Bình Dương: Xây dựng cơ chế thúc đẩy công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số
thực hiện tốt Nghị quyết số 57-NQ/TW đề ra, Ban Chỉ đạo về phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số tỉnh Bình Dương đang xây dựng Kế hoạch thực hiện, trong đó tập trung vào những nội dung cốt lõi như cơ chế, chính sách, nguồn nhân lực…

Bình Dương xây dựng cơ chế thúc đẩy công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số.
Mới đây, Ban Chỉ đạo về phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số tỉnh Bình Dương đã tổ chức Phiên họp lần thứ 2 để hoàn thiện việc xây dựng các chính sách, cơ chế thực hiện Nghị quyết số 57-NQ/TW, ngày 22/12/2024 của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia trên địa bàn tỉnh.
Theo đó, Phiên họp đã thông qua dự thảo Kế hoạch với nội dung cốt lõi gồm: Cơ chế, chính sách, nhân lực, dữ liệu và hạ tầng, trong đó cơ chế, chính sách là điều kiện tiên quyết để thúc đẩy, khuyến khích phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số; nguồn nhân lực là yếu tố then chốt; đầu tư phát triển hạ tầng là yêu cầu bắt buộc, ưu tiên hạ tầng số, hạ tầng kỹ thuật đảm bảo hiện đại, thông minh, đồng bộ, đáp ứng cho sự phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số; khai thác tối đa tiềm năng dữ liệu.
Mục tiêu từ nay đến năm 2030, quản lý Nhà nước trên môi trường số, điều hành dựa trên dữ liệu, kết nối và vận hành thông suốt giữa các cơ quan trong hệ thống chính trị. Tiến tới thuộc vào nhóm các địa phương ở mức khá trong cả nước về an toàn, an ninh không gian mạng, an ninh dữ liệu và bảo vệ dữ liệu.
Phấn đấu dẫn đầu về khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số; là trung tâm công nghiệp, dịch vụ hiện đại. Phát triển công nghiệp sinh thái, hiện đại, ứng dụng công nghệ cao; đưa ngành công nghiệp chế biến, chế tạo trở thành trụ cột chính trong nền kinh tế; trình độ, năng lực công nghệ, chuyển đổi mô hình sản xuất của doanh nghiệp đạt mức khá của cả nước...
Tầm nhìn đến năm 2045, Bình Dương phát triển thành trung tâm công nghiệp công nghệ cao, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số hàng đầu Việt Nam, có thu nhập bình quân đầu người thuộc nhóm các địa phương dẫn đầu cả nước. Trở thành trung tâm công nghiệp công nghệ số quan trọng của khu vực Đông Nam bộ và cả nước, đóng vai trò đầu tàu đổi mới sáng tạo, nghiên cứu và phát triển. Nằm trong nhóm 10 địa phương dẫn đầu cả nước về đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số. Thu hút ít nhất 20 tổ chức, doanh nghiệp công nghệ hàng đầu trong nước và quốc tế đến đầu tư, đặt trụ sở nghiên cứu, phát triển sản phẩm công nghệ cao và sản xuất tại Bình Dương.

Một trong những mục tiêu của Bình Dương từ nay đến năm 2030, quản lý Nhà nước trên môi trường số, điều hành dựa trên dữ liệu, kết nối và vận hành thông suốt giữa các cơ quan trong hệ thống chính trị.
Kết luận Phiên họp, ông Nguyễn Văn Lợi, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Ban Chỉ đạo khẳng định, một trong những nội dung cốt lõi của Kế hoạch là cơ chế, chính sách, do đó cần bổ sung làm rõ về chính sách khuyến khích doanh nghiệp chuyển đổi số; chính sách giáo dục về nguồn nhân lực khoa học công nghê, đưa giáo dục STEM vào giảng dạy ở các trường học các cấp đáp ứng yêu cầu nguồn nhân lực chất lượng cao; kết hợp chương trình ngoại khóa cho học sinh trải nghiệm tại trung tâm đổi mới sáng tạo, tạo ra phong trào về đổi mới sáng tạo, khoa học công nghệ trong học sinh, sinh viên. Các cơ sở giáo dục là cái nôi đào tạo nhân lực chất lượng cao, nuôi dưỡng và phát triển nhân lực khoa học, công nghệ… Ông Nguyễn Văn Lợi yêu cầu Ban Chỉ đạo tiếp thu các ý kiến góp ý của đại biểu để hoàn chỉnh nội dung Kế hoạch.
Trước đó, vào ngày 10/02, tại Phiên thứ nhất của Ban Chỉ đạo, các đại biểu đã tập trung thảo luận cho ý kiến cụ thể về đề xuất thành lập Hội đồng Tư vấn cấp tỉnh; thành lập Tổ giúp việc; một số mục tiêu và nhiệm vụ, giải pháp; dự thảo Quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, chế độ làm việc, quan hệ công tác của Ban Chỉ đạo...
Đồng thời, xác định Nghị quyết số 57–NQ/TW đánh dấu cột mốc quan trọng về khoa học công nghệ, chuyển đổi số, tạo động lực chính để phát triển kinh tế - xã hội trong giai đoạn hiện nay. Việc thực hiện tốt Nghị quyết sẽ ngăn chặn nguy cơ tụt hậu và mất đi lợi thế cạnh tranh. Từng cấp, từng ngành, từng doanh nghiệp phải thực hiện chuyển đổi số, đổi mới sáng tạo. Tỉnh phải dành nguồn lực đầu tư về cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội; khoa học công nghệ; đẩy mạnh cải cách hành chính tạo môi trường đầu tư thông thoáng…
Theo Bộ Thông tin và Truyền thông, Chỉ số chuyển đổi số năm 2023 (Chỉ số DTI) của Bình Dương tăng 12 bậc so với năm 2022, lần đầu tiên vào Top 10 tỉnh, thành phố dẫn đầu của cả nước. Cụ thể, Chỉ số DTI của Bình Dương đạt 0,7411 điểm, xếp hạng 7/63 tỉnh, thành phố cả nước. Ở 3 trụ cột chính: Chính quyền số Bình Dương xếp hạng thứ 7; Kinh tế số xếp hạng thứ 31 và Xã hội số xếp hạng thứ 11.