Chuẩn hóa 38 thủ tục hành chính trong lĩnh vực địa chất, khoáng sản
Bộ Nông nghiệp và Môi trường (NN&MT) ban hành Quyết định về việc công bố chuẩn hóa thủ tục hành chính trong lĩnh vực địa chất và khoáng sản thuộc phạm vi chức năng quản lý Nhà nước của Bộ NN&MT.
Nhằm tối ưu quá quy trình tiếp nhận, nâng cao hiệu quả trong công tác quản lý Nhà nước, mới đây, lãnh đạo Bộ NN&MT đã ban hành Quyết định số 821/QĐ-BNNMT ngày 15/04/2025 về việc công bố chuẩn hóa thủ tục hành chính trong lĩnh vực địa chất và khoáng sản thuộc phạm vi chức năng quản lý Nhà nước của Bộ này.
Điểm mới của Quyết định trên là các thủ tục hành chính cấp huyện đã bị bãi bỏ, chỉ còn 15 thủ tục hành chính cấp Trung ương và 23 thủ tục hành chính cấp tỉnh.
Cụ thể, các thủ tục hành chính cấp Trung ương bao gồm: Giao nộp, thu nhận dữ liệu về địa chất, khoáng sản; Cung cấp, khai thác, sử dụng dữ liệu về địa chất, khoáng sản; Đấu giá quyền khai thác khoáng sản ở khu vực chưa thăm dò khoáng sản; Đấu giá quyền khai thác khoáng sản ở khu vực đã có kết quả thăm dò khoáng sản được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt; Cấp Giấy phép thăm dò khoáng sản; Gia hạn Giấy phép thăm dò khoáng sản; Trả lại Giấy phép thăm dò khoáng sản hoặc trả lại một phần diện tích khu vực thăm dò khoáng sản; Gia hạn Giấy phép khai thác khoáng sản; Chuyển nhượng quyền khai thác khoáng sản; Trả lại Giấy phép khai thác khoáng sản, trả lại một phần diện tích khu vực khai thác khoáng sản; Phê duyệt trữ lượng khoáng sản; Đóng cửa mỏ khoáng sản; Cấp, điều chỉnh Giấy phép khai thác khoáng sản; cấp Giấy phép khai thác khoáng sản ở khu vực có dự án đầu tư xây dựng công trình; Nộp mẫu vật địa chất, khoáng sản vào Bảo tàng Địa chất; Chuyển nhượng quyền thăm dò khoáng sản.

Ảnh minh họa
Các thủ tục hành chính cấp tỉnh gồm: Trả lại Giấy phép thăm dò khoáng sản hoặc trả lại một phần diện tích khu vực thăm dò khoáng sản; Gia hạn Giấy phép thăm dò khoáng sản; Chuyển nhượng quyền thăm dò khoáng sản; Cấp, điều chỉnh Giấy phép khai thác khoáng sản; cấp Giấy phép khai thác khoáng sản ở khu vực có dự án đầu tư xây dựng công trình; Đấu giá quyền khai thác khoáng sản ở khu vực chưa thăm dò khoáng sản; Đấu giá quyền khai thác khoáng sản ở khu vực đã có kết quả thăm dò khoáng sản được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt; Phê duyệt trữ lượng khoáng sản; Đóng cửa mỏ khoáng sản; Gia hạn Giấy phép khai thác khoáng sản;
Bên cạnh đó là các thủ tục như cấp Giấy phép khai thác tận thu khoáng sản; Chuyển nhượng quyền khai thác khoáng sản; Gia hạn Giấy phép khai thác tận thu khoáng sản; Trả lại Giấy phép khai thác tận thu khoáng sản; Trả lại Giấy phép khai thác khoáng sản, trả lại một phần diện tích khu vực khai thác khoáng sản; Đăng ký khai thác khoáng sản vật liệu xây dựng thông thường trong diện tích dự án xây dựng công trình (đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt hoặc cho phép đầu tư mà sản phẩm khai thác chỉ được sử dụng cho xây dựng công trình đó) bao gồm cả đăng ký khối lượng cát, sỏi thu hồi từ dự án nạo vét, khơi thông luồng lạch; Chấp thuận tiến hành khảo sát thực địa, lấy mẫu trên mặt đất để lựa chọn diện tích lập đề án thăm dò khoáng sản; Cấp Giấy phép thăm dò khoáng sản;
Đối với các loại khoáng sản nhóm IV (khoáng sản chỉ phù hợp với mục đích làm vật liệu san lấp, đắp nền móng công trình, xây dựng công trình thủy lợi, phòng, chống thiên tai, gồm: đất sét, đất đồi, đất có tên gọi khác; đất lẫn đá, cát, cuội hoặc sỏi; cát (trừ cát, sỏi lòng sông, lòng hồ và khu vực biển), cấp tỉnh thực hiện các thủ tục: Cấp Giấy phép khai thác khoáng sản nhóm IV; Gia hạn Giấy phép khai thác khoáng sản nhóm IV; Điều chỉnh Giấy phép khai thác khoáng sản nhóm IV; Trả lại Giấy phép khai thác khoáng sản nhóm IV; Chấp thuận khảo sát, đánh giá thông tin chung đối với khoáng sản nhóm IV tại khu vực không đấu giá quyền khai thác khoáng sản; Xác nhận kết quả khảo sát, đánh giá thông tin chung đối với khoáng sản nhóm IV.
Trao đổi với Phóng viên Tạp chí Kinh tế môi trường về nội dung trên, Luật sư Phan Văn Tú - Văn phòng Luật sư Nhật Bình (Đoàn Luật sư TP. HCM) cho hay, việc chuẩn hóa các thủ tục hành chính nói chung và thủ tục hành chính trong lĩnh vực địa chất, khoáng sản là rất cần thiết. Điều này sẽ giúp giảm loại bỏ các thủ tục không cần thiết, rút ngắn thời gian xử lý hồ sơ. Tạo môi trường pháp lý rõ ràng, thuận lợi cho tổ chức, cá nhân.
Đặc biệt, hiện nay trên cả nước đang có rất nhiều dự án, công trình trọng điểm, việc này cũng giúp giải quyết nhu cầu khai thác, sử dụng khoáng sản hiệu quả. Đồng thời, nâng cao hiệu quả trong công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực địa chất, khoáng sản.