Chùa Bảo Ninh Sùng Phúc và tấm bia đá gần nghìn năm tuổi

Chùa Bảo Ninh Sùng Phúc tọa lạc ở thôn Bảo Ninh, xã Yên Nguyên, huyện Chiêm Hóa, tỉnh Tuyên Quang. Chùa có địa thế cao ráo, xung quanh rợp bóng cây xanh tốt, tạo không khí bình yên, thanh tịnh nhưng cũng rất trang nghiêm.

Chùa Bảo Ninh Sùng Phúc tọa lạc ở thôn Bảo Ninh, xã Yên Nguyên, huyện Chiêm Hóa, tỉnh Tuyên Quang. Chùa có địa thế cao ráo, xung quanh rợp bóng cây xanh tốt, tạo không khí bình yên, thanh tịnh nhưng cũng rất trang nghiêm.

Chùa được xây dựng vào năm 1107 dưới thời vua Lý Nhân Tông (1072 - 1127). Chùa Bảo Ninh Sùng Phúc do Thái phó Hà Hưng Tông (1069 - ?), còn có tên là Hà Di Khánh, tri châu Vị Long khởi công xây dựng năm Đinh Hợi, niên hiệu Long Phù thứ 7 (1107).

Thời Lý, để bảo đảm an ninh biên giới, vua cùng các đại quan thường đích thân chỉ huy nhiều cuộc tuần tra kiểm soát vùng biên ải; tiến hành hoạt động ngoại giao, kiên quyết giữ vững độc lập chủ quyền, chống xâm lấn biên giới, giữ gìn an ninh trật tự vùng giáp biên.

Cổng Tam quan chùa Bảo Ninh sùng Phúc. Ảnh sưu tầm

Cổng Tam quan chùa Bảo Ninh sùng Phúc. Ảnh sưu tầm

Theo sử sách, Cao tổ của dòng họ Hà ở châu Vị Long là Hà Đắc Trọng quê ở châu Ung (nay thuộc tỉnh Quảng Tây, Trung Quốc), sang châu Vị Long sinh sống, được người đời tôn quý và kính trọng do có công giữ gìn an toàn cho vùng đất và giúp dân ấm no. Hà Đắc Trọng được làm thái thú của vương triều nước ta. Trải qua các đời, dòng họ Hà được vua giao cho những trọng trách quan trọng, được vua Lý Thái Tổ (Lý Công Uẩn) gả công chúa thứ ba nhằm lấy tinh thần gia tộc để ràng buộc, thắt chặt khối đại đoàn kết dân tộc. Cuộc hôn nhân giữa người con của họ Hà (sau này là ông nội của Hà Hưng Tông) với công chúa thứ ba của vua Lý Thái Tổ đã sinh ra thân phụ của Hà Hưng Tông.

Năm Ất Mão niên hiệu Thái Ninh (1075) nhân việc vua Lý Nhân Tông (Lý Càn Đức) lên nối ngôi còn nhỏ tuổi (lên ngôi từ năm 1072 khi mới 7 tuổi), nhà Tống gấp rút tập trung binh mã tại các trấn thành biên giới, chuẩn bị xây dựng thành quách, trung tâm là thành Ung Châu rắp tâm thôn tính nước ta. Trước tình hình như vậy, triều đình nhà Lý sắp xếp lại chức vụ của các đại thần, cử Lý Đạo Thành chuyên lo công việc nội chính, giao cho Lý Thường Kiệt chuyên trách công việc binh bị để chống giặc.

Nhận được lệnh của nhà vua, Phụ quốc Thái úy Lý Thường Kiệt cho rằng: “Ngồi yên đợi giặc không bằng đem quân ra trước để chặn thế mạnh của giặc”. Thực hiện chủ trương "tiên phát chế nhân" này, Lý Thường Kiệt quyết định mở cuộc tấn công quy mô sang đất Tống. Ông thống lĩnh hơn 10 vạn quân, chia làm hai đạo thủy bộ tấn công vào cửa biển Khâm Châu - Liêm Châu và thành Ung Châu. Cùng với quân lính các dân tộc thiểu số của các tù trưởng khác như Tông Đản, Thân Cảnh Phúc, Hoàng Kim Mân..., binh mã châu Vị Long do thân phụ của Thái phó Hà Hưng Tông chỉ huy đã lập công lớn trong đạo quân này.

Sau khi chiếm được thành Ung Châu, tiêu diệt lực lượng địch, tiêu hủy các kho tàng lương thực, “bắt tướng võ, dâng tù binh”, nhiệm vụ triệt phá các căn cứ xâm lược đã hoàn thành, Lý Thường Kiệt ra lệnh rút quân về nước. Thân phụ Thái phó Hà Hưng Tông được vua ban chức Đoàn luyện sứ tước Hữu đại liêu ban.

