Chú trọng dự báo tình hình kinh tế - xã hội trong thực hiện mục tiêu tăng trưởng 8% trở lên

Chiều 14/2, tiếp tục chương trình Kỳ họp bất thường lần thứ 9, ĐBQH thảo luận tại tổ về Đề án bổ sung về phát triển kinh tế - xã hội năm 2025 với mục tiêu tăng trưởng đạt 8% trở lên. Nhận định bối cảnh thế giới hiện nay có nhiều bất định, khó lường, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội, Thượng tướng Trần Quang Phương nhấn mạnh tầm quan trọng của công tác dự báo tình hình kinh tế - xã hội làm cơ sở thực hiện mục tiêu tăng trưởng.

Toàn cảnh Phiên thảo luận tại Tổ 10

Toàn cảnh Phiên thảo luận tại Tổ 10

Đại biểu Đặng Ngọc Huy - Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Ngãi điều hành Phiên thảo luận tại Tổ 10 gồm Đoàn ĐBQH các tỉnh: Quảng Ngãi, An Giang và Phú Thọ.

Thảo luận ở Tổ về Đề án bổ sung về phát triển kinh tế - xã hội năm 2025 với mục tiêu tăng trưởng đạt 8% trở lên, các đại biểu cơ bản đồng tình với Tờ trình của Chính phủ và Báo cáo thẩm tra sơ bộ của Ủy ban Kinh tế về Đề án.

Thống nhất với mục tiêu tăng trưởng đạt 8% trở lên, Phó Chủ tịch Quốc hội, Thượng tướng Trần Quang Phương cho rằng, Đề án bổ sung về phát triển kinh tế - xã hội năm 2025 với mục tiêu nêu trên đã có căn cứ chính trị, căn cứ pháp lý và điều kiện thực tiễn.

Phó Chủ tịch Quốc hội, Thượng tướng Trần Quang Phương

Phó Chủ tịch Quốc hội, Thượng tướng Trần Quang Phương

Lưu ý bối cảnh thế giới hiện nay có nhiều bất định, diễn biến khó lường, chiến tranh thương mại, công nghệ, cạnh tranh gay gắt, tác động trực tiếp đến tình hình phát triển kinh tế - xã hội nước ta, Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị cần nghiên cứu dự báo cho phù hợp để điều chỉnh việc thực hiện mục tiêu tăng trưởng.

Nhận định, tình hình sản xuất kinh doanh chưa có nhiều khởi sắc, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương cho biết, tháng 1 vừa qua ghi nhận khoảng 58 nghìn doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường; chỉ số sản xuất công nghiệp IIP tháng 01/2025 chỉ tăng nhẹ 0,6% so với cùng kỳ; các điều kiện kinh doanh của khu vực sản xuất ở Việt Nam thu hẹp; các chính sách của các nước lớn tác động đến Việt Nam… Do đó, Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị cần phân tích, đánh giá các điều kiện thực hiện để bảo đảm tính khả thi của Đề án, đặc biệt cần chú trọng các giải pháp bảo đảm an ninh tài chính quốc gia, an toàn nợ công.

Phó Chủ tịch Quốc hội, Thượng tướng Trần Quang Phương

Phó Chủ tịch Quốc hội, Thượng tướng Trần Quang Phương

Bàn về các nhóm giải pháp chủ yếu, Phó Chủ tịch Quốc hội cơ bản thống nhất với các giải pháp đã nêu trong Tờ trình của Chính phủ, tuy nhiên đề nghị cần tập trung dự báo tình hình cho chuẩn xác; làm mới các động lực tăng trưởng cũ; giải phóng nguồn lực đất đai, cơ sở tài sản công (đất của các bộ ngành; đất sản xuất, đất rừng nông, lâm trường…). Phó Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, cần có giải pháp cụ thể, gắn trách nhiệm thực hiện để đổi mới quản lý đầu tư công và cần quyết tâm cao để đạt được mục tiêu tăng trưởng đạt 8% trở lên.

Về kết quả đạt được trong năm 2024, đại biểu Nguyễn Thành Nam - Đoàn ĐBQH tỉnh Phú Thọ đồng tình về kết quả đạt được trong phát triển kinh tế - xã hội của đất nước trong năm 2024, các chỉ tiêu do Quốc hội đặt ra. Tuy nhiên, đại biểu đề nghị Chính phủ nghiên cứu và sớm đưa ra giải pháp khắc phục một số vấn đề khó khăn sau:

(1) Tuy GDP 2024 đạt và vượt mục tiêu Quốc hội giao tuy nhiên chất lượng tăng trưởng chưa vững, cụ thể: Còn phụ thuộc lớn với khối FDI, tỷ lệ doanh nghiệp thành lập mới và trụ vững chưa cao, nên chưa mặn mà với nguồn vốn dù có nhiều ưu đãi của Chính phủ và các địa phương; tình trạng lãng phí về nguồn lực đất đai để tập trung nguồn lực cho tăng trưởng ở các địa phương còn diễn ra, kết quả xử lý còn chậm…; thu nhập bình quân đầu người chưa đột phá nên sức mua còn hạn chế;

Đại biểu Nguyễn Thành Nam - Đoàn ĐBQH tỉnh Phú Thọ

Đại biểu Nguyễn Thành Nam - Đoàn ĐBQH tỉnh Phú Thọ

(2) Khó khăn trong nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, hạ tầng kỹ thuật… để thực hiện Nghị quyết 57 của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia, do đó, đòi hỏi tập trung nguồn lực của cả hệ thống để tháo gỡ…

(3) Đánh giá và lượng hóa cụ thể những thách thức, nhất là các kịch bản cho cuộc chiến thương mại giữa các cường quốc.

