Chuẩn bị cho kỳ thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025: Chủ động tiếp cận Chương trình mới

Kỳ thi tốt nghiệp Trung học phổ thông (THPT) năm 2025 là kỳ thi tốt nghiệp đầu tiên của học sinh học chương trình, sách giáo khoa mới biên soạn theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Với quy mô giáo dục lớn nhất cả nước, ngành Giáo dục Thủ đô đang tích cực, chủ động chuẩn bị kỹ lưỡng cho kỳ thi này.

Dự kiến nhiều điểm mới

Năm học 2024 - 2025 là năm học đầu tiên có lứa học sinh lớp 12 thi tốt nghiệp THPT theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Dự kiến, kỳ thi sẽ có nhiều điểm mới so với kỳ thi từ năm 2024 trở về trước, tuy nhiên, phương án tổ chức lại gọn nhẹ, giảm áp lực.

Thí sinh tham dự kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024. (Ảnh: P.T)

Thí sinh tham dự kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024. (Ảnh: P.T)

Theo dự thảo Quy chế thi tốt nghiệp THPT đang được Bộ Giáo dục và Đào tạo lấy ý kiến, thời gian tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT sẽ được rút ngắn từ 4 buổi thi như hiện nay xuống còn 3 buổi thi. Số môn thi cũng giảm từ 6 môn còn 4 môn, trong đó có 2 môn bắt buộc là Toán, Ngữ văn và 2 môn tự chọn trong số các môn: Vật lí, Hóa học, Sinh học, Lịch sử, Địa lí, Giáo dục kinh tế và pháp luật, Tin học, Công nghệ - Công nghiệp, Công nghệ - Nông nghiệp, Ngoại ngữ.

Bộ Giáo dục và Đào tạo xây dựng phương án và hướng dẫn các địa phương sắp xếp điểm thi, phòng thi theo nguyên tắc hỗ trợ tối đa cho thí sinh không phải di chuyển phòng thi: Cho phép trộn học sinh ở các cơ sở giáo dục gần nhau để tổ chức các điểm thi tiện ích cho thí sinh. Thí sinh chỉ dự thi tại 1 phòng thi duy nhất trong suốt kỳ thi, ưu tiên sắp xếp theo cùng bài thi của 2 môn tự chọn.

Về hình thức thi, chỉ có môn Ngữ văn thi theo hình thức tự luận, các môn còn lại thi theo hình thức trắc nghiệm khách quan. Điểm khác biệt trong các bài thi trắc nghiệm ở kỳ thi này so với kỳ thi tốt nghiệp THPT từ năm 2024 trở về trước là ngoài dạng thức câu hỏi trắc nghiệm nhiều lựa chọn (4 phương án, chọn 1) - đã quen thuộc với học sinh và được áp dụng nhiều năm qua, sẽ có thêm 2 dạng thức câu hỏi trắc nghiệm mới. Trong đó, dạng thứ nhất gồm các câu hỏi trắc nghiệm dạng đúng/sai (mỗi câu hỏi có 4 ý, học sinh phải trả lời đúng/sai đối với từng ý của câu hỏi); dạng thứ hai là các câu hỏi trắc nghiệm dạng trả lời ngắn (gần với dạng câu hỏi tự luận, học sinh điền nội dung trả lời vào phiếu). Thời gian làm bài môn Ngữ văn là 120 phút, môn Toán 90 phút, các môn còn lại 50 phút/môn.

Ngoài ra, một điểm mới nữa theo dự thảo Quy chế thi tốt nghiệp THPT là quy định về xét công nhận tốt nghiệp THPT. Theo đó, tăng tỷ lệ sử dụng kết quả đánh giá quá trình học tập ở cả lớp 10, 11 và 12 lên 50% (trước đây là 30% và chỉ sử dụng kết quả lớp 12) nhằm mục đích đánh giá toàn diện các năng lực của học sinh học theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018 và tăng hiệu quả đạt được nhiều mục tiêu của kỳ thi như đã công bố. Thí sinh có chứng chỉ Ngoại ngữ đáp ứng theo quy định được miễn thi môn Ngoại ngữ, nhưng không quy thành 10 điểm trong xét công nhận tốt nghiệp như quy định hiện nay.

