Chứng khoán đi ngang trước kỳ nghỉ lễ, tâm lý nhà đầu tư thận trọng
Phiên giao dịch ngày 29/4/2025, thị trường chứng khoán Việt Nam ghi nhận một phiên dao động hẹp, phản ánh tâm lý nghỉ lễ sớm của nhà đầu tư. Chốt phiên, chỉ số VN-Index giảm nhẹ 0,5 điểm (0,04%), dừng tại 1.226,3 điểm. Đây là phiên giảm thứ hai liên tiếp, khép lại một tháng đầy biến động với mức giảm tổng cộng 6,2%.
Ngay từ đầu phiên, tâm lý thận trọng đã bao trùm thị trường. VN-Index giằng co mạnh quanh tham chiếu, dù số mã tăng giá áp đảo mã giảm. Tuy nhiên, áp lực bán tại các mã vốn hóa lớn như VHM, VIC, VRE, SAB đã khiến chỉ số không thể bứt phá. Đặc biệt, nhóm bất động sản VIC, NVL, PDR, TCH, KBC, IDC chịu áp lực bán mạnh gần cuối phiên sáng, kéo chỉ số giảm nhẹ về còn 1.223,85 điểm.

Nhà đầu tư có tâm lý nghỉ lễ, thận trọng, giá cổ phiếu biến động ở biên độ hẹp
Bước sang phiên chiều, dòng tiền cải thiện giúp VN-Index có thời điểm vượt lên tham chiếu. Tuy vậy, sự "thờ ơ" của nhà đầu tư về cuối phiên, cộng với việc các cổ phiếu trụ tiếp tục suy yếu, khiến VN-Index khép phiên trong sắc đỏ. Đáng chú ý, SAB bị bán mạnh, giảm tới 6,05%, lấy đi gần 1 điểm của chỉ số chính.
Chuyên gia chứng khoán Đặng Trọng Khang nhận định:"Tâm lý nghỉ lễ kéo dài 5 ngày khiến nhà đầu tư ưu tiên giữ trạng thái phòng thủ, hạn chế mở vị thế mới. Áp lực bán không quá mạnh, nhưng sự thiếu vắng dòng tiền chủ động khiến thị trường chỉ dao động trong biên độ hẹp. Điều này lý giải vì sao VN-Index liên tục đảo chiều tăng - giảm trong biên độ nhỏ trong suốt phiên giao dịch hôm nay."
Thanh khoản hôm nay cải thiện nhẹ so với phiên trước, đạt 15.530 tỷ đồng, tăng 9,8%. Tuy nhiên, so với phiên giao dịch ngày thứ Sáu tuần trước, giá trị giao dịch vẫn giảm khoảng 24%. Toàn thị trường ghi nhận 675 triệu cổ phiếu khớp lệnh thành công, trong đó rổ VN30 đóng góp hơn 9.000 tỷ đồng.
Không có mã cổ phiếu nào đạt thanh khoản trên 1.000 tỷ đồng. Dẫn đầu thanh khoản là VIC với 893 tỷ đồng, tiếp theo là SHB (670 tỷ đồng) và TCB (480 tỷ đồng).
Nhà đầu tư nước ngoài sau phiên mua ròng nhẹ hôm qua đã quay lại bán ròng mạnh hơn 250 tỷ đồng. Các mã chịu áp lực bán ròng lớn gồm VIC (-242 tỷ đồng), SAB (-100 tỷ đồng), VPB (-91 tỷ đồng), FPT (-61 tỷ đồng) và HDB (-51 tỷ đồng). Ở chiều ngược lại, VRE được mua ròng gần 157 tỷ đồng.
Diễn biến phân hóa bao trùm các nhóm ngành. Cổ phiếu ngân hàng phần lớn giảm điểm, trong đó EIB giảm mạnh nhất 2,1%. Các mã SSB, LPB, SHB, MBB cũng giảm quanh 1%. Ngành xây dựng chịu sức ép với CTD mất hơn 2%.
Ngược lại, nhóm bất động sản ghi nhận những diễn biến tích cực ở một số mã. VRE sau khi giảm mạnh đầu phiên đã quay đầu tăng 2,38%, đạt mức giá cao nhất trong vòng một năm. Các mã như DXG (+3,77%), KSF (+5,49%), FIR (+6,24%), TCH (+0,88%) cũng ghi nhận đà tăng tốt.
Ngoài ra, cổ phiếu vận tải biển bất ngờ bứt phá mạnh, dẫn đầu bởi VSC tăng trần, HAH (+5,94%), VOS (+3,8%). Các mã cảng biển như SPG (+3,8%), GMD (+3,9%), PHP (+5,2%) cũng ghi nhận mức tăng đáng kể.
Sự phân hóa này phản ánh sự chọn lọc cổ phiếu kỹ càng của nhà đầu tư, trong bối cảnh dòng tiền hạn chế và thị trường chưa có chất xúc tác mới đủ mạnh. Những nhóm ngành có kỳ vọng lợi nhuận phục hồi hoặc hưởng lợi từ xu hướng logistics vẫn thu hút lực cầu, bất chấp xu thế chung trầm lắng.

Nhà đầu tư nước ngoài bán ròng hơn 250 tỷ đồng trong phiên cuối tháng
Chỉ số VN30-Index giảm 2,6 điểm (0,2%), ghi nhận 17 mã giảm/8 mã tăng. SAB trở thành "tội đồ" lớn nhất khi giảm sâu và ảnh hưởng tiêu cực đến VN-Index. Một số cổ phiếu khác như VJC (-3,48%), BCM (-1,26%), SSB (-1,08%) cũng ghi nhận mức giảm đáng kể.
Dù vậy, diễn biến chiều nay cho thấy sự hồi phục nỗ lực từ các mã lớn: VIC từ mức giảm 2,93% buổi sáng đã hồi về tham chiếu, VHM thu hẹp đà giảm còn 0,17%, VRE đảo chiều tăng 2,38%. Tuy nhiên, sự suy yếu chung của nhóm blue-chips khiến VN-Index không thể giữ được sắc xanh.
Mặt khác, nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ có sức bật ấn tượng hơn. Một số mã như DCL, TDH, DC4, TCO tăng kịch trần. Tuy vậy, chỉ số Midcap chỉ tăng 0,12% và Smallcap tăng 0,84%, cho thấy quy mô phục hồi còn hạn chế.
Kết thúc phiên 29/4, thị trường chính thức nghỉ giao dịch 5 ngày nhân dịp lễ 30/4 - 1/5. Thị trường sẽ trở lại vào ngày 5/5/2025, cũng là thời điểm hệ thống giao dịch mới KRX dự kiến được đưa vào vận hành.
Chuyên gia Đặng Trọng Khang cho rằng: "Kỳ vọng sau kỳ nghỉ lễ dài, thị trường sẽ có cơ hội phục hồi tốt hơn nhờ dòng tiền mới và hệ thống giao dịch mới giúp cải thiện tốc độ khớp lệnh. Tuy nhiên, nhà đầu tư cần lưu ý rủi ro từ biến động quốc tế và tâm lý thận trọng sau đợt điều chỉnh sâu vừa qua".
Phiên giao dịch ngày 29/4 khép lại với những dấu ấn nhẹ nhàng, đúng như tâm trạng nghỉ lễ sớm của phần lớn nhà đầu tư. Mọi sự kỳ vọng lúc này hướng về tuần giao dịch đầu tiên của tháng 5, với hy vọng thị trường sẽ có khởi sắc mới.