Công nhân không 'nhảy việc' sau Tết: Lợi cả đôi bên

Nếu như mọi năm, cứ sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán, nhiều doanh nghiệp gặp phải tình trạng hao hụt nhân sự, ảnh hưởng tới hoạt động sản xuất kinh doanh thì năm nay, theo Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, tỷ lệ công nhân trở lại làm việc sau Tết cao kỷ lục, nhiều địa phương đạt 97%-98%, có nơi đến 100%.

 Việc thực hiện tốt các chính sách phúc lợi giúp doanh nghiệp “giữ chân” người lao động. Ảnh minh họa: Thanh Hoa

Việc thực hiện tốt các chính sách phúc lợi giúp doanh nghiệp “giữ chân” người lao động. Ảnh minh họa: Thanh Hoa

Doanh nghiệp và người lao động cùng hưởng lợi

Ra trường được 5 năm nhưng đến thời điểm hiện tại, chị Nguyễn Thị Thoan (27 tuổi, trú tại xã An Ninh, huyện Quỳnh Phụ, tỉnh Thái Bình) đã có 3 lần "nhảy việc". Những lần thay đổi công việc của chị Thoan có một điểm chung đó là đều diễn ra sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán.

Chị Thoan chia sẻ, chính sách đãi ngộ của công ty, khả năng phát triển cũng như không tìm thấy niềm vui khi làm việc là những lý do khiến chị "nhảy việc".

"Tôi đã lập gia đình và có 2 con nhỏ. Sau mỗi lần xin nghỉ tại công ty cũ, tôi phải mất thêm thời gian từ 1 đến 3 tháng để tìm công việc mới. Không có thu nhập trong thời gian đó nên kinh tế gia đình đều phụ thuộc vào mức lương của chồng tôi. Lo chi phí sinh hoạt rồi tiền học của các con khiến nhiều khi vợ chồng tôi căng thẳng với nhau", chị Thoan tâm sự.

Năm 2023, khi dịch Covid-19 lắng xuống, chị Thoan tìm được công việc mới tại một công ty xuất nhập nhẩu bánh kẹo tại Cụm công việc vừa và nhỏ Từ Liêm (quận Nam Từ Liêm, Hà Nội). Công việc mới dù không đúng chuyên ngành nhưng mức lương khá, cộng với nhiều chính sách đãi ngộ tốt của công ty giúp gia đình chị Thoan có cuộc sống ổn định hơn.

"Công nhân không "nhảy việc" không chỉ có lợi cho bản thân người lao động mà còn cả với doanh nghiệp, giúp giảm chi phí tuyển dụng cũng như duy trì năng suất làm việc", ông Vũ Mạnh Hào, Trưởng phòng nhân sự Công ty TNHH KAN VINA (Khu công nghiệp Điềm Thụy, Thái Nguyên), cho biết.

Theo ông Hào, Công ty TNHH KAN VINA có 275 công nhân, trong đó lao động nữ chiếm hơn 60%. Tính đến ngày 6/2/2025, gần như 100% công nhân của Công ty đã quay trở lại làm việc, chỉ còn một số ít trường hợp công nhân nhà ở xa đã có đơn xin nghỉ thêm từ trước Tết.

Điều này khác hẳn so với trước đây, cứ sau mỗi kỳ nghỉ Tết Nguyên đán, công ty đều phải tổ chức tuyển dụng để bù đắp số lượng công nhân đã "nhảy việc". Khoảng 3 năm trở lại đây, số lượng công nhân tại công ty đều được duy trì ở mức ổn định. "Đầu năm, công ty vẫn tổ chức tuyển dụng nhưng là tuyển dụng thêm công nhân để mở rộng quy mô sản xuất", ông Hào cho biết thêm.

Tỷ lệ công nhân trở lại làm việc sau Tết Nguyên đán tăng cao. Ảnh minh họa: N.T

Tỷ lệ công nhân trở lại làm việc sau Tết Nguyên đán tăng cao. Ảnh minh họa: N.T

Nhiều biện pháp "giữ chân" người lao động

Theo Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, dự báo sau Tết, thị trường lao động sẽ gặp một số biến động, như một số lực lượng lao động có thể không quay lại (chuyển việc hoặc thay đổi chỗ ở). Điều này dẫn đến tình trạng thiếu hụt lao động cục bộ và nhu cầu tuyển dụng mới trong quý 1/2025 tăng cao, đặc biệt ở các lĩnh vực sản xuất, dịch vụ.

