đặc biệt, dự kiến ngày 2-4 tới, Tổng thống Mỹ Donald Trump thông báo kế hoạch thuế quan đối ứng, được xem như một hình thức trừng phạt đối với các rào cản thương mại từ các quốc gia khác, bao gồm cả các đồng minh lâu năm của Mỹ. Đây sẽ là thông tin quan trọng được theo dõi sát sao nhất, khi trước đó ông Trump cũng đã nhiều lần tuyên bố sẽ áp dụng thuế quan đối với các ngành công nghiệp quan trọng như ô tô, dược phẩm và bán dẫn vào cùng ngày này.
Một số thông tin cho biết có khả năng Mỹ sẽ chưa đánh thuế vào ngày 2-4 tới, nhưng khó nói trước được điều gì vì những chính sách của ông Trump luôn đầy khó lường.