Chữ ký số giáo viên tăng 120%, trường học Đắk Lắk gặp khó

Chữ ký số giáo viên mỗi năm chỉ dùng vài lần, nhưng đơn vị cung cấp tăng 120% khiến trường học Đắk Lắk phải 'bóp bụng' chi thường xuyên.

Tòa nhà Viettel Đắk Lắk, đường Lý Tự Trọng, TP Buôn Ma Thuột. (Ảnh: Thành Tâm)

Tòa nhà Viettel Đắk Lắk, đường Lý Tự Trọng, TP Buôn Ma Thuột. (Ảnh: Thành Tâm)

Ngày 24/9, thông tin từ Sở GD&ĐT Đắk Lắk cho biết, đơn vị đã nhận được thông tin phản ánh của các trường học về việc Viettel Đắk Lắk đề nghị ký gia hạn hợp đồng cung cấp dịch vụ chữ ký số giáo viên (tên phần mềm: Mysign - PV) từ mầm non đến THPT và GDTX.

Mục đích, phục vụ ký sổ học bạ điện tử, giáo án điện tử, sổ điểm điện tử, hồ sơ sổ sách điện tử, hệ sinh thái giáo dục Số của giáo viên (ký trên Smart phone).

Điều đáng nói, đại diện Viettel Đắk Lắk đề nghị tăng kinh phí (bao gồm cả VAT) đối với Viettel Smart CA - Mysign, gói cơ bản từ 50.000đ/1 giáo viên/1 năm, lên 110.000đ/1 giáo viên/1 năm, tương đương 120%.

Ngoài ra, Viettel còn cung cấp Viettel Smart CA - Mysign gói nâng cao với kinh phí 220.000đ/1 giáo viên/1 năm.

Cả 2 gói giáo viên đều ký trên tất cả các nền tảng được tích hợp với Viettel Smart CA - Mysign. Chỉ khác nhau ở lượt ký/giây và số lượt ký tối đa trong 24 giờ và ký được Cổng dịch vụ công quốc gia.

Được biết, kinh phí chi cho việc này được trích từ ngân sách Nhà nước, nguồn chi thường xuyên.

Trao đổi với phóng viên Báo GD&TĐ, hầu hết hiệu trưởng các trường đã nhận đề nghị ký gia hạn đều "sốc" vì đơn vị cung cấp đột ngột tăng giá mà chưa có sự đồng ý của cơ quan chủ quản.

"Cách đây 2 năm, Viettel tăng học bạ từ 6 nghìn đồng lên 10 nghìn đồng, trường có hơn 1.500 học sinh thì số tiền đâu ít, trong khi trích lại cho trường chỉ 10% để hoạt động. Giờ trường tôi có hơn 90 giáo viên, chữ ký số mỗi năm chỉ dùng vài lần mà tăng lên hơn 100% thì lấy đâu để chi các hoạt động chuyên môn khác. Chưa kể, phần mềm tuyển sinh cũng do Viettel cung cấp, mỗi năm 9 triệu đồng mà hiệu quả chỉ thêm việc chứ chưa giảm tải công sức của cán bộ, giáo viên. Phần mềm này cũng chưa kết nối các trường tư thục nên việc lọc ảo trong tuyển sinh cũng không thực hiện được", một nữ Hiệu trưởng bày tỏ.

Còn thầy Phạm Văn Sinh - Hiệu trưởng Trường THPT Lê Duẩn (TP Buôn Ma Thuột) thẳng thắn chia sẻ, Viettel đã đề xuất ký hợp đồng tăng từ 50 nghìn đồng lên 110 nghìn đồng nhưng chưa ký.

"Khi nào Sở có văn bản hướng dẫn cụ thể thì trường mới ký. Tôi có tham khảo các trường ở TP Hồ Chí Minh thì chưa triển khai việc này", thầy Sinh nói.

Một hiệu trưởng khác bày tỏ: "Sau khi nhận thông tin từ nhân viên Viettel đề nghị ký hợp đồng với việc tăng lên 120% kinh phí so với năm trước, tôi yêu cầu phải có văn bản của Sở. Đồng thời, đã hỏi kinh nghiệm ở Lâm Đồng thì nhiều trường cho biết, bên cung cấp dịch vụ vẫn giữ nguyên 50 nghìn/1 giáo viên/1 năm", vị Hiệu trưởng này nói. Đồng thời cho biết thêm, do ngân sách chi thường xuyên đã gói gọn cho hoạt động thúc đẩy chuyên môn, nếu tăng cái này một ít, cái kia một ít thì trường chỉ còn cách "bóp bụng" các hoạt động chính.

Liên quan đến vấn đề này, đại diện Viettel Đắk Lắk xác nhận, đơn vị thực hiện điều chỉnh tăng phí dịch vụ như các trường học đã phản ánh.

Lý giải về việc điều chỉnh tăng giá dịch vụ, phía Viettel Đăk Lăk cho hay, mục đích phổ cập chữ ký số, thúc đẩy quá trình chuyển đổi số và đảm bảo được được hiệu quả kinh doanh. Việc điều chỉnh phí chữ ký của giáo viên từ 50 nghìn đồng lên 110 nghìn đồng là theo chính sách niêm yết của Viettel. Chính sách 50 nghìn trước đây là chính sách ưu đãi trong giai đoạn đầu triển khai gói dịch vụ.

Theo thống kê của Sở GD&ĐT Đắk Lắk, hiện toàn ngành có hơn 35 nghìn cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên, trong đó hơn 30 nghìn giáo viên.

Thành Tâm

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/chu-ky-so-giao-vien-tang-120-truong-hoc-dak-lak-gap-kho-post702074.html
Zalo