Kinh tế tư nhân trước cơ hội 'vàng': Nghị quyết 68 mở đường cho doanh nghiệp bứt tốc

Nghị quyết 68 được kỳ vọng sẽ tháo gỡ 'nút thắt' cho kinh tế tư nhân – khu vực đóng vai trò động lực quan trọng nhất của nền kinh tế quốc gia. Từ cải cách thể chế, cắt giảm thủ tục đến tạo hành lang pháp lý minh bạch, Nghị quyết đang mở ra thời cơ vàng để doanh nghiệp tư nhân bứt tốc, vươn ra khu vực và thế giới.

Khu vực kinh tế tư nhân đóng góp gần 40% GDP nhưng lâu nay bị trói bởi thủ tục, thiếu niềm tin và phân biệt đối xử.

Khu vực kinh tế tư nhân đóng góp gần 40% GDP nhưng lâu nay bị trói bởi thủ tục, thiếu niềm tin và phân biệt đối xử.

Chia sẻ tại tọa đàm "Để kinh tế tư nhân bứt phá theo Nghị quyết 68 - Những việc cần làm ngay" do Cổng thông tin điện tử Chính phủ tổ chức ngày 9-5, các chuyên gia đều có chung nhận định Nghị quyết 68 mang tính đột phá.

Nghị quyết không chỉ xác lập vai trò then chốt của kinh tế tư nhân trong hệ thống kinh tế quốc dân, mà còn đặt ra những nhiệm vụ cải cách cụ thể như cắt giảm 30% thủ tục hành chính, xóa bỏ điều kiện kinh doanh vô lý, và khẳng định nguyên tắc “không hình sự hóa quan hệ kinh tế”. Đây là những điểm nghẽn kéo dài nhiều năm khiến doanh nghiệp vừa và nhỏ (DNNVV) chùn bước, ngại lớn.

Thể chế hóa nhanh – Doanh nghiệp sống sót

Ông Phan Đức Hiếu – Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội - nhận định: “một trong những vấn đề lớn nhất của khu vực kinh tế tư nhân hiện nay chính là thiếu sự đồng bộ trong các chính sách hỗ trợ. Dù Chính phủ đã ban hành các chính sách ưu đãi cho doanh nghiệp tư nhân, nhưng quy trình triển khai các chính sách này vẫn còn gặp nhiều khó khăn, khiến cho nhiều doanh nghiệp không thể tiếp cận được các nguồn lực hỗ trợ như vốn vay, đất đai hay các chương trình đào tạo."

Ông nhấn mạnh, việc cắt giảm 30% thủ tục hành chính phải được cụ thể hóa bằng danh mục rõ ràng, có thể đo lường, theo dõi và quy trách nhiệm. “Muốn Nghị quyết 68 không chỉ là khẩu hiệu, cần ngay lập tức thể chế hóa các nội dung cam kết,” ông nói thêm.

Bà Bùi Thu Thủy, Phó Cục trưởng Cục Phát triển Doanh nghiệp và Kinh tế Tập thể, cho biết một trong những yếu tố quan trọng nhất trong Nghị quyết 68 là việc giảm 30% thủ tục hành chính liên quan đến việc cấp phép và thành lập doanh nghiệp. Các điều kiện kinh doanh sẽ được cắt giảm và chuyển sang cơ chế công bố điều kiện thay vì yêu cầu các bộ, ngành tự đặt thêm điều kiện. Đây là bước tiến lớn trong việc tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ, giúp họ có thể dễ dàng gia nhập thị trường và phát triển.

“Việc không hình sự hóa các quan hệ kinh tế và bảo vệ quyền tài sản, quyền tự do kinh doanh là một điểm nhấn lớn trong Nghị quyết 68. Chính những cải cách này giúp bảo vệ quyền lợi và tạo sự an toàn cho các doanh nghiệp tư nhân, từ đó khuyến khích sự phát triển mạnh mẽ hơn,” bà Thủy nói.

Nghị quyết 68 cũng đề xuất một số chính sách hỗ trợ cụ thể để thúc đẩy sự phát triển của doanh nghiệp tư nhân, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa. Cụ thể, các DNNVV sẽ được miễn thuế thu nhập doanh nghiệp trong 3 năm đầu, giúp các doanh nghiệp mới thành lập có cơ hội phát triển mà không phải đối mặt với gánh nặng thuế. Hệ thống thuế và các yêu cầu về chứng nhận chất lượng cũng sẽ được điều chỉnh, giúp doanh nghiệp giảm chi phí sản xuất và tăng khả năng cạnh tranh.

