Chú trọng xây dựng thương hiệu cho nông sản địa phương

Xây dựng thương hiệu nông sản dựa trên thế mạnh của từng địa phương là nhiệm vụ quan trọng, góp phần nâng cao giá trị nông sản, hướng tới phát triển nông nghiệp bền vững. Đây là 'bài toán khó' trong hành trình nâng tầm giá trị và sức cạnh tranh cho nông sản của tỉnh hiện nay.

Cao Bằng là tỉnh có tiềm năng, lợi thế về khí hậu, đất đai, trong đó có khoảng 150.000 ha đất có khả năng phát triển nông nghiệp; diện tích cây trồng chính gần 90.000 ha, chủ yếu là cây lương thực; nhiều vùng sinh thái gắn liền với các cây trồng đặc trưng, đặc hữu mang giá trị văn hóa, kinh tế cao.

Để nâng cao sức cạnh tranh cho nông, lâm sản, các sản phẩm làng nghề, những năm gần đây, tỉnh khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp. Chỉ đạo các ngành chức năng, địa phương phát triển nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa, đẩy mạnh liên kết “4 nhà” (nhà nước - nhà doanh nghiệp - nhà nông - nhà khoa học) trong phát triển các loại cây trồng, vật nuôi; rà soát, quy hoạch hàng hóa theo vùng sản xuất, mở rộng quy mô và nâng cao chất lượng sản phẩm. Quan tâm xây dựng thương hiệu, đăng ký và bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ cho các sản phẩm.

Toàn tỉnh hiện có gần 200 sản phẩm nông nghiệp lợi thế thuộc 6 nhóm sản phẩm, gồm: nhóm thực phẩm; đồ uống; thảo dược; vải và may mặc; lưu niệm, nội thất, trang trí; dịch vụ, du lịch nông thôn. Việc xây dựng thương hiệu chính là cách giúp cho nông sản có sức cạnh tranh và tạo được chỗ đứng trên thị trường. Qua đó, người dân được nâng cao kiến thức về nông nghiệp, nông thôn, quy trình canh tác, chọn giống sản xuất, bảo quản, tiếp thị sản phẩm; quản lý bán hàng, đăng ký quyền sở hữu trí tuệ đối với nhãn hiệu, nhãn hiệu tập thể, chỉ dẫn địa lý để tránh bị xâm phạm... Đồng thời, là cơ sở để bảo vệ và phát triển sản phẩm đặc trưng vùng, miền và quảng bá, thu hút khách du lịch.

Người dân xã Quang Hán (Trùng Khánh) quan tâm xây dựng thương hiệu, đăng ký và bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ cho các sản phẩm quýt.

Người dân xã Quang Hán (Trùng Khánh) quan tâm xây dựng thương hiệu, đăng ký và bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ cho các sản phẩm quýt.

Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ Bế Đăng Khoa cho biết: Phát huy và nâng cao giá trị nông sản, Sở tham mưu tỉnh ban hành, triển khai nhiều chủ trương, chính sách, chương trình, đề án về xây dựng và phát triển nhãn hiệu, thương hiệu, chỉ dẫn địa lý các sản phẩm nông sản. Tập trung đào tạo, tập huấn chuyên môn, nghiệp vụ về sở hữu trí tuệ; bảo hộ, quản lý và phát triển tài sản trí tuệ cho các sản phẩm đặc thù của địa phương; triển khai các hoạt động bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ, ngăn chặn các hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ; khuyến khích, hỗ trợ xây dựng các tổ chức, doanh nghiệp khoa học và công nghệ của tỉnh hoạt động trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ; tổ chức trưng bày, triển lãm, hỗ trợ xây dựng hệ thống mã số, mã vạch giúp quản lý, giám sát, truy xuất nguồn gốc, nâng cao uy tín và giá trị sản phẩm… Ðến nay, tỉnh có 2 sản phẩm được bảo hộ chỉ dẫn địa lý là hạt dẻ Trùng Khánh, trúc sào và chiếu trúc sào; 2 sản phẩm được cấp nhãn hiệu chứng nhận gồm: lê Đông Khê, thạch đen Thạch An; 8 sản phẩm được cấp nhãn hiệu tập thể: thịt bò Mông Cao Bằng, miến dong hương rừng Phja Oắc Sơn Đông, miến dong Nguyên Bình sản xuất từ củ dong nguyên chất, miến dong Nguyên Bình, rượu Tà Lùng, quýt Trà Lĩnh, nếp Hương Bảo Lạc, vịt cỏ Trùng Khánh. Các sản phẩm sau khi được cấp văn bằng bảo hộ phát huy được giá trị, mở rộng vùng sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm.

Để giải “bài toán khó” trong hành trình nâng tầm giá trị và sức cạnh tranh cho nông sản hiện nay, tỉnh tiếp tục hỗ trợ, xúc tiến phát triển tài sản trí tuệ cho các sản phẩm đặc sản, làng nghề truyền thống dưới hình thức chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu chứng nhận tập thể. Đối với các sản phẩm đã được bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ, tăng cường công tác đào tạo, huấn luyện và trao đổi kinh nghiệm về quản lý, khai thác quyền sở hữu trí tuệ cho tổ chức quản lý và sử dụng. Quan tâm đẩy mạnh hỗ trợ, xúc tiến xây dựng các vùng sản xuất tập trung, chuyên canh áp dụng quy trình sản xuất thực hành tốt theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP để quản lý và sản xuất sản phẩm nông nghiệp theo tiêu chuẩn. Tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tập huấn về quy trình sản xuất, kiến thức quản trị, phát triển thị trường, thương hiệu cho các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh.

Nghiên cứu, ban hành các cơ chế, giải pháp hỗ trợ thúc đẩy tạo ra tài sản trí tuệ, đặc biệt là các nhóm chủ thể doanh nghiệp và nhóm sản phẩm chủ lực, đặc thù, sản phẩm OCOP địa phương; tiếp tục nâng cao vai trò quản lý nhà nước về quản lý, kiểm soát nguồn gốc chất lượng sản phẩm được bảo hộ. Đẩy mạnh việc đăng ký bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ và nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý nhằm tạo điều kiện thuận lợi để quảng bá, phát triển hình ảnh, khẳng định vị thế cạnh tranh của các sản phẩm chủ lực trên thị trường; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động sở hữu trí tuệ. Tuyên truyền, vận động bà con các vùng có đặc sản, tích cực tham gia các hiệp hội, hội, làng nghề; sử dụng hiệu quả các nguồn quỹ khuyến công, khuyến nông hỗ trợ bà con về việc lựa chọn, khôi phục cây giống, con giống, đầu tư thiết bị công nghệ tiên tiến... nhằm giữ được đặc sản truyền thống.

Thái Hà

Nguồn Cao Bằng: https://baocaobang.vn/chu-trong-xay-dung-thuong-hieu-cho-nong-san-dia-phuong-3175407.html
Zalo