Chứng khoán sẽ bùng nổ sau lễ 30-4?
Theo giới phân tích, khả năng nâng hạng thị trường là rất cao, đặc biệt là sau khi HoSE áp dụng KRX vào ngày 5-5. Đây là cơ sở để NĐT kỳ vọng về sự bùng nổ của thị trường chứng khoán sau kỳ nghỉ 30-4.
Yếu tố hút dòng tiền
KRX là một giải pháp cần phải khẩn trương triển khai để đáp ứng những quy chuẩn của FTSE Russell. Khi áp dụng KRX, vấn đề được giới phân tích kỳ vọng nhất là khả năng xử lý lệnh trong phiên tăng cao hơn nhiều so với hệ thống cũ. Năng lực xử lý cao hơn sẽ cho phép thanh khoản thị trường tốt hơn. Ngoài ra, KRX sẽ giúp cơ quan quản lý đưa ra nhiều sản phẩm tài chính hơn cho thị trường, trong đó có thể bao gồm bán khống.
Tuy nhiên, theo ông Trần Hoàng Sơn, Giám đốc Chiến lược thị trường của VPBankS, đối với Việt Nam, sản phẩm bán khống có thể chưa được triển khai trong ngắn hạn để đảm bảo hệ thống vận hành một cách trơn tru, an toàn. Có thể trong 6 tháng tới, UBCKNN, Bộ Tài chính sẽ cho sử dụng KRX ở trạng thái bình thường. Khi đã vận hành “mượt mà” thì các sản phẩm tài chính mới sẽ được triển khai.
“Tôi kỳ vọng hơn vào khối lượng giao dịch khi áp dụng hệ thống KRX. Khi có hệ thống mới, các công ty chứng khoán có thể áp dụng nhiều thuật toán, tạo ra luồng giao dịch mạnh mẽ hơn so với giai đoạn cũ, giúp thanh khoản thị trường cải thiện hơn rất nhiều” - ông Sơn nhận định.
Ở thời điểm hiện tại, nhiều NĐT vẫn chưa thể chắc chắn về hiệu quả thật sự từ KRX. Tuy nhiên, có thể chắc chắn là KRX kéo dòng tiền quay lại với TTCK. Có thể lấy giai đoạn 2013-2014 làm minh chứng. Ở thời điểm đó, khi UBCKNN quyết định kéo dài thời gian giao dịch, nhiều NĐT đã lo lắng vì không biết thị trường sẽ ra sao.
Tuy nhiên, khi triển khai thực tế thì thanh khoản tăng rất rõ rệt. Ở lần này, khi hệ thống giao dịch mới được đưa vào hoạt động, thanh khoản thị trường tăng cao, rất có lợi cho nhóm cổ phiếu tài chính, ngân hàng, đặc biệt là các công ty chứng khoán có hệ thống giao dịch bán lẻ lớn.
Câu chuyện nâng hạng nóng dần
Trong thời gian vừa qua, Chính phủ đã nỗ lực hoàn thiện khung pháp lý, nâng cao tính minh bạch thể hiện bằng việc ban hành Thông tư 68 và Luật Chứng khoán sửa đổi, từ đó hướng tới mục tiêu nâng hạng thị trường vào trong năm 2025. Thông tư 68 có hiệu lực từ 1-1-2024, được ban hành nhằm cải thiện các quy định về giao dịch chứng khoán với mục tiêu tăng tính minh bạch và giảm rủi ro thanh toán trên thị trường.
Bên cạnh đó, quy định bắt buộc công bố thông tin bằng cả tiếng Anh và tiếng Việt nhằm hỗ trợ cho NĐT quốc tế. Trong khi đó, Luật Chứng khoán sửa đổi bổ sung quy định về việc hoạt động cơ chế bù trừ trung tâm (CCP), giúp tăng tính an toàn và hiệu quả trong thanh toán các giao dịch chứng khoán và phái sinh. Ngoài ra, luật bổ sung quy định chặt chẽ hơn cho chào bán cổ phiếu và trái phiếu ra công chúng, bao gồm yêu cầu về xếp hạng tín nhiệm, giới hạn phát hành dựa trên vốn chủ sở hữu, và tiêu chí về hệ số nợ.