Tư nhân – Từ vai phụ thành chủ lực

Từ góc độ doanh nghiệp, ông Từ Tiến Phát - Tổng Giám đốc ACB - cho rằng, những nội dung trong Nghị quyết 68 không chỉ truyền cảm hứng mà còn trúng những “nỗi đau” thật sự. “Chi phí cao, khó tiếp cận tài sản công, khó vay vốn, thiếu liên kết chuỗi - đó là rào cản lớn nhất của doanh nghiệp tư nhân hiện nay. Nay với quy định về miễn thuế TNDN 3 năm đầu, cho thuê đất công hợp lý và phát triển hệ sinh thái doanh nghiệp chuỗi, tôi tin rằng nếu thực thi tốt, làn sóng doanh nghiệp bứt phá sẽ hình thành,” ông chia sẻ.

Đáng chú ý, Nghị quyết 68 còn đề xuất gói hỗ trợ đào tạo và nâng cao năng lực cho 10.000 CEO, giúp doanh nghiệp tư nhân sẵn sàng đi ra thế giới. Đây là động thái thể hiện quyết tâm nâng tầm doanh nhân Việt, biến tư nhân không chỉ là “bánh răng” phụ trong nền kinh tế mà trở thành đầu tàu đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh và công nghiệp hóa.

Theo TS Nguyễn Sĩ Dũng - nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội - cải cách thể chế là cách thức hiệu quả nhất để tạo dựng một môi trường kinh doanh minh bạch, công bằng và bền vững. Bằng chứng rõ ràng từ thực tiễn cho thấy các thay đổi trong chính sách sẽ giúp tháo gỡ những điểm nghẽn tồn tại lâu dài. Theo ông, “Cải cách thể chế sẽ tạo điều kiện thuận lợi hơn cho việc gia nhập thị trường và nâng cao tính bảo vệ cho các doanh nghiệp tư nhân”. Đây chính là nền tảng quan trọng để nền kinh tế tư nhân phát triển vững chắc, không chỉ trong ngắn hạn mà còn dài hạn .

“Vấn đề không phải ở chủ trương, mà là ở cam kết hành động. Không có doanh nghiệp nào sợ cạnh tranh, họ chỉ sợ bất công. Nếu thể chế vẫn phức tạp, luật vẫn mâu thuẫn, thủ tục vẫn nhiều tầng, thì kinh tế tư nhân sẽ không thể phát triển bền vững,” TS Dũng nói.

Kinh tế tư nhân hiện chiếm gần 40% GDP, sử dụng hơn 80% lực lượng lao động, nhưng lại thường xuyên “chịu lép vế” trong tiếp cận chính sách. Nghị quyết 68 là lời khẳng định rõ ràng rằng, khu vực này không còn là “phụ trợ”, mà phải trở thành “xương sống” cho tăng trưởng bền vững, độc lập và tự cường.

“Chúng ta cần đánh thức tinh thần khởi nghiệp, tôn vinh doanh nhân như người chiến sĩ kinh tế, đồng thời dẹp bỏ tư duy kỳ thị, coi thường doanh nghiệp tư nhân. Nghị quyết 68 là cơ hội để sửa sai và bước sang một kỷ nguyên mới, nơi doanh nghiệp được tôn trọng, luật pháp được thực thi và thị trường vận hành công bằng,” ông Hiếu khẳng định.

Với những cải cách sâu rộng, rõ mục tiêu, Nghị quyết 68 đang mở ra một chương mới cho kinh tế tư nhân Việt Nam. Nhưng thành công sẽ phụ thuộc vào tốc độ hành động và độ sâu thể chế. Trong bối cảnh cạnh tranh toàn cầu ngày càng khốc liệt, nếu chậm chân, Việt Nam có thể bỏ lỡ cơ hội vàng này.

Thùy Linh

Nguồn Vnbusiness: https://vnbusiness.vn//viet-nam/kinh-te-tu-nhan-truoc-co-hoi-vang-nghi-quyet-68-mo-duong-cho-doanh-nghiep-but-toc-1106679.html
Zalo