Chính điện chùa Bảo Ninh Sùng Phúc. Ảnh sưu tầm

Chính điện chùa Bảo Ninh Sùng Phúc. Ảnh sưu tầm

Hà Hưng Tông là con thứ tư, mẹ là Lý Thị. Nhờ công lao của cha, và cũng vì Hà Hưng Tông là cháu ngoại của vua Lý Thái Tổ, nên Hà Hưng Tông được vua Lý Nhân Tông đón về Kinh (1078), cho kết duyên cùng công chúa Khâm Thánh (em gái vua Lý Nhân Tông). Ông về Thăng Long đến năm Nhâm Tuất (1082), rồi đưa vợ về quê ở châu Vị Long. Về mối nhân duyên này, sách Đại Việt sử ký toàn thư có chép: "Mùa xuân, năm Nhâm Tuất (1082), (vua) đem công chúa Khâm Thánh gả cho châu mục châu Vị Long là Hà Di Khánh (Hà Hưng Tông)" (Đại Việt sử ký toàn thư, Tập I, Nxb Khoa học Xã hội, H.1971, tr. 240).

Năm Bính Dần (1086), Lý Nhân Tông xuống chiếu cho Hà Hưng Tông được nối chức của cha làm tri châu Vị Long, tước Tả đại liêu ban kim tử Vinh Lộc đại phu, hàm Thái phó.

Được nhà vua ban chức tước, gia đạo đề huề, dân bản ấm no, đất nước thanh bình, để tỏ chữ hiếu với tổ tiên, lòng ham đạo Phật, Thái phó Hà Hưng Tông đã chọn nơi đất tốt, thợ giỏi để xây chùa Bảo Ninh Sùng Phúc với quy mô bề thế để mọi người tâm thanh lòng tịnh đến nguyện cầu cho quốc thái dân an, mọi điều may mắn tốt lành.

Chùa hiện còn đang lưu giữ một bảo vật quốc gia có ý nghĩa và giá trị lịch sử vô cùng to lớn đó là bia đá chùa Bảo Ninh Sùng Phúc, tài liệu thành văn cổ nhất phát hiện được trên đất Tuyên Quang và là một trong số rất ít các di vật thời Lý còn được nguyên vẹn cho tới ngày nay.

Bia chùa Bảo Ninh Sùng Phúc được xây dựng năm 1107 dưới thời vua Lý Nhân Tông. Người đứng ra chỉ đạo tạc bia, dựng chùa là Thái phó Hà Hưng Tông (Hà Di Khánh), châu mục châu Vị Long. Người soạn văn bia là Lý Thừa Ân, sống dưới hai triều vua Lý Nhân Tông (1072 – 1127) và Lý Thần Tông (1128-1138) làm quan với chức Triều thỉnh đại phu, Thượng thư viên ngoại lang. Văn bia được soạn theo lệnh của Hà Di Khánh, là nhân vật (Thái phó) được nhắc đến trong bia. Bên cạnh phần giáo lý đạo Phật, nội dung bia nói về gia thế của dòng họ Hà từng 15 đời làm làm Châu mục châu Vị Long (tức huyện Chiêm Hóa ngày nay), hai người làm quan đến chức Thái bảo và Thái phó. Một trong hai người đó là Hà Di Khánh.

Tấm bia chùa Bảo Ninh Sùng Phúc được tạc bằng đá xanh nguyên khối. Bia có chiều cao 1,39m rộng 0,8m và dày 0,18m. Bia được đặt trên lưng một con rùa đá; rùa có chiều dài 1,50m, rộng 0,9m và cao 0,32m, cổ và đầu rùa dài 0,38m. Phần chân bia dài 0,59m; rộng 0,09m cắm vào lưng rùa. Rùa được đặt trên mặt đất, 4 chân tạc nổi, mỗi chân có 5 móng, đuôi rùa mỏng được tạc uốn cong; đầu rùa ngẩng cao, vẻ uy nghi đường bệ. Toàn thân rùa được chạm trổ tinh tế, mềm mại, hình khối cân đối và vững chãi. Lưng rùa nhẵn và tròn trịa, giữa lưng có đục một mộng ghép hình chữ nhật để ghép chân bia. Diềm bia trang trí bằng các hoa văn kiểu hoa mướp cách điệu uyển chuyển và liên hoàn, hai bên cạnh bia trang trí hình rồng, các hình tròn bên trong có hình cánh hoa sen xen kẽ nhau nằm trong một hình tròn lớn. Trán bia khắc dòng chữ lớn: "Bảo Ninh Sùng Phúc tự bi".

