Chứng khoán Mỹ dứt chuỗi tăng 6 phiên liên tiếp, lợi suất trái phiếu Mỹ 'nóng' dần

Chứng khoán Mỹ giảm điểm, chấm dứt chuỗi tăng 6 phiên liên tiếp của S&P 500, trong bối cảnh lợi suất trái phiếu kho bạc tăng cao và các nhà đầu tư lo ngại về tình hình nợ công của nền kinh tế lớn nhất thế giới…

Kết thúc phiên 20/5, chỉ số Dow Jones giảm 114,83 điểm (-0,27%) xuống 42.677,24 điểm, S&P 500 mất 23,14 điểm (-0,39%) còn 5.940,46 điểm và Nasdaq Composite lùi 72,75 điểm (-0,38%) về mức 19.142,71 điểm.

Dow Jones đã chấm dứt chuỗi 3 phiên tăng liên tiếp, trong khi Nasdaq cũng đảo chiều sau 2 phiên đi lên. Trong số 11 nhóm ngành thuộc chỉ số S&P 500, có tới tám lĩnh vực chìm trong sắc đỏ, bao gồm cả năng lượng, dịch vụ truyền thông và tiêu dùng tùy ý. Ngược lại, tiện ích, y tế và hàng tiêu dùng thiết yếu ghi nhận mức tăng nhẹ.

Cổ phiếu Tesla nhích nhẹ 0,5% sau khi CEO Elon Musk khẳng định tại một diễn đàn kinh tế ở Qatar rằng ông vẫn sẽ giữ vị trí lãnh đạo công ty trong ít nhất 5 năm tới.

Một số cổ phiếu công nghệ lớn khác lại ghi nhận đà giảm, trong đó gồm có Nvidia. Nhà sản xuất chip hàng đầu thế giới sẽ công bố kết quả kinh doanh quý vào ngày 28/5 tới.

Cổ phiếu Home Depot đảo chiều sau đà tăng đầu phiên, mất 0,6%, dù doanh thu quý 1/2025 vượt kỳ vọng Phố Wall.

Khối lượng giao dịch trên các sàn chứng khoán Mỹ đạt 16,14 tỷ cổ phiếu, thấp hơn mức trung bình 17,38 tỷ cổ phiếu mỗi phiên trong 20 phiên vừa qua.

Một trong những diễn biến được chú ý nhất trong ngày là việc lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ kỳ hạn 10 năm tăng nhẹ 0,4 điểm cơ bản lên mức 4,481%.

“Phố Wall đang trong giai đoạn tạm nghỉ sau những đợt tăng mạnh trước đó và đây là thời điểm để điều chỉnh. Tuy nhiên, nếu nhìn sang thị trường trái phiếu, rõ ràng có một lực cầu lớn quay trở lại vào hôm qua, thúc đẩy lợi suất tăng cao trở lại”, ông Garrett Melson, chiến lược gia danh mục đầu tư tại Natixis Investment Managers nhận định.

Mới đây nhất, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã có chuyến thăm đến Đồi Capitol nhằm thuyết phục các nghị sĩ Đảng Cộng hòa thông qua dự luật cắt giảm thuế quy mô lớn. Theo giới phân tích, gói cải cách thuế này có thể khiến tổng nợ công của chính phủ liên bang, hiện ở mức 36.200 tỷ USD, tăng thêm từ 3.000 đến 5.000 tỷ USD.

Ba tổ chức xếp hạng tín nhiệm lớn, Moody’s, Fitch và S&P Global Ratings, đều đã hạ điểm tín nhiệm quốc gia của Mỹ, viện dẫn cấu trúc nợ ngày càng phình to của chính phủ liên bang.

Giới đầu tư hiện cũng đang theo sát các phát biểu của một số quan chức Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed), trong đó có Chủ tịch Fed chi nhánh St. Louis Alberto Musalem, để tìm thêm manh mối về định hướng chính sách tiền tệ trong thời gian tới. Theo dữ liệu từ LSEG, các nhà giao dịch đặt cược khả năng Fed sẽ cắt giảm lãi suất ít nhất hai lần trước cuối năm 2025, với lần đầu tiên có thể diễn ra vào tháng 9.

GIÁ DẦU ĐI NGANG

Trên thị trường năng lượng, giá dầu gần như không thay đổi trong phiên do thị trường bị chi phối bởi tâm lý lo ngại về các cuộc thỏa thuận Mỹ - Iran cũng như tiến trình đàm phán giữa Nga - Ukraine.

Hợp đồng tương lai dầu Brent giảm 16 cent, tương đương 0,2%, xuống 65,38 USD/thùng. Dầu thô WTI của Mỹ cũng mất 13 cent, tương đương 0,2%, còn 62,56 USD/thùng.

Lãnh tụ tối cao Iran Ayatollah Ali Khamenei đã đưa ra tuyên bố rằng các yêu cầu của Mỹ, trong đó có việc buộc Tehran ngừng làm giàu uranium, là quá mức và vô lý, đồng thời bày tỏ nghi ngờ về khả năng đạt được thỏa thuận hạt nhân mới.

Theo chuyên gia phân tích Alex Hodes tại StoneX, nếu được dỡ bỏ lệnh trừng phạt, Iran có thể tăng sản lượng xuất khẩu dầu thêm 300.000 đến 400.000 thùng/ngày. Dữ liệu của chính phủ Mỹ cho thấy Iran hiện là nhà sản xuất dầu thô lớn thứ ba trong khối OPEC, chỉ sau Arab Saudi và Iraq.

Trong khi đó, Liên minh châu Âu và Anh Quốc vừa áp đặt thêm các lệnh trừng phạt mới đối với Nga mà không chờ sự tham gia của Mỹ. Động thái này diễn ra chỉ một ngày sau cuộc điện đàm giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và Tổng thống Nga Vladimir Putin, nhưng không đạt được cam kết ngừng bắn tại Ukraine.

“Khả năng đạt được thỏa thuận hòa bình giữa Nga và Ukraine vẫn rất mong manh. Dù nếu đạt được, điều đó có thể mở đường cho việc Nga tăng nguồn cung dầu ra thị trường, nhưng hiện vẫn còn nhiều yếu tố bất định vì Nga vẫn đang bị ràng buộc bởi cam kết với nhóm OPEC+,” ông Bjarne Schieldrop, chuyên gia phân tích hàng hóa tại ngân hàng SEB (Bắc Âu) bình luận.

Chính phủ Ukraine đang kêu gọi Nhóm G7 hạ trần giá dầu Nga vận chuyển bằng đường biển xuống mức 30 USD/thùng, thấp hơn nhiều so với mức 60 USD hiện tại mà G7 đang áp dụng.

Kim Nguyễn

Nguồn Thương Gia: https://thuonggiaonline.vn/chung-khoan-my-dut-chuoi-tang-6-phien-lien-tiep-loi-suat-trai-phieu-my-nong-dan-post560222.html
Zalo