Chứng khoán 25/2: VN-Index mất đà tăng, khối ngoại tiếp tục bán ròng
Áp lực chốt lời dâng cao vào phiên chiều khiến VN-Index không giữ được sắc xanh và quay đầu giảm điểm.
Khối ngoại bán ròng gần 400 tỷ đồng
Sau phiên giao dịch bùng nổ, thị trường chứng khoán Việt Nam tiếp đà tăng điểm trong phiên sáng. Tuy nhiên, áp lực chốt lời dâng cao vào phiên chiều khiến VN-Index không giữ được sắc xanh và quay đầu giảm điểm. Kết thúc phiên giao dịch ngày 25/2, VN-Index giảm 1,4 điểm xuống mức 1.303,16 điểm.

Thanh khoản trên HoSE có phần sụt giảm so với phiên trước đó, với giá trị khớp lệnh đạt khoảng 18.130 tỷ đồng. Trên toàn thị trường, có 339 mã tăng giá, trong khi có 401 mã giảm giá, phản ánh sự phân hóa mạnh giữa các nhóm cổ phiếu.
Dù thị trường chung gặp áp lực bán, nhóm bất động sản và chứng khoán vẫn thể hiện sự tích cực khi nhiều mã giữ được sắc xanh. Hàng loạt cổ phiếu bất động sản ghi nhận mức tăng như DIG (+0,8%), VHM (+1,37%), CEO (+0,7%), PDR (+0,8%), CII (+0,36%), DXG (+0,98%)...
Tương tự, nhóm cổ phiếu chứng khoán cũng nhận được lực cầu tốt với MBS (+1,02%), FTS (+0,89%), VIX (+0,43%), VND (+1%)...
Ngoài ra, nhóm cổ phiếu đầu tư công và xây dựng cũng có diễn biến khởi sắc, với GEE tăng 5,82%, VCG tăng 2,56%, PC1 tăng 1,48%, VSC tăng 1,94%, DPG tăng 1,95%...
Trái ngược với diễn biến tích cực của bất động sản và chứng khoán, nhóm ngân hàng lại chịu áp lực bán mạnh khi hàng loạt mã chìm trong sắc đỏ. Các cổ phiếu lớn như VCB (-0,96%), CTG (-0,12%), VPB (-1,02%), HDB (-1,07%), ACB (-0,57%), TPB (-0,59%) đều giảm điểm.
Bên cạnh đó, nhiều cổ phiếu vốn hóa lớn thuộc các ngành khác cũng bị bán mạnh như VNM (-1,41%), FPT (-1,07%), GVR (-1,03%), BVH (-2,56%), MSH (-3,12%)...
Khối ngoại duy trì xu hướng bán ròng với tổng giá trị gần 398 tỷ đồng trên toàn thị trường. Trong đó, riêng sàn HoSE bị bán ròng khoảng 340 tỷ đồng.
Cụ thể, FPT là cổ phiếu bị bán ròng mạnh nhất với giá trị lên tới 192 tỷ đồng. 2 mã ngân hàng HDB và VCB cũng bị khối ngoại "xả" hơn 90 tỷ đồng mỗi mã. Ngoài ra, các mã như GMD (-46 tỷ), KDH (-44 tỷ) cũng chịu áp lực bán ròng từ khối ngoại. Ở chiều ngược lại, MWG là mã được mua ròng mạnh nhất với giá trị 219 tỷ đồng. Một số mã khác cũng được gom mua như VCI, HPG, MSN, PC1 với giá trị mua ròng dao động từ 20-75 tỷ đồng.
MWG là tâm điểm mua ròng của khối ngoại
Trong phiên hôm nay, MWG của Thế Giới Di Động là tâm điểm mua ròng của khối ngoại với giá trị gần 220 tỷ đồng. Tuy nhiên, kết phiên, cổ phiếu này bất ngờ giảm nhẹ 0,17% xuống còn 53.800 đồng/cp.
Vào sáng ngày 25/2, ông Đoàn Văn Hiểu Em, CEO Công ty CP Đầu tư Thế Giới Di Động (HoSE: MWG), đã chia sẻ trên fanpage về khởi đầu năm mới của tập đoàn. Theo đó, doanh thu tháng 1/2025 của chuỗi Thế Giới Di Động, Điện Máy Xanh và TopZone đạt hơn 10.000 tỷ đồng, tăng 32% so với cùng kỳ năm 2024, dù số lượng cửa hàng đã giảm từ 3.266 xuống còn 3.045 cửa hàng sau tái cấu trúc.
Trước đó, trong cuộc họp quý IV/2024, MWG đặt mục tiêu tăng thêm 4.000 tỷ đồng doanh thu cho Thế Giới Di Động và Điện Máy Xanh, cùng 7.000 tỷ đồng cho Bách Hóa Xanh. Công ty dự kiến mở rộng mảng online với tham vọng tăng trưởng 300% cho Bách Hóa Xanh online và mở thêm 200 - 400 cửa hàng Bách Hóa Xanh, chủ yếu ở miền Trung.
MWG cũng đặt mục tiêu lợi nhuận sau thuế năm 2025 đạt 4.850 tỷ đồng, tăng 30% so với năm 2024. Ban lãnh đạo đang xem xét kế hoạch mua cổ phiếu quỹ, chia cổ tức bằng tiền mặt và tối ưu hóa dòng tiền để đảm bảo tăng trưởng bền vững.
Một trong những mục tiêu tham vọng của MWG là đưa doanh thu của Bách Hóa Xanh lên 10 tỷ USD trước năm 2030, chiếm 20% thị phần thực phẩm và hàng tiêu dùng tại Việt Nam.
Trước đó, cổ phiếu MWG từng bị khối ngoại "ngó lơ" và xả hàng dồn dập. Tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài (room ngoại) tại Thế giới Di động sụt giảm nhanh chóng, hiện đã rơi xuống 44,8% vào cuối phiên 18/2. Áp lực bán ra đẩy thị giá MWG giảm sâu. Chốt phiên 18/2, giá cổ phiếu này đạt 54.500 đồng/cp, vùng giá thấp nhất trong vòng 10 tháng. Vốn hóa doanh nghiệp còn 79.650 tỷ đồng, bay gần 9.500 tỷ từ đầu năm 2025.