Chứng khoán Mỹ tăng mạnh sau tuyên bố hoãn thuế của ông Trump
Phố Wall đã có đà bứt phá trong phiên khi khẩu vị rủi ro của nhà đầu tư được cải thiện, nhờ động thái hoãn áp thuế mới nhất của Tổng thống Mỹ Donald Trump và mức gia tăng bất ngờ trong chỉ số niềm tin tiêu dùng…

Kết thúc phiên 27/5, chỉ số Dow Jones tăng 740,58 điểm (+1,78%) đạt 42.343,65 điểm, S&P 500 thêm 118,72 điểm (+2,05%) thành 5.921,54 điểm và Nasdaq Composite leo 461,96 điểm (+2,47%) lên 19.199,16 điểm.
Toàn bộ 11 lĩnh vực chính trong chỉ số S&P 500 đều ngập tràn sắc xanh, với tiêu dùng tùy ý và công nghệ dẫn đầu đà tăng.
Trong khi đó, các thành viên của “Magnificent Seven”, nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn, là động lực cho chỉ số Nasdaq thiên về công nghệ. Ngoài ra, cổ phiếu hàng không cũng có màn thể hiện ấn tượng.
Ngành bán dẫn duy trì được đà tăng ngay trước khi công ty sản xuất chip hàng đầu thế giới Nvidia công bố kết quả kinh doanh quý. Tính theo năm, Nvidia, được xem là "ngôi sao" trong làn sóng AI, dự kiến sẽ công bố mức tăng 43,5% lợi nhuận trên mỗi cổ phiếu, nhờ doanh thu tăng vọt 66,2%.
Tuy nhiên, cổ phiếu PDD Holdings, công ty mẹ của nền tảng thương mại điện tử Temu, lại giảm tới 13,6% sau khi báo cáo lợi nhuận quý 1/2025 lao dốc 47% và doanh thu không đạt kỳ vọng. Một số cổ phiếu gây thất vọng khác bao gồm Fair Isaac Corp giảm 11,3%, VeriSign Inc mất 3,6%, và Autozone Inc giảm 3,4%.
Khối lượng giao dịch trên các sàn chứng khoán Mỹ đạt 16,98 tỷ cổ phiếu, thấp hơn mức trung bình 17,72 tỷ của 20 phiên vừa qua.
Chỉ số S&P 500 hiện chỉ còn cách mức đỉnh lịch sử thiết lập ngày 19/2 khoảng 3,6%, sau khi từng giảm tới 18,9% do hàng loạt tuyên bố thuế quan thất thường của Tổng thống Mỹ Donald Trump.
Ở các diễn biến mới nhất, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã tạm hoãn kế hoạch áp thuế 50% lên Liên minh châu Âu cho đến ngày 9/7 nhằm tạo thời gian cho các cuộc đàm phán giữa Nhà Trắng và khối 27 nước. Động thái này đã thúc đẩy Brussels bắt đầu chuẩn bị cho vòng thương lượng thương mại mới.
“Giờ đây, nhà đầu tư đã phần nào hiểu rõ cách ông Trump hành động. Ông ấy giống như một tay chơi poker trên bàn, đôi khi đặt cược lớn nhưng lại chủ động rút lui khi bị đối phương gây áp lực”, ông Paul Nolte, cố vấn tài chính cấp cao và chiến lược gia thị trường tại Murphy and Sylvest, nhận xét.
Về mặt kinh tế, mức tăng 14,4% trong chỉ số niềm tin tiêu dùng tháng 5 đã tiếp thêm lực đẩy cho Phố Wall, khiến giới đầu tư phớt lờ đi sự sụt giảm lớn hơn dự kiến trong các đơn hàng mới đối với hàng hóa vốn lõi (core capital goods), một thước đo quan trọng phản ánh kế hoạch chi tiêu của các doanh nghiệp Mỹ.
Chủ tịch Fed chi nhánh Richmond Thomas Barkin, trong một cuộc trò chuyện với Bloomberg, đã nói rằng các dữ liệu hiện tại chưa cho thấy áp lực lạm phát hay tỷ lệ thất nghiệp gia tăng, từ đó củng cố quan điểm của nhiều quan chức Fed về việc lãi suất chủ chốt sẽ được giữ nguyên cho đến khi các tác động từ chính sách thuế quan trở nên rõ ràng hơn. Biên bản cuộc họp chính sách tiền tệ gần đây nhất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed( dự kiến sẽ được công bố vào thứ Tư.
GIÁ DẦU GIẢM
Trên thị trường năng lượng, giá dầu mất hơn 1% khi các nhà đầu tư lo ngại về khả năng dư cung, đặc biệt là trong bối cảnh Mỹ và Iran đã đạt được một số tiến triển trong đàm phán. Bên cạnh đó, dự kiến OPEC+ sẽ quyết định tăng sản lượng tại cuộc họp tuần này.
Hợp đồng tương lai dầu Brent giảm 65 cent, tương đương 1%, chốt phiên ở mức 64,09 USD/thùng. Dầu thô WTI của Mỹ giảm 64 cent, tương đương 1,04%, xuống còn 60,89 USD/thùng.
Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) và các đồng minh, gọi chung là OPEC+, được cho là sẽ không thay đổi chính sách trong cuộc họp 28/5. Tuy nhiên, ba nguồn tin từ tổ chức hé lộ, cuộc họp 31/5 tới nhiều khả năng sẽ thông qua quyết định đẩy nhanh tốc độ tăng sản lượng dầu bắt đầu từ tháng 7.
Trong khi đó, các phái đoàn Mỹ và Iran đã hoàn tất vòng đàm phán thứ năm tại Rome (Italy) vào cuối tuần trước. Dù có những tín hiệu tích cực, song vẫn còn nhiều điểm bất đồng lớn chưa thể vượt qua, đặc biệt là vấn đề làm giàu uranium của Iran.
“Nếu OPEC+ đồng thuận gia tăng sản lượng, đây sẽ là lực cản lớn trong ngắn hạn đối với giá dầu, nhất là khi Iran có thể bổ sung thêm nguồn cung nếu đạt thỏa thuận với Mỹ”, ông Dennis Kissler, Phó Chủ tịch cấp cao phụ trách giao dịch tại BOK Financial lưu ý.
Ngược lại, trong trường hợp đàm phán hạt nhân giữa Mỹ và Iran thất bại, các biện pháp trừng phạt lên Iran có thể tiếp tục, từ đó hạn chế nguồn cung dầu từ nước này.