Chú trọng xây dựng văn hóa an toàn lao động tại nơi làm việc

Tại hội thảo bàn về xây dựng văn hóa an toàn lao động tại nơi làm việc, Phó Trưởng Ban Quan hệ lao động (Tổng LĐLĐ Việt Nam) nhấn mạnh cần chú trọng và ưu tiên biện pháp phòng ngừa.

Ngày 27-12, Tổng Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) Việt Nam tổ chức hội thảo góp ý dự thảo Đề án “Công đoàn tham gia xây dựng, thúc đẩy văn hóa an toàn lao động tại nơi làm việc”.

Hội thảo nhằm thúc đẩy xây dựng văn hóa an toàn lao động tại nơi làm việc; phòng ngừa tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp cho người lao động, góp phần xây dựng quan hệ lao động hài hòa...

Chú trọng phòng ngừa tai nạn lao động

Phát biểu tại hội thảo, bà Hồ Thị Kim Ngân, Phó Trưởng Ban Quan hệ lao động (Tổng LĐLĐ Việt Nam) cho biết giai đoạn 2013-2024, Việt Nam đã xảy ra gần 100.000 vụ tai nạn lao động, khiến hơn 100.000 người bị thương, gần 10.000 người tử vong và khoảng 25.000 người bị tàn phế.

“Trung bình hàng năm, có khoảng 7.000 người lao động được chẩn đoán mắc bệnh nghề nghiệp, trong đó có 500 trường hợp được giám định bệnh nghề nghiệp.

Một vấn đề đáng lo ngại khác là tình trạng sức khỏe tâm lý, khi Việt Nam hiện có khoảng 1 triệu người lao động bị trầm cảm, rối loạn lo âu; khoảng 40.000 người tử vong mỗi năm vì các vấn đề liên quan đến sức khỏe tâm thần” - bà Ngân cho hay.

 Bà Hồ Thị Kim Ngân, Phó Trưởng Ban Quan hệ lao động (Tổng LĐLĐ Việt Nam) chia sẻ tại hội thảo. Ảnh: HẢI NHI

Bà Hồ Thị Kim Ngân, Phó Trưởng Ban Quan hệ lao động (Tổng LĐLĐ Việt Nam) chia sẻ tại hội thảo. Ảnh: HẢI NHI

Trước tình trạng này, bà Ngân cho rằng việc bảo vệ sức khỏe người lao động và phòng ngừa tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp phải được chú trọng, đặc biệt ưu tiên biện pháp phòng ngừa.

Theo bà Ngân, mặc dù các quy định về vấn đề này đã được đề cập trong các chủ trương, chính sách và pháp luật, nhưng hiện nay, nhiều địa phương, ngành và doanh nghiệp vẫn chưa thực sự chú trọng. Các bước thực hiện việc nghiên cứu, ban hành và hướng dẫn đầy đủ về xây dựng văn hóa an toàn lao động tại nơi làm việc vẫn chưa được triển khai và hướng dẫn.

“Bộ máy làm công tác an toàn, vệ sinh lao động trong hệ thống công đoàn hiện nay còn mỏng. Phần lớn các công việc này đều được kiêm nhiệm cùng với nhiều nhiệm vụ khác của tổ chức công đoàn, nhất là tại công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở.

Cạnh đó, tư duy và nhận thức của lãnh đạo, người sử dụng lao động ở nhiều doanh nghiệp, đơn vị còn thiếu quan tâm, thậm chí coi nhẹ việc xây dựng văn hóa an toàn lao động. Doanh nghiệp chưa tạo điều kiện và phối hợp hiệu quả với công đoàn cơ sở để cải thiện điều kiện làm việc, xây dựng môi trường làm việc an toàn” - bà Ngân nhấn mạnh.

Trách nhiệm của công đoàn

Bà Hồ Thị Kim Ngân, Phó Trưởng Ban Quan hệ lao động (Tổng LĐLĐ Việt Nam) cho hay trong thời gian tới, công đoàn cần tổ chức các diễn đàn giữa doanh nghiệp và người lao động để đánh giá và xếp hạng các doanh nghiệp trong việc triển khai văn hóa an toàn lao động.

Các cơ quan chức năng cần hoàn thiện cơ chế, chính sách, pháp luật để khuyến khích và hỗ trợ doanh nghiệp xây dựng văn hóa an toàn lao động. Đồng thời, công đoàn cần giám sát, đánh giá và kịp thời điều chỉnh những khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai Đề án "Công đoàn tham gia xây dựng, thúc đẩy văn hóa an toàn lao động tại nơi làm việc ở các địa phương, ngành và cơ sở".

