Chưa cho phép cá nhân, tổ chức khai thác lâm sản phụ từ rừng
'Ngành chức năng cũng như Sở đang có phương án quản lý rừng bền vững… chưa cho phép tổ chức, cá nhân nào vào rừng khai thác lâm sản phụ'. Đây là thông tin từ Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Bình Thuận.
Những ngày qua trên địa bàn xã Mỹ Thạnh, huyện Hàm Thuận Nam, tỉnh Bình Thuận rộ thông tin, ngành chức năng đã cấp phép cho tổ chức, cá nhân vào rừng khai thác lâm sản phụ. Anh NVT, một người dân Mỹ Thạnh chia sẻ: “Tôi có nhận được thông tin này, nghe một người đàn ông nói đang nhờ người đứng ra làm giấy tờ với tỉnh, huyện để khai thác lâm sản phụ ở tiểu khu làm dự án hồ Ka Pét. Nếu được tỉnh, huyện cho phép khai thác lâm sản phụ sẽ mang lại công ăn việc làm cho người dân”.
Trước thông tin trên, Ban Quản lý rừng phòng hộ Sông Móng – Ka Pét, trực tiếp là Trạm bảo vệ rừng Bom Bi thuộc Ban, nơi chưa nhận được văn bản nào từ tỉnh, huyện cho phép tổ chức, cá nhân vào rừng khai thác lâm sản phụ, đã làm việc với UBND xã Mỹ Thạnh về vấn đề trên. Đồng thời đề nghị UBND xã đăng thông báo về việc người dân không nghe theo thông tin sai sự thật vào rừng khai thác lâm sản phụ, để người dân nắm bắt và cảnh giác.
“Ban Quản lý rừng phòng hộ Sông Móng – Ka Pét, thông báo đến toàn thể bà con nhân dân xã Mỹ Thạnh. Thời gian qua có một số đối tượng xấu ngoài địa phương vào địa bàn xã Mỹ Thạnh tuyên truyền thông tin đã được cơ quan chức năng cấp giấy phép khai thác lâm sản phụ như tre, le, song mây… Ban quản lý thông báo tới toàn thể bà con, đây là tin đồn sai sự thật. Đề nghị bà con trong xã không nghe theo, tự ý vào rừng khai thác lâm sản phụ trái phép. Mong bà con nhân dân trong xã cũng như hộ nhận khoán bảo vệ rừng phối hợp với Trạm bảo vệ rừng quản lý, bảo vệ tốt rừng”, Trạm bảo vệ rừng Bom Bi đề nghị.
Thông báo trên liên tục phát trên loa phát thanh của xã những ngày qua. Ông Trần Ngọc Quảng – Phó Chủ tịch UBND xã Mỹ Thạnh cho biết, UBND xã chưa nhận được văn bản nào của tỉnh cũng như huyện cấp phép cho tổ chức, cá nhân khai thác lâm sản phụ ở rừng. Chúng tôi đã đề nghị cấp trên thông tin kịp thời vấn đề này đến bà con để không vào rừng chặt tre, le bán, ảnh hưởng đến việc quản lý, bảo vệ rừng.
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Bình Thuận cho biết, Sở cũng như ngành chức năng chưa cấp phép cho cá nhân, tổ chức nào vào rừng khai thác lâm sản phụ. Hiện nay đang có phương án quản lý rừng bền vững theo phương thức quản trị rừng bảo đảm đạt được các mục tiêu bảo vệ và phát triển rừng, không làm suy giảm các giá trị và nâng cao giá trị rừng, cải thiện sinh kế, bảo vệ môi trường, góp phần bảo đảm quốc phòng - an ninh... Theo đó, để cấp phép khai thác lâm sản phụ từ rừng thì phải qua quá trình làm thủ tục, trình tự, thẩm định, lấy ý kiến phê duyệt nghiêm ngặt mới được khai thác.
Được biết, trước đây rừng phòng hộ Sông Móng – Ka Pét đã được ngành chức năng cho phép một đơn vị vào rừng khai thác lâm sản phụ. Nhưng thời điểm ấy quản lý không chặt chẽ để xảy ra tình trạng khai thác lâm sản phụ theo kiểu “tận diệt”, nghĩa là khai thác cả những cây con chưa đúng độ tuổi khai thác; mâu thuẫn giữa hộ giao khoán bảo vệ rừng với lao động của đơn vị khai thác; đường vào rừng bị xe của đơn vị khai thác vận chuyển lâm sản phụ làm hư hỏng nặng... Người dân bức xúc phản ánh nhiều lần trong các cuộc tiếp xúc cử tri của đại biểu Quốc hội, nên buộc phải dừng khai thác.
Thời gian qua công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng trên địa bàn tỉnh nói chung đã đạt được nhiều kết quả quan trọng. Rừng được bảo vệ và phát triển ổn định. Tuy nhiên qua theo dõi nắm bắt thông tin, ở một số nơi, tình trạng lén lút phá rừng, khai thác lâm sản, lấn chiếm trái phép đất lâm nghiệp vẫn còn xảy ra.
Để chủ động thực hiện có hiệu quả các biện pháp bảo vệ rừng, ngăn chặn tình trạng phá rừng, cháy rừng và khai thác rừng trái pháp luật, Sở Nông nghiệp và PTNT yêu cầu thủ trưởng các Ban quản lý rừng phòng hộ, đặc dụng, các Công ty TNHH MTV lâm nghiệp chỉ đạo củng cố lực lượng bảo vệ rừng, phòng cháy chữa cháy rừng của đơn vị có hiệu quả. Cụ thể, có biện pháp ngăn chặn không để tình trạng khai thác gỗ trái phép tiếp diễn trong lâm phần được giao; kiểm tra rừng, truy quét, đẩy đuổi “lâm tặc” ra khỏi lâm phần; tăng cường công tác bảo vệ rừng tại gốc. Đồng thời thường xuyên nắm thông tin, diễn biến trong lâm phần để có biện pháp ngăn chặn hành vi vi phạm. Thủ trưởng đơn vị chủ rừng nào để xảy ra các hành vi vi phạm pháp luật về lâm nghiệp, hành vi lấn chiếm đất rừng trên lâm phận được giao quản lý mà không có biện pháp ngăn chặn thì phải chịu trách nhiệm trước pháp luật. Sở Nông nghiệp và PTNT cũng đề nghị UBND các huyện, thị xã, thành phố chỉ đạo chính quyền các xã trên địa bàn thực hiện nghiêm túc trách nhiệm quản lý nhà nước về rừng và đất lâm nghiệp theo quy định...