Chuẩn bị điều chỉnh tăng lương tối thiểu vùng năm 2025

Bộ LĐTB&XH đã điều tra về tiền lương trong DN; đề nghị các tỉnh, TP rà soát các địa bàn áp dụng mức lương tối thiểu để chuẩn bị cho việc điều chỉnh lương tối thiểu vùng năm 2025.

Thời gian qua, nhiều tỉnh, TP có sự điều chỉnh địa giới hành chính cấp huyện (đổi tên, thành lập mới, nhập, giải thể, điều chỉnh địa giới hành chính) theo các nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Để cập nhật địa bàn áp dụng mức lương tối thiểu và chuẩn bị phương án đề xuất với Chính phủ về việc điều chỉnh mức lương tối thiểu trong thời gian tới theo quy định tại Điều 91 Bộ luật Lao động, Bộ LĐTB&XH đề nghị Chủ tịch UBND tỉnh, TP trực thuộc Trung ương chỉ đạo cơ quan quản lý Nhà nước về lao động ở địa phương phối hợp với các sở, ngành liên quan thực hiện một số nội dung.

Bộ LĐTB&XH đã điều tra về tiền lương trong DN để chuẩn bị cho việc điều chỉnh lương tối thiểu vùng năm 2025. Ảnh minh họa

Bộ LĐTB&XH đã điều tra về tiền lương trong DN để chuẩn bị cho việc điều chỉnh lương tối thiểu vùng năm 2025. Ảnh minh họa

Theo đó, Bộ LĐTB&XH đề nghị các tỉnh, TP rà soát lại tên các địa bàn áp dụng mức lương tối thiểu, nhất là các đơn vị hành chính cấp huyện đã thực hiện sắp xếp lại (đổi tên, thành lập mới, nhập, giải thể, điều chỉnh địa giới hành chính) theo các nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội từ 1/7/2024 đến nay.

Đồng thời, các địa phương đánh giá, đề xuất việc điều chỉnh phân vùng hiện hành. Trường hợp có đề xuất điều chỉnh phân vùng thì cơ quan quản lý Nhà nước về lao động ở địa phương phối hợp với Ban Quản lý khu chế xuất, khu công nghiệp trao đổi bằng văn bản với Liên đoàn Lao động cấp tỉnh, Chi nhánh Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam cấp tỉnh và khu vực, các hiệp hội nghề nghiệp, nhà đầu tư, DN trên địa bàn, báo cáo UBND tỉnh, TP có ý kiến gửi về Bộ LĐTB&XH trước ngày 1/4/2025.

Theo quy định tại Bộ luật Lao động năm 2019, mức lương tối thiểu là mức lương thấp nhất được trả cho người lao động làm công việc giản đơn nhất trong điều kiện lao động bình thường, nhằm bảo đảm mức sống tối thiểu của người lao động và gia đình họ, phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội.

Hiện nay, mức lương tối thiểu đang được áp dụng theo Nghị định số 74/2024/NĐ-CP của Chính phủ. Theo đó, mức lương tối thiểu tháng tại vùng I là 4.960.000 đồng/tháng; vùng II là 4.410.000 đồng/tháng, vùng III là 3.860.000 đồng/tháng; vùng IV là 3.450.000 đồng/tháng.

Mức lương tối thiểu giờ tại vùng I là 23.800 đồng/giờ; vùng II là 21.200 đồng/giờ; vùng III là 18.600 đồng/giờ; vùng IV là 16.600 đồng/giờ.

Để cung cấp cơ sở cho việc điều chỉnh mức lương tối thiểu trong năm 2025 theo hoạt động của Hội đồng Tiền lương quốc gia, ngày 7/8/2024, Bộ LĐTB&XH đã ban hành Quyết định số 1225/QĐ-BLĐTBXH về việc điều tra năm 2024 về lao động, tiền lương trong DN.

Theo đó, Bộ LĐTB&XH đã điều tra về lao động, tiền lương trong DN trên phạm vi 18 tỉnh, TP đại diện cho 8 vùng kinh tế của cả nước có số lượng DN lớn, thị trường lao động lớn. Có 3.400 DN được điều tra với tổng số 6.800 người lao động.

Theo thông tin từ Bộ LĐTB&XH, tiền lương bình quân của người lao động năm 2024 ước đạt 8,88 triệu đồng/tháng, tăng 4% so với năm 2023 (8,5 triệu đồng/tháng). Trong đó, người lao động làm việc tại công ty TNHH một thành do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ là 10,91 triệu đồng/tháng. Người lao động làm việc tại DN dân doanh có tiền lương bình quân 8,1 triệu đồng/tháng. Còn người lao động làm việc tại DN có vốn đầu tư nước ngoài là 9,28 triệu đồng/tháng.

Thủy Trúc

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/chuan-bi-dieu-chinh-tang-luong-toi-thieu-vung-nam-2025.html
Zalo