Cần đầu tư hạ tầng đồng bộ để phát triển cảng biển TP.HCM
Mặc dù sở hữu gần 100 cầu cảng với tổng chiều dài gần 15.000 mét, 67 bến phao đã được công bố hoạt động, đứng nhóm đầu cả nước về hạ tầng cảng, công suất hoạt động và sản lượng thông qua, TP.HCM vẫn còn nhiều tồn tại trong phát triển của hệ thống cảng biển...

Mặc dù đứng nhóm đầu cả nước về hạ tầng cảng, công suất hoạt động và sản lượng thông qua, cảng biển TP.HCM vẫn còn nhiều tồn tại trong phát triển hệ thống cảng biển
Dự thảo Quy hoạch chi tiết phát triển vùng đất, vùng nước cảng biển TP.HCM thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến 2050 vừa được Cục Hàng hải và Đường thủy Việt Nam trình Bộ Xây dựng, đã nêu lên một số tồn tại của cảng biển TP.HCM.
Theo đó, cảng biển TP.HCM thuộc nhóm cảng biển số 4, là một trong ba cảng biển lớn nhất cả nước, cùng với hai cảng đặc biệt là Hải Phòng và Bà Rịa - Vũng Tàu.
Thống kê của Cục Hàng hải và Đường thủy cho biết, trong năm 2024, sản lượng hàng hóa thông qua cảng biển TP.HCM đạt 189 triệu tấn, tốc độ tăng trưởng hàng hóa bình quân giai đoạn 2020 - 2024 đạt 3,8%. Hai tháng đầu năm 2025, tăng trưởng cảng biển TP.HCM đạt 13,5% so cùng kỳ.
Cảng biển TP.HCM hiện có 99 cầu cảng cứng với tổng chiều dài 14.918 m, 67 bến phao đã được công bố. Cảng biển khu vực đã tiếp nhận tàu lớn có tải trọng 150.000 tấn tại bến phao trên sông Gò Gia; tàu hàng tổng hợp, rời có tải trọng đến 60.000 tấn giảm tải; tàu container có tải trọng đến 45.000 tấn giảm tải tại cầu bến…
Tuy nhiên, theo nhận định của cơ quan này, tiến độ phát triển hạ tầng các khu công nghiệp sau cảng còn chậm đã dẫn đến chậm hình thành các bến cảng phục vụ trực tiếp cho các khu công nghiệp; năng lực của một số nhà đầu tư còn hạn chế, trong khi để hình thành và bảo đảm việc vận hành khu bến cảng mới, đòi hỏi hạ tầng cần phải đồng bộ.
Dự thảo Quy hoạch chi tiết phát triển vùng đất, vùng nước cảng biển TP.HCM thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến 2050 được Cục Hàng hải và Đường thủy Việt Nam trình Bộ Xây dựng, nêu rõ mục tiêu đến năm 2030, cảng biển TP.HCM sẽ có khoảng 41 - 44 bến cảng với 89 - 94 cầu cảng, tổng chiều dài từ 16.588 - 18.588 m chưa bao gồm các bến cảng khác.
Nhu cầu vốn đầu tư hệ thống cảng biển TP.HCM cho giai đoạn này được xác định khoảng 77.600 tỷ đồng. Sản lượng hàng hóa qua cảng biển dự kiến đạt 228 - 253 triệu tấn; trong đó, hàng container từ 11,4 - 12,8 triệu TEUs, chưa bao gồm hàng container trung chuyển quốc tế. Số lượng hành khách từ 170.600 đến 184.400 lượt khách. Tầm nhìn đến năm 2050 sẽ tiếp tục phát triển các bến cảng mới đáp ứng nhu cầu thông qua hàng hóa với tốc độ tăng trưởng bình quân khoảng từ 3,5 - 3,8%/năm; tiếp tục đầu tư khu bến cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ và hình thành cụm cảng trung chuyển quốc tế quy mô lớn tầm cỡ khu vực Châu Á và quốc tế tại cửa sông Cái Mép; hoàn thành công tác di dời các bến cảng trên sông Sài Gòn.