Trong bối cảnh đó, các doanh nghiệp thường chủ động có chính sách "giữ chân" người lao động, nâng cao chế độ đãi ngộ để giảm thiểu việc biến động lao động sau Tết. Dịp Tết Nguyên đán vừa qua, các doanh nghiệp đã triển khai nhiều chính sách và phúc lợi nhằm hỗ trợ người lao động, phần lớn là thưởng Tết Nguyên đán và Tết Dương lịch.

Một số doanh nghiệp hỗ trợ nơi ở tạm thời; hỗ trợ chi phí di chuyển cho người lao động về quê ăn Tết. Ngoài ra, các phúc lợi khác như tặng tiền mặt, quà Tết, hoặc thưởng lương tháng thứ 13 cũng được thực hiện để đảm bảo quyền lợi và tạo điều kiện tốt nhất cho người lao động đón Tết.

Với Công ty TNHH KAN VINA, ông Vũ Mạnh Hào cho biết, để chúc mừng người lao động trong ngày làm việc đầu năm, Ban Giám đốc công ty và Ban Chấp hành Công đoàn đã lì xì cho toàn thể người lao động mỗi người 200.000 đồng. Trước Tết, doanh nghiệp cũng tổ chức tri ân, khen thưởng người lao động sau một năm gắn bó.

Ở phương diện tâm lý người lao động, anh Dương Đức Cường (29 tuổi), công nhân Công ty TNHH GOERTEK VINA - Khu Công nghiệp Quế Võ (Bắc Ninh), cho biết, chính những hoạt động chăm lo đời sống của người lao động là động lực để công nhân hăng say sản xuất, vừa là chất xúc tác để công nhân muốn gắn bó lâu dài với công ty.

Thông tin tại buổi họp báo Chính phủ thường kỳ diễn ra vào chiều 5/2/2025, Thứ trưởng Bộ Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Nguyễn Văn Hồi đã nhấn mạnh các giải pháp nhằm "giữ chân" người lao động tại các doanh nghiệp sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán và công tác an sinh xã hội được thực hiện với phương châm "không để người dân nào không có Tết". Theo ông Hồi, sau Tết, có một bộ phận người lao động nghỉ phép thêm hoặc chuyển việc, thay đổi chỗ ở, dẫn đến thiếu hụt lao động cục bộ tại một số nhà máy, địa phương. Nắm bắt được tình trạng này, ngay từ trước Tết, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã hướng dẫn các địa phương nắm chắc tình hình, thị trường lao động, đồng thời thực hiện đồng bộ các giải pháp đảm bảo nguồn cung nhân lực cho thị trường. Bên cạnh đó, Bộ cũng đôn đốc các địa phương, doanh nghiệp thực hiện tốt các chính sách về tiền lương, thưởng đối với người lao động tại các doanh nghiệp, đặc biệt là tại các khu công nghiệp; đôn đốc các nhà máy, doanh nghiệp thực hiện tốt việc đưa công nhân lao động về quê ăn Tết và đón công nhân quay trở lại làm việc… Công đoàn các cấp cũng tổ chức nhiều chuyến xe đưa đón công nhân, góp phần ổn định thị trường lao động.

"Tính đến thời điểm ngày 5/2/2025, các trung tâm kinh tế lớn, khu công nghiệp lớn của các địa phương như Hà Nội, Bắc Giang, Thành phố Hồ Chí Minh, Bình Dương… ghi nhận công nhân, người lao động quay trở lại làm việc đông đảo, có địa phương đạt tỷ lệ 97%-98%, có nơi lên đến 100%. Diễn biến thị trường lao động năm nay có tín hiệu tích cực hơn so với những năm trước", Thứ trưởng Nguyễn Văn Hồi cho biết.

Thứ trưởng Nguyễn Văn Hồi thông tin thêm, các địa phương, doanh nghiệp đã thực hiện tốt các chính sách tiền lương, thưởng. Theo đó, bình quân tiền lương đạt gần 9 triệu đồng/tháng, tăng so với năm 2023; mức thưởng bình quân Tết Nguyên đán Ất Tỵ năm 2025 đối với công nhân viên chức, người lao động là 7,72 triệu đồng/người, tăng 13% so với thưởng dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn năm 2024. Mức thưởng bình quân cho công nhân mà các doanh nghiệp thực hiện là 6,85 triệu đồng/người. Đồng thời, các doanh nghiệp cũng có nhiều biện pháp "giữ chân" người lao động, có nơi còn hỗ trợ nơi ở, bố trí xe cho công nhân, người lao động.

Nguyễn Hải Phong

Nguồn Phụ Nữ VN: https://phunuvietnam.vn/cong-nhan-khong-nhay-viec-sau-tet-loi-ca-doi-ben-20250212111449418.htm
Zalo