Liên quan đến giải pháp tăng trưởng kinh tế - xã hội của nước ta đạt 8% trở lên trong năm 2025, đại biểu Nguyễn Thành Nam cơ bản đồng tình với những giải pháp mà Chính phủ nêu trong Tờ trình. Tuy nhiên, đề nghị Chính phủ quan tâm và làm rõ căn cứ và cụ thể hóa các giải pháp đến con số (thay vì các giải pháp chung chung) để xây dựng kế hoạch thực hiện ngay, đảm bảo hiệu quả; đồng thời cần đánh giá tác động tới những vấn đề về xã hội, lạm phát, việc làm, vì khi chúng ta điều chỉnh chỉ tiêu, tất yếu nhiều đối tượng sẽ bị ảnh hưởng, nhất là lạm phát và ổn định vĩ mô.

Cùng với đó, phát huy nguồn lực công dẫn dắt đầu tư tư nhân, trong đó nhấn mạnh vào việc quyết liệt thực hiện triển khai các Nghị quyết tháo gỡ vướng mắc về đất đai đã được thông qua tại kỳ họp Quốc hội lần thứ 8 vừa qua, đồng thời chỉ đạo quyết liệt việc sắp xếp lại các tài sản công, nhất là tài sản là đất, nhà ở của các Bộ, ngành, các tập đoàn Nhà nước trên địa bàn cả nước…

Đại biểu Hoàng Hữu Chiến - Đoàn ĐBQH tỉnh An Giang

Đại biểu Hoàng Hữu Chiến - Đoàn ĐBQH tỉnh An Giang

Thống nhất với mục tiêu của Chính phủ và các giải pháp đã đặt ra, đại biểu Hoàng Hữu Chiến - Đoàn ĐBQH tỉnh An Giang đề nghị cần tập trung đến các giải pháp như đẩy nhanh giải quyết khối lượng lớn tài sản từ các vụ án tham nhũng, kinh tế ở các tỉnh, thành phố; đẩy nhanh triển khai các Chương trình mục tiêu quốc gia ở các địa phương, nhất là vùng sâu vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, biên giới… góp phần tăng trưởng ở những địa bàn đặc biệt khó khăn.

Bên cạnh đó, cần thu hút vốn FDI và đẩy nhanh giải ngân vốn ODA. “Nếu muốn tăng trưởng thì cần đưa được nguồn lực vào, đưa dòng tiền vào, qua đó mới có thể tạo ra công ăn việc làm, tạo năng lực sản xuất trong nước, góp phần tạo động lực tăng trưởng”, đại biểu Hoàng Hữu Chiến nêu rõ. Đại biểu cũng lưu ý, phải gắn vấn để cải cách thể chế, cải cách bộ máy với vấn đề tăng trưởng, nếu không giải quyết hài hòa thì sẽ tạo độ trễ cho tăng trưởng; Chính phủ cần đánh giá toàn diện các yếu tố khách quan tác động, có thể chi phối và làm giảm tốc độ GDP; tăng cường tính dự báo.

Cũng tại Phiên họp, các đại biểu thảo luận về chủ trương đầu tư dự án đầu tư xây dựng tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng; dự thảo Nghị quyết của Quốc hội thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù, đặc biệt để phát triển hệ thống mạng lưới đường sắt đô thị tại thành phố Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh; các cơ chế, chính sách đặc thù đầu tư xây dựng dự án điện hạt nhân Ninh Thuận.

Trân trọng giới thiệu một số hình ảnh tại Phiên họp:

Đại biểu Đặng Ngọc Huy - Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Ngãi điều hành Phiên thảo luận tại Tổ 10 gồm Đoàn ĐBQH các tỉnh: Quảng Ngãi, An Giang và Phú Thọ

Đại biểu Đặng Ngọc Huy - Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Ngãi điều hành Phiên thảo luận tại Tổ 10 gồm Đoàn ĐBQH các tỉnh: Quảng Ngãi, An Giang và Phú Thọ

Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương phát biểu tại Phiên họp

Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương phát biểu tại Phiên họp

Các đại biểu tại Phiên thảo luận ở Tổ 10

Các đại biểu tại Phiên thảo luận ở Tổ 10

Đại biểu Vũ Tuấn Anh - Đoàn ĐBQH tỉnh Phú Thọ

Đại biểu Vũ Tuấn Anh - Đoàn ĐBQH tỉnh Phú Thọ

Đại biểu Trần Thị Hồng An - Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Ngãi phát biểu

Đại biểu Trần Thị Hồng An - Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Ngãi phát biểu

Bích Ngọc - Nghĩa Đức

Nguồn Quốc Hội: https://quochoi.vn//cacvilanhdao/pages/hoat-dong.aspx?itemid=92627
Zalo