Tích cực chuẩn bị

Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2025 dự kiến sẽ diễn ra ngày 26 - 27/6/2025. Về cơ bản, thời gian tổ chức kỳ thi vẫn được giữ ở khung thời gian ổn định như năm 2024 và các năm trước. Việc này giúp học sinh chủ động chuẩn bị, đồng thời không bị xáo trộn trong kế hoạch học tập, ôn luyện trước kỳ thi.

Ghi nhận tại các trường học trên địa bàn thành phố, thời điểm hiện tại, các nhà trường đang tích cực, chủ động chuẩn bị cho kỳ thi. Chẳng hạn, tại Trường THPT Đại Mỗ (quận Nam Từ Liêm), theo Hiệu trưởng Lê Viết Hùng, nhà trường đã tính toán, xây dựng phương án dạy và kiểm tra đánh giá theo yêu cầu của Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Đầu năm học, nhà trường đã cho học sinh lớp 12 đăng ký nguyện vọng học tập theo tổ hợp môn dự kiến sử dụng để xét tuyển đại học. Từ nguyện vọng của học sinh, nhà trường có phương án dạy học tăng cường cho học sinh. Với những môn học ít học sinh đăng ký, nhà trường dồn học sinh, ghép lớp, có phương án dạy tăng cường để học sinh yên tâm học và ôn tập.

Còn tại Trường THCS - THPT Ban Mai (quận Hà Đông), xác định việc ổn định nền nếp học tập ngay từ đầu năm học là việc quan trọng, trong những tuần học đầu tiên, các thầy cô giáo đã tổ chức các buổi sinh hoạt tập thể, tư vấn, cùng học sinh xây dựng mục tiêu cá nhân, mục tiêu của lớp trong năm học mới. Bên cạnh đó, nhà trường cũng lên kế hoạch chi tiết cho từng môn học và bám sát chương trình học, bảo đảm học sinh không bị gián đoạn kiến thức sau kỳ nghỉ hè. Các hoạt động dạy và học đều được diễn ra bình thường, song song với đó là các hoạt động ngoại khóa nhằm giúp các học sinh nhanh chóng quay lại với nhịp độ học tập.

“Riêng với học sinh lớp 12, việc thi tốt nghiệp THPT theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018 là một thách thức lớn. Chính vì vậy, nhà trường đã triển khai kế hoạch và lộ trình học tập, kết hợp ôn luyện nhằm củng cố và nâng cao kiến thức cho học sinh, đảm bảo các em được chuẩn bị tốt nhất cho kỳ thi. Giáo viên chủ nhiệm cùng giáo viên bộ môn sẽ luôn theo sát từng học sinh để kịp thời hỗ trợ, tư vấn phương pháp học tập hiệu quả. Nhà trường cũng thường xuyên tổ chức các buổi tư vấn hướng nghiệp, giúp các em có định hướng rõ ràng cho tương lai”, Hiệu trưởng Trường THCS - THPT Ban Mai Nguyễn Khánh Chung thông tin.

Theo thống kê của Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội, năm học 2024 - 2025, toàn Thành phố có hơn 100 nghìn học sinh lớp 12. Hằng năm, Hà Nội cũng là địa phương dẫn đầu cả nước về số lượng học sinh thi tốt nghiệp THPT. Với quyết tâm tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT đầu tiên theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018 an toàn, thành công, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội đã đề nghị các nhà trường đặc biệt quan tâm thực hiện hiệu quả các phương pháp, hình thức dạy học; tăng cường xây dựng ngân hàng câu hỏi, ma trận đề kiểm tra theo yêu cầu cần đạt của chương trình môn học, chuẩn bị cho học sinh lớp 12 làm quen với định hướng đề thi tốt nghiệp THPT...

Phạm Thảo

Nguồn LĐTĐ: https://laodongthudo.vn/chuan-bi-cho-ky-thi-tot-nghiep-thpt-tu-nam-hoc-2025-chu-dong-tiep-can-chuong-trinh-moi-177938.html
Zalo