Chưa được tăng vốn điều lệ, 'ông lớn' đường cao tốc khó khăn huy động vốn
Để đầu tư các đường cao tốc, VEC chủ yếu vay vốn từ các nhà tài trợ quốc tế nên kết quả sản xuất kinh doanh phụ thuộc rất lớn vào sự biến động tỷ giá và lãi suất.
Các tuyến đường do Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) có lưu lượng tăng trưởng tốt đã góp phần vào kết quả sản xuất kinh doanh, lợi nhuận vượt so với kế hoạch đề ra của năm 2024.
Tuy nhiên, VEC vẫn đang chưa được tăng vốn điều lệ dẫn đến chưa hoàn thiện thủ tục giao tài sản là các đường cao tốc cho VEC, do vậy gặp khó khăn trong công tác huy động vốn.
Muốn được tăng vốn điều lệ
Theo báo cáo của VEC, tổng lưu lượng xe qua 4 tuyến cao tốc của VEC quản lý, khai thác trong năm 2024 dự kiến đạt 66 triệu lượt xe gồm: Cầu Giẽ-Ninh Bình 22,2 triệu lượt; Nội Bài-Lào Cai 18,3 triệu lượt; Thành phố Hồ Chí Minh-Long Thành-Dầu Giây 22,8 triệu lượt và Đà Nẵng-Quảng Ngãi 2,7 triệu lượt xe, tăng 10,7 % so với cùng kỳ năm 2023. Tổng doanh thu thu phí (không gồm VAT) dự kiến đạt 5.863,2 tỷ đồng, đạt 110% kế hoạch năm 2024, tăng 21,5% so với cùng kỳ năm 2023.
Với lưu lượng xe tăng trưởng tốt, doanh thu của toàn Tổng công ty năm 2024 ước đạt 6.735 tỷ đồng (đạt 107% kế hoạch năm 2024); lợi nhuận sau thuế đạt 668 tỷ đồng (đạt 103% kế hoạch năm), nộp ngân sách Nhà nước ước đạt 751 tỷ đồng (đạt 130% kế hoạch năm).
Trong năm vừa qua, VEC thu xếp khoảng 5.375,23 tỷ đồng để trả nợ gốc, lãi, phí khoản vay các khoản vay nước ngoài đến hạn (4.153 tỷ đồng) và trả nợ gốc trái phiếu Bộ Tài chính đã ứng trả nợ thay (1.222,21 tỷ đồng).
Bên cạnh việc thu xếp các nguồn vốn, VEC cũng thực hiện việc quản lý các nguồn vốn, tài sản theo đúng quy định của nhà nước, trong đó nguồn thu phí của các dự án được ưu tiên trả nợ cho các khoản vay đến hạn.
Để phát huy hiệu quả đầu tư và đảm bảo an toàn giao thông và nâng cao năng lực thông hành cho các tuyến cao tốc đã đưa vào khai thác, VEC đã xây dựng phương án đầu tư mở rộng Dự án cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh-Long Thành-Dầu Giây và trình cấp có thẩm quyền xem xét chấp thuận (phương án VEC huy động 100% vốn thực hiện); kiến nghị nhà nước bố trí ngân sách để đầu tư mở rộng cao tốc Nội Bài-Lào Cai đoạn Yên Bái-Lào Cai và Cầu Giẽ-Ninh Bình đoạn Đại Xuyên-Liêm Tuyền.
Cùng với đó, VEC đã trình Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp về phương án đầu tư bổ sung vốn điều lệ giai đoạn 2024-2026 cho VEC và đã được ủy ban trình Chính phủ kiến nghị phương án đầu tư bổ sung cho VEC đến hết năm 2026 là 38.251 tỷ đồng (tổng vốn điều lệ của VEC đến hết năm 2026 là 39.366 tỷ đồng).
Theo ông Phạm Hồng Quang, Tổng Giám đốc VEC, việc chưa được tăng vốn điều lệ dẫn đến chưa hoàn thiện thủ tục giao tài sản là các đường cao tốc cho Tổng công ty, do vậy gặp khó khăn trong công tác huy động vốn.
Cụ thể, để đầu tư các đường cao tốc, VEC chủ yếu vay vốn từ các nhà tài trợ quốc tế như JICA, ADB, WB bằng đồng USD hoặc Yên nên kết quả sản xuất kinh doanh phụ thuộc rất lớn vào sự biến động tỷ giá và lãi suất.
“Ngoài Dự án cao tốc Bến Lức-Long Thành VEC chịu trách nhiệm tự cân đối, bố trí số vốn đối ứng còn lại, các dự án khác chưa rõ phần vốn đối ứng sẽ tiếp tục được bố trí từ ngân sách Nhà nước hay VEC phải tự thu xếp,” ông Quang cho hay.
Thu xếp gần 5.700 tỷ đồng trả nợ khoản vay
Phía VEC đặt ra mục tiêu năm 2025, doanh thu ước đạt 6.936,5 tỷ đồng; lợi nhuận sau thuế đạt 701,5 tỷ đồng. Trong đó, doanh thu thu phí (không bao gồm VAT) ước đạt: 6.190,5 tỷ đồng.
Trong năm 2025, VEC hoàn thành làm việc với các cấp có thẩm quyền để được giao quản lý tài sản kết cấu hạ tầng đường bộ cao tốc tính thành phần vốn Nhà nước tại doanh nghiệp và tăng vốn điều lệ cho Tổng công ty.
VEC tiếp tục làm việc với các bộ ngành liên quan để bố trí kế hoạch vốn đầu tư công để tiếp tục thực hiện các dự án và thu xếp khoảng 5.657,3 tỷ đồng để trả nợ cho các khoản vay đến hạn (4.231,2 tỷ đồng) và hoàn trả phần gốc, lãi trái phiếu cho Bộ Tài chính (1.426,1 tỷ đồng).
Tổng công ty sẽ đẩy mạnh thực hiện Dự án cao tốc Bến Lức-Long Thành để hoàn thành toàn bộ các gói thầu thuộc đoạn phía Tây, đoạn phía Đông của dự án trước ngày 30/4/2025 và hoàn thành gói thầu J1 trước ngày 30/9/2025; tổ chức thi công gói thầu J3-1 và XL-NG51 trước tháng 4/2025 ngay sau khi hoàn thành công tác đấu thầu, trao hợp đồng.
Trên cơ sở chấp thuận của cấp có thẩm quyền, VEC hoàn thành chuẩn bị đầu tư và triển khai thực hiện mở rộng tuyến cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh-Long Thành-Dầu Giây, cao tốc Nội Bài-Lào Cai (đoạn Yên Bái-Lào Cai), cao tốc Cầu Giẽ-Ninh Bình (đoạn Đại Xuyên-Liêm Tuyền) và triển khai thực hiện sau khi đã hoàn thành tăng vốn điều lệ cho VEC.
Tổng công ty cũng đầu tư đồng bộ, hoàn thiện các khu dịch vụ, trạm dừng nghỉ tại cao tốc Đà Nẵng-Quảng Ngãi và Bến Lức-Long Thành; trang bị hệ thống kiểm soát tải trọng phương tiện trên toàn bộ các tuyến cao tốc.
Để hoàn thành kế hoạch sản xuất kinh doanh năm 2025, VEC đề nghị Chính phủ và Bộ Giao thông Vận tải xem xét, có ý kiến góp ý về phương án đầu tư bổ sung vốn điều lệ cho VEC theo đề xuất của Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp; quyết định điều chỉnh chủ trương đầu tư Dự án đường cao tốc Bến Lức-Long Thành./.