Văn bia khắc kín phần thân bia. Hai góc của trán bia khắc hình 2 con rồng với đặc trưng nổi bật của rồng thời Lý. Thân rồng hình tròn trịa có nhiều khúc uốn lượn, thân dài và nhỏ dần về phía đuôi, rồng uốn khúc nhẹ nhàng thanh thoát với nhiều hình tròn được nối với nhau thành một chuỗi dài liên tiếp. Đầu rồng cân đối với thân rồng và có bờm khá dài ở sau gáy. Hai con rồng chầu hai bên trán bia đều ở tư thế nhìn nghiêng và giống hệt nhau cả về kích thước cũng như kiểu dáng. Làm nền cho hình tượng rồng là các hoa văn hình vân mây và một số hoa văn hình chữ S, biểu hiện ý niệm về mây mưa, sấm chớp với mong muốn mưa thuận gió hòa, nhân tố thiết yếu đối với nền kinh tế nông nghiệp. Hình tượng con rồng cũng phản ánh ý thức sùng bái tổ tiên của người Việt (truyền thuyết con rồng, cháu tiên). Chân bia được trang trí bằng các hoa văn hình sông nước nối tiếp nhau. Toàn bộ bia toát lên dáng vẻ vững vàng, bền chắc về hình khối, văn bia chạm khắc sắc sảo nét chữ chân phương, đường nét trang trí tinh xảo, mềm mại và mang những đặc trưng của nghệ thuật điêu khắc, trang trí thời Lý.

Bia đá cổ tại chùa Bảo Ninh Sùng Phúc. Ảnh sưu tầm

Bia đá cổ tại chùa Bảo Ninh Sùng Phúc. Ảnh sưu tầm

Nội dung văn bia gồm 25 dòng với 1130 chữ, phần mở đầu được dịch như sau:

"Ôi! Cái chân không trong lặng, giấu hình khi trời đất chưa chia, cái diệu hữu nảy sinh, bao trùm trước hữu hình vận động. Sáng thì gạt bỏ cái "không", vì cơ vi chẳng phải là không; mê thì bám lấy cái "có", coi mầu nhiệm cũng là không có. Xa nghĩ đức Phật tổ xa, trí tuệ của người xem xét tất cả không sót một ai. Cho nên người: Giấu kín cái "thực", làm rõ cái "quyền", để gọi bảo cái đạo "thường", "vui" mãi mãi, từ cái "không" đi vào cái "có", để giúp cho sự hồi hướng giải thoát đời đời. Khéo mở ra muôn vạn pháp môn; để dạy bảo muôn nghìn thế giới. Lênh đênh dòng nước trời Tây vời vợi suối nguồn Chu Mục. Bắt đầu xây dựng chùa này, hết dạ tôn sùng tượng giáo. Người xa khuyên bảo, đổi mới không ngừng, hậu thế lưu truyền, đời đời nối dõi. Kẻ có duyên thì cải nén đầu kim, người không hiểu thì nước trôi xô đá".

Tiếp đó văn bia nói về Thái phó Hà Hưng Tông, từ thủy tổ đến ông cha của quan Thái phó có công lao đối với châu Vị Xuyên và triều đình nhà Lý. Sau đó, Thái phó Hà Hưng Tông được vua ban chức tước và gả công chúa Khâm Thánh cho:

"... Năm Đinh Tỵ niên hiệu Anh Vũ Chiêu Thắng (1077), bấy giờ Thái phó mới lên chín tuổi, chiếu gắn hồ son vời về sân đỏ; sổ tiên lựa chọn, kết bạn em vua. Nhưng vì Thái phó còn nhỏ, nên xin về nấp bóng mẹ cha. Đến tháng Giêng năm Mậu Ngọ (1078), Thái phó mới lên mười tuổi. Nhà vua lại sai quan Nội phụ Văn tư lang trung là Kiều Nghĩa ngầm mang thánh chỉ, thẳng tới ấp phong, đón trẻ thơ nơi xa vắng, cho gang tấc gần gũi mặt rồng, để kết duyên với công chúa Khâm Thánh và phong là Tả Đại liêu ban. Than ôi! Giữ lễ tiết trang nhã; sửa dung mạo đoan trang, nâng khuê bích nguy nga; vận lễ phục rực rỡ.

Cuối đông năm Nhâm Tuất (1082), vua tiễn đư¬a công chúa về nhà chồng ở bản châu. Nhà vua tiệc mừng long trọng; Thái phó sắm đủ lễ đón dâu. Ăn mặc đủ màu, dân chúng xem đông như hội; năm cung sáu viện, chị em đư¬a tiễn rợp đường. Đạo thất gia chưa vẹn, tình xướng họa chưa lâu, bỗng năm Ất Sửu niên hiệu Quảng Hựu (1085) mẹ cha đều mất, công chúa tang tóc. Đến năm Bính Dần (1086); nhà vua xuống chiếu cho Thái phó được nối chức cha, vẫn giữ tước cũ là Tả Đại liêu ban, lại ban thêm Tri châu Vị Long, giữ Tiết độ sứ, Kim tử quang lộc đại phu, Kiểm Hiệu Thái phó. (Thế là) được quyết định chính sự bắt đầu từ tằng tổ, sau đó cứ lần lượt thay nhau xuống mãi đến Hưng Tông, tất cả mười lăm đời"...

