Chưa tái định giá rõ rệt sau mùa BCTC, cổ phiếu ngân hàng hiện vẫn rẻ?

Theo đánh giá của VDSC, sau diễn biến KQKD quý IV/2024 với nhiều gam màu tích cực, định giá của các ngân hàng niêm yết vẫn chưa có diễn biến tái định giá rõ rệt.

Bức tranh chất lượng tài sản ngân hàng đang chuyển biến tích cực

Thống kê của Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) từ báo cáo tài chính của 27 ngân hàng niêm yết trong hệ thống cho thấy trong quý IV/2024, lợi nhuận trước thuế (LNTT) của 27 ngân hàng này đạt 81 nghìn tỷ đồng, tăng trưởng 22% so với cùng kỳ.

 Nguồn: VDSC

Nguồn: VDSC

Thu nhập lãi thuần vẫn là động lực tăng trưởng chính cho Tổng thu nhập hoạt động và LNTT. Cụ thể, quý IV/2024, thu nhập lãi thuần của 27 ngân hàng niêm yết ghi nhận tăng trưởng 11% so với cùng kỳ, đồng thời cao hơn mức tăng 6% của cùng kỳ năm ngoái với sự dẫn dắt của tăng trưởng tín dụng (ước đạt 17,8% - mức cao nhất kể từ 2018) khi NIM bị thu hẹp (-20 điểm cơ bản svck) nhưng có phần hạn chế hơn so với mức thu hẹp của cùng kỳ năm 2023 (-50 điểm cơ bản svck).

Đáng chú ý, NIM quý IV/2024 ghi nhận sự cải thiện nhẹ 10 điểm cơ bản so với quý III/2024 nhờ lợi suất tài sản tăng nhẹ trong khi chi phí vốn đi ngang so với quý trước. Theo chuyên gia VDSC, diễn biến mở rộng của NIM so với quý trước có sự hỗ trợ của việc hoàn nhập thu nhập lãi đã thoái sau khi chất lượng tài sản có sự cải thiện đáng kể trong quý IV.

 Nguồn: VDSC

Nguồn: VDSC

Các nguồn thu nhập ngoài lãi trong quý cũng ghi nhận tăng trưởng mạnh 32% so với cùng kỳ, chủ yếu được dẫn dắt bởi thu nhập từ thu hồi nợ xấu (+66% svck) và thu nhập từ mua bán chứng khoán đầu tư và kinh doanh - chủ yếu là TPCP (+67% svck).

“Trong khi thu nhập từ thu hồi nợ xấu có sự tăng trưởng tích cực trên diện rộng và đột biến ở số ít ngân hàng như VPB, VCB, BID, CTG, thì tăng trưởng của thu nhập từ kinh doanh chứng khoán được đóng góp chủ yếu bởi đột biến chủ yếu ở BID và MBB. Ngược lại, tăng trưởng của thu nhập từ phí dịch vụ vẫn tương đối yếu (-13% svck), vốn bị ảnh hưởng bởi thị trường banca chưa phục hồi và sự dịch chuyển của nguồn thu nhập từ UPAS L/C sang thu nhập lãi”, báo cáo của VDSC cho hay.

 Nguồn: VDSC

Nguồn: VDSC

Lũy kế cả năm 2024, LNTT các ngân hàng niêm yết đạt 299 nghìn tỷ đồng, tăng trưởng +18% so với cùng kỳ. NIM cuối năm 2024 của các ngân hàng niêm yết giảm 10 điểm cơ bản so với cùng kỳ xuống 3,3%, đà giảm chậm lại so với mức giảm 40 điểm cơ bản của năm 2023.

Về bức tranh chất lượng tài sản ngân hàng, các chuyên gia nhận định sự chuyển biến tích cực trong quý IV/2024 với quy mô nợ xấu (NPL), tỷ lệ nợ xấu, và nợ xấu hình thành ròng (trước xử lý rủi ro) đều giảm so với quý trước. Đáng chú ý, quy mô nợ xấu hình thành ròng đã giảm về mức thấp nhất kể từ quý I/2022, thời điểm trước khi nợ xấu bắt đầu chu kỳ tăng mạnh trước những ảnh hưởng tiêu cực từ yếu tố vĩ mô và thị trường bất động sản.

Các chuyên gia chỉ ra trong quý IV/2024, một số ngân hàng đáng chú ý ghi nhận nợ xấu giảm ròng (trước xử lý rủi ro), do nợ xấu nội bảng chuyển về các nhóm nợ tốt hơn, bao gồm CTG, MBB, TCB, TPB, NAB.

 Nguồn: VDSC

Nguồn: VDSC

Theo VDSC, xu hướng nợ xấu hình thành ròng giảm được hỗ trợ bởi khả năng trả nợ của các khách hàng đã khả quan hơn trong quý, thể hiện một phần qua số dư lãi, phí phải thu, số ngày phải thu lãi bình quân giảm đáng kể so với quý trước. Diễn biến này được dự báo có thể tiếp tục củng cố cho chất lượng tài sản của ngành ngân hàng trong 2025.

Mặc dù nợ xấu mới đã giảm, các ngân hàng duy trì tỷ lệ chi phí tín dụng không thay đổi so với quý trước, giúp tỷ lệ bao phủ nợ xấu cải thiện nhẹ lên 91% từ 83% trong quý III/2024.