Trở lại với hệ thống KRX. Hệ thống giao dịch mới đã được chuẩn bị trong nhiều năm, tuy nhiên vẫn liên tục bị trì hoãn do chưa hoàn thiện. Gần đây nhất, UBCKNN đã giao nhiệm vụ cho các sở giao dịch chứng khoán và VSDC nhanh chóng triển khai hệ thống KRX với thời gian thực hiện ngay trong tháng 4, để triển khai từ đầu tháng 5. Việc triển khai hệ thống KRX có thể tạo tiền đề cho việc triển khai các sản phẩm mới và thu hút sự quan tâm của các bên tham gia thị trường.
Triển vọng nâng hạng lên thị trường mới nổi FTSE dự kiến vào tháng 9 là một sự kiện trọng yếu giúp thu hút dòng tiền của khối ngoại khoảng 300-400 triệu USD dòng vốn ETF và các dòng vốn chủ động khác. Dòng vốn này tập trung vào nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn, cộng với nền tảng kinh tế vĩ mô tích cực từ đó sẽ giúp VN Index bứt phá tăng điểm.
Bên cạnh đó, dự thảo sửa đổi Nghị định 155 nhằm đơn giản hóa thủ tục mở tài khoản giao dịch cho NĐT ngoại và rút ngắn thời gian giữa IPO và niêm yết cũng là những chuyển biến tích cực trong quá trình nâng hạng.
NĐT nên tận dụng sóng
Ông Trần Hoàng Sơn kỳ vọng mức tăng trưởng lợi nhuận của doanh nghiệp Việt Nam sẽ ít nhất là 15-20%. Vì vậy, chỉ số VN Index được kỳ vọng chạm ngưỡng 1.400 điểm nhờ những câu chuyện như tái cấu trúc nền kinh tế, chuyển hướng thương mại để phù hợp hơn với bối cảnh hiện tại, đẩy mạnh đầu tư công và tăng trưởng chi tiêu tiêu dùng trong nước.
Do đó, khi định giá P/E về mức 9,3 lần, P/B về 1,1-1,2 lần thì thị trường đã quá hấp dẫn, kích hoạt lớp NĐT mua trong trung, dài hạn tham gia mạnh mẽ.
Ngoài ra, thị trường cũng không còn bị ảnh hưởng quá nhiều bởi những yếu tố bên ngoài. Thực tế, những “cú sập” vừa qua đều có lý do như Covid-19 hay chính sách thuế của Tổng thống Mỹ Donald Trump. Tuy nhiên, sau những “cú sập”, VN Index thường đảo chiều tăng rất mạnh, trái ngược với những lo ngại của NĐT.
Trong bối cảnh hiện tại, lo lắng là chuyện bình thường, nhưng NĐT cần phân tích kỹ, có cơ sở, dẫn chứng rõ ràng để đưa ra quyết định đầu tư hợp lý, dựa trên dữ liệu, dựa trên lý trí, chứ không nên dựa trên lo lắng, bởi cảm xúc có thể đánh lừa NĐT.
Với một nền kinh tế như Việt Nam, vững mạnh và liên tục thay đổi để đáp ứng với điều kiện thế giới, có thể kỳ vọng doanh nghiệp sẽ thích ứng tốt trong năm 2025. Tuy vậy, nếu VN Index phục hồi và tiến sát những ngưỡng kháng cự như 1.320 điểm thì NĐT nên thận trọng hơn, bởi những nhiễu động trong ngắn hạn về thuế quan vẫn còn.
Theo quan điểm của các chuyên gia, VN Index có khoảng 2 sóng lớn/năm. Nếu mỗi năm thị trường chỉ có 2 sóng lớn thì con sóng đầu tiên này có thể xuất hiện sau kỳ nghỉ 3-4. Do vậy, NĐT cần tận dụng thời điểm này để tăng cường đầu tư.
Triển vọng nâng hạng lên thị trường mới nổi FTSE dự kiến vào tháng 9 là một sự kiện trọng yếu giúp thu hút dòng tiền của khối ngoại khoảng 300-400 triệu USD dòng vốn ETF và các dòng vốn chủ động khác. Dòng vốn này tập trung vào nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn, cộng với nền tảng kinh tế vĩ mô tích cực từ đó sẽ giúp VN Index bứt phá tăng điểm.