Văn bia nói về việc Thái phó cho dựng ngôi chùa này:

"Cho nên cuối xuân năm Đinh Hợi niên hiệu Long Phù Nguyên hóa (1107), Thái phó dẫn dắt hương lão, xem hướng ở góc quận, chọn đất phía nam Hán Lộc, giáp bên mạn bắc Mẫu Cung làm nơi dựng chùa. Cùng đem rìu búa, phát xén rừng mây. Lại chọn thợ hay, dựng xây đền tía. Đẽo gỗ rừng chan chát, chuyển quang sọt rộn ràng, xà uốn cong cong ngỡ cầu vồng bắc nhịp; mái hiên xòe cánh như chim chóc tung bay. Nhà trắng bao quanh, Tam ma địa gần gũi; tượng vàng đặt giữa. Ngũ tịnh thiên khác nào Trầm hương nghi ngút, bốc tới trời mây, chuông khánh nhịp nhàng, vang lừng hang động. Hoa thông xanh tốt, chiếm mãi gió từ, cờ phướn quy y, bỏ xa nhà lửa. Nguyện chúc Hoàng thượng ngự ngôi báu đời đời, giữ gương huyền mãi mãi. Phận dẫu chỉ là bày tôi giữ đất, vẫn mang trí mong muốn được gần trời. Thứ chúc quận quân, nương đạo cùng con gái, con trai; gái thì trọn đạo vu quy, đá vàng chung thủy; trai thì hết lòng phụng dưỡng, tùng bách xanh tươi. Cuối cùng kính chúc các vị tổ tiên, đều hưởng công ơn diệu quả; đầy đàn con cháu, tắm chung ân huệ lương duyên".

Cuối văn bia là bài minh gồm 32 câu; tóm lược lại toàn bộ bài ký trước đó, được trình bày dưới dạng văn vần, mỗi câu 4 chữ, khá lớp lang, có vần điệu.

Sự kiện dựng chùa thờ Phật tại một nơi xa xôi hẻo lánh như châu Vị Long chứng tỏ rằng dưới triều Lý, kinh tế miền núi phát triển mạnh. Đồng thời, sự giao lưu văn hóa với miền xuôi cũng được chính quyền đương thời quan tâm. Người đại diện cho chính quyền là dòng họ Hà, suốt 15 đời làm châu mục châu Vị Long, dòng họ này đã có nhiều công lao trong việc giữ vững an ninh và xây dựng kinh tế, phát triển văn hóa ở một vùng đất rừng núi giáp biên giới. Điều này cũng thể hiện triều đình nhà Lý đã thành công trong việc tập hợp khối đoàn kết dân tộc trong công cuộc bảo vệ cũng như xây dựng Tổ quốc.

Bia chùa Bảo Ninh Sùng Phúc cũng là minh chứng cho sự giao lưu văn hóa rộng rãi giữa miền núi với miền xuôi, là nguồn tư liệu quý giá trong việc nghiên cứu các vấn đề về lịch sử, chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội... của vùng đất Tuyên Quang nói riêng và Việt Nam nói chung dưới chế độ phong kiến tập quyền.

Hiện nay, bên cạnh tấm bia cổ có thêm tấm bia mới, nội dung văn bia mới chính là nội dung tấm bia cổ được dịch ra chữ quốc ngữ để tiện cho du khách tham quan, tìm hiểu. Năm 2007, văn bia chùa Bảo Ninh Sùng Phúc được công nhận là Bảo vật quốc gia. Tháng 12 năm 2023, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã quyết định xếp hạng Di tích quốc gia đối với chùa Bảo Ninh Sùng Phúc. Bia và chùa Bảo Ninh Sùng Phúc không chỉ là báu vật, di tích quốc gia cần được gìn giữ, bảo tồn và phát huy, mà còn trở thành điểm du lịch văn hóa, tâm linh thu hút đông đảo du khách thập phương đến chiêm bái, tham quan, vãn cảnh.

Tác giả: Đặng Việt Thủy

Đường Hoàng Hoa Thám, phường Thụy Khuê, quận Tây Hồ, Hà Nội.

Nguồn Tạp chí Phật học: https://tapchinghiencuuphathoc.vn/chua-bao-ninh-sung-phuc-va-tam-bia-da-gan-nghin-nam-tuoi.html
Zalo