Chứng khoán Mỹ tăng điểm, giá dầu chạm mức thấp nhất trong 2 tuần
Chứng khoán Mỹ khép phiên trong sắc xanh khi nhà đầu tư đánh giá loạt báo cáo lợi nhuận doanh nghiệp, dữ liệu kinh tế mới và những thay đổi trong chính sách thương mại…

Kết thúc phiên 29/4, chỉ số Dow Jones tăng 300,03 điểm (+0,75%) đạt 40.527,62 điểm, S&P 500 thêm 32,08 điểm (+0,58%) thành 5.560,83 điểm và Nasdaq Composite leo 95,19 điểm (+0,55%) lên 17.461,32 điểm.
Dow Jones có được thành tích tốt nhất trong 3 chỉ số chính nhờ cổ phiếu Honeywell và Sherwin-Williams, với các mức tăng lần lượt là 5,4% và 4,8% nhờ báo cáo lợi nhuận quý tăng trưởng tốt. Coca-Cola, một thành viên khác của Dow Jones, cũng thêm 0,8% sau khi doanh thu và lợi nhuận đều vượt dự báo.
Ngược lại, United Parcel Service (UPS) giảm 0,4% vì kết quả kinh doanh ảm đảm và thông báo về việc buộc phải cắt giảm 20.000 việc làm do dừng giao hàng cho Amazon.
Mới đây, Bộ trưởng Thương mại Mỹ Howard Lutnick cho biết Tổng thống Donald Trump đã ký một sắc lệnh cho phép các hãng xe lắp ráp tại Mỹ được miễn một phần thuế 25% mà ông mới áp dụng nhằm giúp họ có thời gian đưa chuỗi cung ứng linh kiện trở lại trong nước.
Phản ứng của ngành ô tô là khá mờ nhạt trước thông tin này. Cổ phiếu General Motors (GM) mất 0,6% dù công ty đã công bố kết quả kinh doanh quý mạnh mẽ nhưng rút lại dự báo cả năm.
Mỹ và Trung Quốc, hai nền kinh tế lớn nhất thế giới hiện là trung tâm của một cuộc chiến thương mại căng thẳng, kể từ khi chính quyền Trump công bố áp thuế đối ứng với các đối tác thương mại vào ngày 2/4.
Bộ trưởng Tài chính Mỹ Scott Bessent dự báo Trung Quốc có thể mất tới 10 triệu việc làm trong thời gian ngắn do các mức thuế quan, nhưng ông cũng cho biết Mỹ đang đạt được tiến triển trong các thỏa thuận thương mại với những quốc gia khác như Nhật Bản và Ấn Độ.
Dữ liệu kinh tế cũng bắt đầu cho thấy một số tác động từ chính sách thương mại. Thâm hụt thương mại hàng hóa của Mỹ trong tháng 3 đã tăng lên mức kỷ lục khi doanh nghiệp gấp rút nhập hàng trước khi các mức thuế có hiệu lực. Trong khi đó, một báo cáo khác từ Conference Board cho thấy chỉ số niềm tin người tiêu dùng Mỹ đã giảm xuống mức thấp nhất kể từ tháng 5/2020.
Trong tuần này sẽ có thêm một số dữ liệu mới, đáng chú ý nhất là báo cáo việc làm vào thứ Sáu. Ngoài ra, hàng loạt công ty công nghệ lớn trong nhóm "Magnificent Seven" như Apple và Microsoft cũng sẽ công bố báo cáo lợi nhuận quý.
“Có khả năng các dữ liệu kinh tế sắp tới sẽ rất lẫn lộn và phải mất ít nhất một đến hai tháng để thấy rõ nhất ảnh hưởng của thuế quan. Những công ty có thể chịu thiệt thòi nhất đang hành động đúng như dự đoán, hoặc là hạ dự báo hoặc là tạm dừng chưa đưa ra dự báo”, ông Anthony Saglimbene, chiến lược gia trưởng tại Ameriprise Financial cho biết.
Ngân hàng HSBC vừa cắt giảm kỳ vọng cuối năm cho chỉ số S&P 500, hạ từ 6.700 điểm xuống còn 5.600 điểm.
Khối lượng giao dịch trên các sàn chứng khoán Mỹ đạt 20,02 tỷ cổ phiếu, cao hơn mức trung bình 19,46 tỷ của 20 phiên gần đây.
GIÁ DẦU GIẢM 2%
Trên thị trường năng lượng, hợp đồng tương lai dầu Brent giảm 1,61 USD, tương đương 2,4%, xuống còn 64,25 USD/thùng. Giá dầu WTI của Mỹ giảm 1,63 USD, tương đương 2,6%, xuống còn 60,42 USD/thùng.
Cả hai đều ghi nhận mức đóng cửa thấp nhất kể từ ngày 10/4.
Theo phần lớn các nhà kinh tế được khảo sát bởi Reuters, chính sách thuế quan của ông Trump có thể khiến nền kinh tế toàn cầu rơi vào suy thoái trong năm nay. Trung Quốc, quốc gia chịu mức thuế cao nhất, đã đáp trả bằng các mức thuế tương đương với hàng hóa Mỹ, từ đó gia tăng căng thẳng giữa hai nước tiêu thụ dầu lớn nhất thế giới.
Các chuyên gia đã cắt giảm mạnh dự báo về nhu cầu và giá dầu.
Trong khi đó, một số thành viên của Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ và các đồng minh (OPEC+) sẽ đề xuất tăng tốc nâng sản lượng dầu trong tháng Sáu tới, theo các nguồn tin mà Reuters thu thập được vào tuần trước.
“Việc OPEC+ tiếp tục tăng sản lượng ở thời điểm hiện tại là cực kỳ bất lợi, khi tâm lý thị trường đang yếu và Kazakhstan cũng không tỏ ra mặn mà với việc cắt giảm sản lượng”, nhà phân tích Ole Hansen của Ngân hàng Saxo nhận xét. Dữ liệu chính thức và các nguồn tin cho thấy Kazakhstan, một thành viên của OPEC+, đã tăng xuất khẩu dầu lên 7% trong quý 1 so với cùng kỳ năm ngoái, nhờ lượng cung bổ sung qua đường ống Caspi.