Trước đó, tại Quyết định số 442/QĐ-TTg ngày 22/5/2024 phê duyệt điều chỉnh Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, có một điều chỉnh quan trọng là cảng biển TP.HCM được quy hoạch tiềm năng thành cảng biển đặc biệt. Cảng biển TP.HCM thuộc nhóm cảng biển số 4. Theo quy hoạch điều chỉnh, đến năm 2030, hàng hóa thông qua nhóm cảng biển số 4 đạt từ 500 - 564 triệu tấn; sản lượng hành khách thông qua đạt từ 2,8 - 3,1 triệu lượt.
Giai đoạn này sẽ hoàn thành đầu tư các bến cảng ở Cái Mép Hạ (Bà Rịa - Vũng Tàu), tiếp tục đầu tư khu bến cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ (TP.HCM) để hình thành cụm cảng trung chuyển quốc tế quy mô lớn có tầm cỡ khu vực Châu Á và quốc tế tại cửa sông Cái Mép (gồm khu bến Cái Mép và Cần Giờ). Đồng thời, hoàn thành công tác di dời các bến cảng trên sông Sài Gòn, cũng như tiếp tục nghiên cứu di dời các khu bến khác phù hợp với phát triển không gian đô thị TP.HCM.

Cần có cơ chế, chính sách mới và mở để doanh nghiệp phát triển, trong đó có chính sách về hải quan, giải phóng hàng tồn. Ảnh mang tính minh họa
Tại hội nghị thường niên về vận tải logistics toàn cầu lần thứ 22, do Hiệp hội Vận chuyển Hàng dự án Quốc tế (WWPC) tổ chức lần đầu tiên tại Việt Nam, diễn ra tại TP.HCM vào trung tuần tháng 11/2024, các chuyên gia đã đưa ra nhận định rằng Việt Nam đang phát triển và có kế hoạch xây dựng nhiều cảng biển mang tầm quốc tế; hạ tầng giao thông được đầu tư, đáp ứng nhu cầu vận chuyển những kiện hàng lớn phục vụ cho ngành công nghiệp; rằng Việt Nam và TP.HCM có lợi thế nằm ở khu vực trung chuyển hàng hóa từ các nơi trên thế giới, phù hợp với vận tải hàng siêu trường siêu trọng lên đến hàng ngàn tấn.
Tuy nhiên, các đại biểu cũng đồng thời thừa nhận nhiều tồn tại như cơ sở hạ tầng đường sá còn hạn chế, cảng biển chưa phát triển đúng với tiềm năng. Tại hội nghị này, ông Huỳnh Vi Phúc, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Vận tải và Dịch vụ Á Mỹ cho biết các doanh nghiệp, chuyên gia kỳ vọng trong thời gian tới, TP.HCM sẽ đầu tư hạ tầng, thúc đẩy nhanh kế hoạch xây dựng những siêu cảng trung chuyển như cảng Cần Giờ, nhằm thu hút nguồn hàng từ nhiều quốc gia.
Một trong những quan tâm, ưu tư của nhà đầu tư là có cơ chế, chính sách mở để doanh nghiệp phát triển, trong đó có các chính sách liên quan đến hải quan, việc giải phóng hàng container tồn đọng tại cảng, đặc biệt là có cơ chế liên thông giữa các cảng, các địa phương (như TP.HCM, Bà Rịa - Vũng Tàu…) với nhau để giải quyết hàng tồn đọng.
Hàng hóa tồn đọng đã và đang là vấn đề gây ách tắc tại cảng, làm gia tăng chi phí cho các cảng và ảnh hưởng đến hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa của doanh nghiệp. Đơn cử, vào cùng kỳ này năm ngoái, lượng hàng hóa tồn tại cảng biển vẫn còn gần 5.000 container cùng hàng trăm tấn hàng tại các kho hàng sân bay. Một doanh nghiệp cảng ở Cát Lái cho biết container phế liệu tại các cảng biển đã chiếm dụng diện tích rất lớn, gây ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động sản xuất, kinh doanh, khai thác của các cảng biển. Đồng thời, doanh nghiệp này mất hàng tỷ đồng về chi phí lưu kho, chi phí phát khi vận chuyển các container này từ cảng Cát Lái đi cảng khác lưu giữ, tạo dư địa để tiếp nhận thêm hàng hóa xuất, nhập khẩu…