Chưa đáng lo ngại về vốn ngoại
Đà bán ròng của khối ngoại tiếp tục diễn ra mạnh mẽ, tập trung ở nhiều mã blue-chip, gây áp lực cho không ít nhà đầu tư, nhưng ở góc độ cơ quan quản lý, câu chuyện bán ròng, rút vốn của khối ngoại chưa phải hiện tượng đáng lo ngại.
Giá trị bán ròng lớn, nhưng chưa đáng lo
Tháng 6 vừa qua, sàn HOSE ghi nhận giá trị bán ròng của khối nhà đầu tư nước ngoài là gần 17.000 tỷ đồng. Lũy kế 6 tháng đầu năm 2024, giá trị bán ròng của khối ngoại xấp xỉ 52.134 tỷ đồng, gấp đôi mức bán ròng của cả năm 2022.
Trong số 20 phiên giao dịch của tháng 6 có đến 19 phiên khối ngoại bán ròng, mạnh nhất là phiên 11/6 ghi nhận hơn 1.847 tỷ đồng; phiên mua ròng duy nhất là ngày 5/6, giá trị gần 39 tỷ đồng.
Tính bình quân 6 tháng đầu năm nay, mỗi phiên khối ngoại bán ròng 300 - 400 tỷ đồng, không phải con số đáng lo ngại so với tỷ trọng giá trị giao dịch từng phiên trên toàn thị trường.
Ông Bùi Hoàng Hải, Phó chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cho biết, hiện nay, giá trị nắm giữ cổ phiếu của nhà đầu tư nước ngoài trên thị trường chứng khoán Việt Nam khoảng 46 - 49 tỷ USD, chiếm hơn 16% tổng vốn hóa thị trường. Việt Nam là thị trường có hạn chế về sở hữu nước ngoài, nhưng tỷ lệ sở hữu/vốn hóa của nhà đầu tư nước ngoài tại Việt Nam thuộc nhóm nhiều nhất khu vực Đông Nam Á.
Hiện tượng nhà đầu tư ngoại rút vốn trong thời gian qua không chỉ xảy ra ở Việt Nam, mà còn ở nhiều thị trường khác như Trung Quốc, Indonesia, Thái Lan… Ông Hải phân tích, lãi suất đồng USD duy trì ở mức cao, đồng Việt Nam và nhiều đồng tiền trong khu vực mất giá. Một số quỹ đầu tư thay đổi kế hoạch, chiến lược để đầu tư vào thị trường có cơ hội lớn hơn trong ngắn hạn.
Giá trị nắm giữ cổ phiếu của nhà đầu tư nước ngoài trên thị trường chứng khoán Việt Nam hiện khoảng 46 - 49 tỷ USD, chiếm hơn 16% tổng vốn hóa thị trường.
Thị trường chứng khoán Việt Nam tăng khoảng 10% trong 6 tháng đầu năm 2024 và có định giá tương đối cao so với khu vực, nên một bộ phận nhà đầu tư ngoại “chốt lãi” ngắn hạn. Số liệu cho thấy, giá trị bán ròng của khối ngoại không bằng giá trị số cổ phiếu tăng giá. Thực tế, các quỹ đầu tư vào thị trường mới nổi cần duy trì tỷ trọng theo thị trường. Khi giá trị thị trường tăng lên, họ sẽ bán cổ phiếu để đảm bảo tỷ trọng, mục tiêu đầu tư của quỹ. Ngoài ra, một số quỹ có thể đến thời gian đóng quỹ.
“Do vậy, câu chuyện bán ròng, rút vốn của khối ngoại chưa phải hiện tượng đáng lo ngại”, ông Hải nhấn mạnh.
Về dòng vốn ngoại tại châu Á, thị trường Nhật Bản bị rút ròng khoảng 1.700 tỷ đồng trong tháng 6/2024. Ở khu vực Đông Nam Á, dòng tiền đầu tư tiếp tục bị rút ròng ở hầu hết các thị trường. Ngược lại, dòng vốn ngoại có xu hướng “chảy” vào thị trường Đài Loan (Trung Quốc), Ấn Độ, Hàn Quốc. Đặc biệt, một lượng tiền lớn được đổ vào các quỹ ETF tại Mỹ, với gần 54,4 tỷ USD tính riêng tuần từ ngày 16 - 21/6, trong đó các quỹ đầu tư cổ phiếu thu hút hơn 46 tỷ USD, đánh dấu lượng huy động ròng nhiều nhất kể từ đầu quý II/2024.