 Nguồn: VDSC

Nguồn: VDSC

Bên cạnh việc cấu phần thu nhập khác có sự tăng trưởng vượt trội nhờ thu nhập từ thu hồi nợ xấu (đã xử lý rủi ro), các chuyên gia cho rằng chi phí dự phòng rủi ro tín dụng đi ngang so với cùng kỳ là hai điểm nhấn đáng chú ý trong bức tranh KQKD cũng như củng cố cho diễn biến cải thiện của chất lượng tài sản của ngành ngân hàng trong quý vừa qua.

Cổ phiếu ngân hàng đang được định giá tương đối thấp

Theo đánh giá của VDSC, sau diễn biến KQKD quý IV/2024 với nhiều gam màu tích cực, định giá của các ngân hàng niêm yết vẫn chưa có diễn biến tái định giá rõ rệt.

Nhóm phân tích ước tính ngành ngân hàng đang được giao dịch ở mức P.B 1,5 lần, so với bình quân lịch sử 5 năm là 1,7 lần.

 Nguồn: VDSC

Nguồn: VDSC

Theo VDSC, mức định giá ngành hiện nay là tương đối hấp dẫn khi xét đến xu hướng cải thiện chất lượng tài sản có nhiều khả năng tiếp diễn, đi kèm với khả năng ROE tăng trở lại khi tăng trưởng lợi nhuận được dự báo tích cực hơn trong 2025, kết hợp với chất xúc tác “nâng hạng thị trường” đối với các cổ phiếu vốn hóa lớn.

Trong danh mục khuyến nghị mới nhất mà VDSC mới cập nhật, có tới 3/11 mã là các cổ phiếu ngân hàng bao gồm CTG, ACB và VIB.

 3/11 mã nằm trong danh mục khuyến nghị mới nhất của VDSC là các cổ phiếu ngân hàng. Ảnh chụp màn hình, nguồn VDSC.

3/11 mã nằm trong danh mục khuyến nghị mới nhất của VDSC là các cổ phiếu ngân hàng. Ảnh chụp màn hình, nguồn VDSC.

Với CTG, nhóm phân tích lý giải luận điểm đầu tư là sự tăng trưởng lợi nhuận cao và ổn định. Dự phóng tăng trưởng LNTT (CAGR 2025F-2028F) của CTG đạt 21% nhờ chiến lược tài chính thận trọng hiệu quả. Cùng đó là trích lập dự phòng mạnh mẽ, trong bối cảnh sau khi có TGĐ mới (2020), CTG đã tăng cường trích lập dự phòng với chi phí tín dụng bình quân 1,9% từ 2021-2024, gấp ba lần so với trước đó. Ngoài ra là dự phóng chi phí tín dụng giảm về 1,4% từ 2025F-2028F nhờ nợ xấu giảm và nâng cao chất lượng tài sản. CTG được kỳ vọng sẽ cải thiện chất lượng tài sản với tỷ lệ nợ xấu dự kiến giảm về 1,1% và bộ đệm dự phòng đạt trên 200%. Về hiệu quả hoạt động, ROE của nhà băng này được dự phóng đạt 18% vào 2028F nhờ kiểm soát chất lượng tài sản và tận dụng môi trường vĩ mô thuận lợi.

Với những điểm trên đây, các chuyên gia cho rằng CTG xứng đáng có định giá cao hơn mức bình quân 5 năm (1,4x) nhờ cải thiện chất lượng tài sản và ưu thế thị phần.

Với ACB, điểm nhấn trong luận điểm đầu tư là hiệu quả sử dụng vốn. Theo nhóm phân tích VDSC, ACB thuộc nhóm dẫn đầu trong hệ thống ngân hàng nhờ khả năng sinh lời hấp dẫn, quản trị rủi ro tốt và chính sách chi trả cổ tức tiền mặt ổn định. Dự phóng ngân hàng này sẽ đạt tốc độ tăng trưởng kép lên tới 22% về tốc độ tăng LNTT trong giai đoạn 2025F-2028F, nhờ tín dụng tăng trưởng 18% từ phân khúc khách hàng cá nhân và cho vay doanh nghiệp, đồng thời dự phóng chi phí dự phòng tăng 10%. Ngoài ra về bức tranh chất lượng tài sản, dự phóng ACB sẽ ghi nhận tỷ lệ nợ xấu giảm mạnh xuống 0,1%-0,2% từ 2025F, tỷ lệ NPL giảm dưới 1%. Về chính sách cổ tức, ACB duy trì cổ tức tiền mặt 10%, ROE duy trì trên 23%, thuộc top đầu ngành ngân hàng.

Một cơ hội đầu tư khác thuộc nhóm ngân hàng cũng được VDSC khuyến nghị là cổ phiếu VIB. Các chuyên gia dự phóng LNTT 2025 của VIB sẽ đạt tăng trưởng 22% svck nhờ tình hình kinh tế cải thiện và dư nợ cho vay mua BĐS tăng. Trong dài hạn, dự phóng LNTT giai đoạn 2025F-2028F tăng trưởng kép 24,5% nhờ khả năng linh hoạt và chiến lược tín dụng bán lẻ hiệu quả. Về chính sách cổ tức và ROE: Duy trì cổ tức tiền mặt 10% và kỳ vọng ROE phục hồi từ 18% (2024) lên 24% (2028F), thuộc nhóm ngân hàng dẫn đầu.

VDSC cho rằng VIB có thể được tái định giá cao hơn nhờ việc tìm kiếm NĐT chiến lược nước ngoài, với định giá P/B trong các thương vụ gần đây dao động từ 2,3-2,5 lần.

Diên Vỹ

Nguồn Doanh Nhân VN: https://doanhnhanvn.vn/chua-tai-dinh-gia-ro-ret-sau-mua-bctc-co-phieu-ngan-hang-hien-van-re.html
Zalo