Chứng khoán Mỹ đổ dốc theo biến động thuế quan
Chỉ số S&P 500 và Dow Jones kết thúc phiên giao dịch đầu tuần (7/4) trong sắc đỏ sau một phiên đầy biến động. Nhà đầu tư lo ngại về nguy cơ kinh tế Mỹ giảm tốc và áp lực lạm phát gia tăng.

Giao dịch viên làm việc tại sàn chứng khoán New York, Mỹ. Ảnh: THX/TTXVN
Chỉ số S&P 500 và Dow Jones kết thúc phiên giao dịch đầu tuần (7/4) trong sắc đỏ sau một phiên đầy biến động. Nhà đầu tư lo ngại về nguy cơ kinh tế Mỹ giảm tốc và áp lực lạm phát gia tăng, giữa lúc Tổng thống Mỹ Donald Trump tiếp tục cứng rắn trong vấn đề thuế quan, đồng thời cảnh báo có thể áp thêm thuế đối với Trung Quốc.
Chứng khoán Mỹ đã liên tục chịu áp lực kể từ khi ông Trump công bố loạt thuế mới vào cuối ngày 2/4 vừa qua, áp dụng với tất cả hàng nhập khẩu vào Mỹ và tăng mạnh với một số đối tác thương mại lớn.
Khối lượng giao dịch cổ phiếu trên Phố Wall tiếp tục lập kỷ lục trong ngày 7/4, đánh dấu phiên thứ hai liên tiếp đạt mức cao chưa từng có. Trong phiên, cả ba chỉ số chính của Mỹ đều có lúc chạm mức thấp nhất trong hơn một năm. Buổi sáng, thị trường từng có lúc bật tăng mạnh nhờ một thông tin liên quan đến thuế, nhưng sau đó lại quay đầu giảm khi tin tức này bị bác bỏ.
Chỉ số đo lường mức độ biến động của thị trường - CBOE Volatility Index (VIX), còn gọi là "thước đo nỗi sợ hãi" của Phố Wall - đã vượt mốc 60 điểm trong phiên, mức cao nhất kể từ tháng 8/2014. Dù hạ nhiệt về cuối phiên, VIX vẫn đóng cửa ở 46,98 điểm - mức cao nhất trong vòng 5 năm. Chỉ có hai giai đoạn trong hai thập kỷ qua mà chỉ số VIX kết thúc ngày ở mức trên 50: cuối năm 2008 và đầu năm 2009, trong thời kỳ đỉnh điểm của cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu; và đầu năm 2020, trong đợt bán tháo thị trường do đại dịch COVID-19.
Ông Rick Meckler, đối tác tại công ty đầu tư Cherry Lane Investments ở New Jersey, nhận định: “Vấn đề cốt lõi của thị trường là cách tiếp cận của chính quyền hiện nay trong xử lý mất cân bằng thương mại. Nhà đầu tư rõ ràng muốn chính phủ tạm dừng hoặc có cách tiếp cận khác”. Ông nói thêm: “Điều đáng nói là trong số rất nhiều người ủng hộ ông Trump trong giới đầu tư và doanh nghiệp, hầu như không ai đứng ra công khai ủng hộ chính sách thuế quan hiện tại”.
Chốt phiên giao dịch đầu tuần này, chỉ số Dow Jones giảm 349,26 điểm (tương đương 0,91%) còn 37.965,60 điểm. S&P 500 giảm 11,83 điểm (0,23%) còn 5.062,25 điểm. Trong khi đó, Nasdaq Composite tăng nhẹ 15,48 điểm (0,10%) lên 15.603,26 điểm.
Trong hai phiên giao dịch đầu tiên sau khi ông Trump công bố thuế mới vào tuần trước, chỉ số S&P 500 đã giảm 10,5%, tương đương khoảng 5 nghìn tỷ USD vốn hóa bị “thổi bay” – đợt giảm mạnh nhất trong hai ngày kể từ tháng 3/2020.
Phiên cuối tuần trước, chỉ số Dow Jones đã chính thức rơi vào vùng điều chỉnh khi giảm hơn 10% so với mức đỉnh hồi tháng 12/2024. Cùng lúc, Nasdaq cũng bước vào thị trường giá xuống (bear market) tức giảm ít nhất 20% so với đỉnh.
Trong phiên giao dịch sáng 7/4, S&P 500 có thời điểm giảm tới 20% so với mức đỉnh lịch sử, rồi bất ngờ tăng hơn 3% sau khi xuất hiện thông tin rằng ông Trump đang cân nhắc tạm hoãn áp thuế trong 90 ngày. Tuy nhiên, thông tin này nhanh chóng bị Nhà Trắng phủ nhận, khiến thị trường lại quay đầu giảm.
Ông Meckler cho rằng những biến động mạnh trong phiên đã khiến nhà đầu tư lo lắng. Ông nói: “Nhiều người sợ rằng nếu tình hình thay đổi, thị trường có thể bật tăng trở lại rất nhanh. Điều đó tạo ra trạng thái dao động liên tục - thị trường tăng thì bị bán tháo, còn khi giảm lại có người mua vào hoặc đóng trạng thái bán khống”.
Về diễn biến theo ngành, phiên 7/4, bất động sản là nhóm giảm mạnh nhất trong 11 nhóm ngành chính thuộc S&P , mất 2,4%. Dịch vụ truyền thông là nhóm tăng mạnh nhất, tăng 1%. Công nghệ cũng tăng 0,3%, là nhóm ngành duy nhất còn lại có sắc xanh.
Giá cổ phiếu Apple giảm 3,7% và Tesla giảm 2,6%, là những mã kéo S&P 500 giảm điểm nhiều nhất. Ngược lại, giá cổ phiếu Nvidia tăng hơn 3% và Amazon tăng 2,5%, là những mã góp phần nâng đỡ thị trường.