Bệ đỡ thị trường tích cực hơn
Theo ông Nguyễn Đức Chi, Thứ trưởng Bộ Tài chính, bệ đỡ quan trọng nhất của thị trường chứng khoán là kinh tế vĩ mô, cũng như tính ổn định của nền kinh tế. Kinh tế Việt Nam trước những khó khăn, biến động của thế giới vẫn giữ ổn định trong những năm qua, hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp niêm yết được duy trì, thị trường có triển vọng sớm được nâng hạng…
“Đây đó có quỹ này, quỹ kia thay đổi do cách quản trị. Việc các quỹ nước ngoài có sự điều chỉnh, cơ cấu danh mục đầu tư là bình thường. Những nhà đầu tư rút ra có thể sẽ tiếc nuối và quay lại với nhiều tiền hơn. Cần phân tích bản chất của hiện tượng để có sự nhìn nhận toàn diện, để không có những ảnh hưởng không đáng có trên thị trường”, ông Chi nói.
Khối ngoại bán ròng mạnh trên HOSE, nhưng mua ròng gần 75 tỷ đồng trên HNX trong tháng 6 vừa qua, đánh dấu tháng thứ 4 mua ròng liên tiếp. Do giá trị giao dịch trên HNX thấp nên con số đó như “muối bỏ biển” so với HOSE.
Nhìn lại năm 2021, khối ngoại bán ròng mạnh nhất, hơn 56.000 tỷ đồng, nhưng khi nguồn lực của nhà đầu tư nội được kích hoạt, chảy mạnh vào chứng khoán, thị trường đã hấp thụ hết lượng bán ra của khối ngoại và tăng điểm. Thị trường chứng khoán Việt Nam trong năm 2021 giao dịch sôi động với những kỷ lục mới được thiết lập, cả về thanh khoản và điểm số.
Là một trong những quỹ ngoại chiến thắng tại thị trường Việt Nam, PYN Elite chia sẻ quan điểm tích cực dựa trên sự tăng trưởng lợi nhuận của các doanh nghiệp niêm yết và những yếu tố khác có thể củng cố tâm lý của các nhà đầu tư.
Ông Petri Deryng, người đứng đầu Quỹ PYN Elite kỳ vọng, việc Mỹ sắp giảm lãi suất sẽ giảm bớt áp lực cho đồng Việt Nam, yếu tố vốn đã có tác động tiêu cực đến thị trường chứng khoán. Quy định phải ký quỹ 100% tiền trước khi mua của các nhà đầu tư tổ chức nước ngoài có thể được bãi bỏ trong quý III này. Ngoài ra, lãi suất dự kiến duy trì ở mức thấp, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Trong danh mục của PYN Elite, tỷ trọng cổ phiếu ngân hàng hiện ở mức cao, chiếm 48%. Giá trị tài sản ròng của Quỹ tăng mạnh do tăng tỷ trọng cổ phiếu công nghệ từ sớm.
Ông Bùi Hoàng Hải, Phó chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước
Dự thảo đầu tiên của Thông tư sửa đổi, bổ sung Thông tư 120/2020/TT-BTC đề xuất nhà đầu tư tổ chức nước ngoài có thể giao dịch không cần ký quỹ 100% tiền đã được Bộ Tài chính hoàn thành và công bố trên website của Bộ vào tháng 3/2024. Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đã tổ chức họp với các cơ quan liên quan và các thành phần thị trường qua các cuộc thảo luận. Các giải pháp đưa ra có tính khả thi và hiện đã hoàn thành 90%.
Hiện Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đã có dự thảo cuối cùng về Thông tư và trình lên Bộ Tài chính, sau khi Bộ Tài chính có kết luận sẽ đăng tải lên website, dự kiến trong tuần này hoặc tuần sau.
Trong dự thảo mới, điểm sửa đổi lớn nhất là yêu cầu nhà đầu tư phải có tiền vào khoảng 9h00 - 9h30 của ngày T+2, thay vì ngày giao dịch T+1. Điểm này về cơ bản đáp ứng được các tiêu chí theo tiêu chuẩn quốc tế, tức là thời điểm nộp tiền và cổ phiếu về tài khoản chỉ chênh nhau ngắn và thực hiện luôn trong ngày.