Do đó, cần bố trí đủ nguồn lực và tăng cường huy động sự tham gia của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước để xây dựng và thúc đẩy văn hóa an toàn lao động tại nơi làm việc” - bà Ngân nhấn mạnh.

Cũng tại hội thảo, ông Huỳnh Văn Tuấn, Trưởng Ban Tuyên giáo LĐLĐ TP.HCM cho biết phần lớn công nhân lao động tại thành phố chiếm hơn 60% là người ngoại tỉnh.

 Ông Huỳnh Văn Tuấn, Trưởng Ban Tuyên giáo LĐLĐ TP.HCM. Ảnh: HẢI NHI

Ông Huỳnh Văn Tuấn, Trưởng Ban Tuyên giáo LĐLĐ TP.HCM. Ảnh: HẢI NHI

“Lao động chủ yếu đến từ vùng nông thôn, đa phần còn trẻ và đang dần thích nghi với môi trường công nghiệp và đô thị. Họ chú trọng nâng cao trình độ học vấn, chuyên môn để cải thiện điều kiện làm việc và phát triển nghề nghiệp.

Tuy nhiên, một bộ phận công nhân vẫn thiếu hiểu biết về pháp luật, đặc biệt là các quy định về kỷ luật lao động và an toàn lao động. Điều này dẫn đến việc nhiều người không tuân thủ nội quy. Một số doanh nghiệp cũng chưa thực hiện đầy đủ quy định pháp luật và trang bị đầy đủ thiết bị bảo vệ cho công nhân” - ông Tuấn cho hay.

Do đó, ông Tuấn cho rằng công đoàn cần khéo léo cân bằng lợi ích giữa người lao động và người sử dụng lao động, trở thành đại diện cho sự hài hòa lợi ích của cả hai bên. Mục tiêu là vừa đảm bảo sự phát triển bền vững của doanh nghiệp, vừa bảo vệ quyền lợi của người lao động.

 Bảo vệ sức khỏe người lao động và phòng ngừa tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp phải được thực hiện với việc coi các biện pháp phòng ngừa là ưu tiên hàng đầu. Ảnh: HẢI NHI

Bảo vệ sức khỏe người lao động và phòng ngừa tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp phải được thực hiện với việc coi các biện pháp phòng ngừa là ưu tiên hàng đầu. Ảnh: HẢI NHI

“Tổ chức công đoàn cần xây dựng một bộ máy cán bộ công đoàn trong doanh nghiệp có khả năng thuyết phục, tạo ra sự đồng thuận và hài hòa lợi ích giữa các bên vì sự phát triển chung.

Để làm được điều này, cán bộ công đoàn phải có bản lĩnh, uy tín trong cả lao động sản xuất lẫn hoạt động công đoàn. Họ cần là những người tiên phong, dẫn dắt đoàn viên và người lao động tăng cường năng suất, chất lượng và hiệu quả công việc” - ông Tuấn nói.

Thí điểm xây dựng văn hóa an toàn lao động tại 42 doanh nghiệp

Theo Phó Trưởng Ban Quan hệ lao động (Tổng LĐLĐ Việt Nam) Hồ Thị Kim Ngân, mục tiêu giai đoạn 2025-2028, 100% LĐLĐ tỉnh, thành phố, Công đoàn ngành Trung ương và Công đoàn Tổng công ty trực thuộc Tổng LĐLĐ sẽ có kế hoạch triển khai Đề án xây dựng, thúc đẩy văn hóa an toàn lao động tại nơi làm việc.

“Trên 95% cán bộ phụ trách an toàn, vệ sinh lao động thuộc các đơn vị này sẽ được trang bị kỹ năng cần thiết để triển khai hiệu quả. Đồng thời, Tổng LĐLĐ Việt Nam sẽ hoàn thành thí điểm mô hình văn hóa an toàn lao động tại 42 doanh nghiệp thuộc 8 LĐLĐ, thành phố và 6 Công đoàn ngành Trung ương.

Mỗi LĐLĐ tỉnh, thành phố, Công đoàn ngành Trung ương, Công đoàn Tổng công ty trực thuộc Tổng LĐLĐ Việt Nam sẽ xây dựng ít nhất 3 mô hình điển hình về văn hóa an toàn lao động” - bà Ngân chia sẻ.

HẢI NHI

Nguồn PLO: https://plo.vn/chu-trong-xay-dung-van-hoa-an-toan-lao-dong-tai-noi-lam-viec-post827118.html
Zalo