Chủ tịch UBND TP.HCM: Thanh niên phải làm gì để vượt qua bẫy thu nhập trung bình
TP.HCM với nguồn nhân lực phong phú, chất lượng cao, thanh niên là lực lượng đi đầu trong xung kích, ứng dụng khoa học công nghệ. Trong bối cảnh hiện nay, Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Văn Được đã đặt vấn đề: Thanh niên cần làm gì để vượt qua bẫy thu nhập trung bình.
Vấn đề vượt qua bẫy thu nhập trung bình được đưa ra tại Hội nghị đối thoại giữa lãnh đạo UBND TP.HCM với thanh niên năm 2025 sáng 28/3.

Ông Nguyễn Văn Được, Chủ tịch UBND TP.HCM
Phát biểu tại Hội nghị đối thoại, ông Nguyễn Văn Được, Chủ tịch UBND TP.HCM cho hay, Thành phố là địa phương có vai trò, vị trí đặc biệt. Đây là là cửa ngõ giao thương quốc tế, đầu tàu kinh tế, nơi khởi nguồn, thí điểm nhiều chính sách mới, đặc biệt là về kinh tế thị trường. Thành phố cũng có nguồn nhân lực phong phú, chất lượng cao.
Điều đó đặt ra trách nhiệm của mỗi người là làm sao để đóng góp cho thành phố phát triển xứng tầm mong muốn mà Bộ Chính trị đặt ra cho TP.HCM.
Ông Nguyễn Văn Được cũng nhấn mạnh, thanh niên phải có hoài bão để đóng góp cho TP.HCM phát triển, điều đó cũng góp phần làm cho đất nước phát triển.
Lãnh đạo UBND dẫn lời Tổng Bí thư Tô Lâm đã chỉ đạo về việc “TP.HCM phải tiên phong trong thay đổi mạnh mẽ và tạo ra mô hình phát triển kiểu mẫu cho cả nước”. Điều này đặt lên vai cả hệ thống chính trị phải làm gì để xứng đáng với nguồn tài nguyên, truyền thống hào hùng mà thế hệ trước đã để lại.
Ông Nguyễn Văn Được thông tin, để phát triển, thành phố trước và mắt lâu dài lấy đầu tư công dẫn dắt, cụ thể là đầu tư hạ tầng giao thông, thực hiện chiến lược xanh và số.
Thành phố dự kiến xây dựng trung tâm công nghệ cao đa mục tiêu đặt tại TP.Thủ Đức. Trên cơ sở 4 trong 1, tại đó có trung tâm đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp cho các doanh nghiệp, đặc biệt là các bạn trẻ, có trung tâm về dữ liệu lớn, trung tâm AI và trung tâm về chất bán dẫn.

PGS.TS Lê Thanh Long, giảng viên Đại học Bách Khoa (Đại học Quốc gia TPHCM)
Từ đó, Thành phố tận dụng và phát huy đội ngũ nhân lực phong phú, dồi dào, các doanh nghiệp lớn, vừa và nhỏ, trong và ngoài nước cũng như thành tựu khoa học công nghệ, công nghệ số.
“Đây chính là cơ hội để vượt qua bẫy thu nhập trung bình. Nếu cứ hạn hẹp đi làm thuê cuốc mướn, bao giờ mới trở thành con rồng của châu Á. Phải làm gì để vượt qua bẫy trung bình đó, điều này đặt lên vai của hệ thống chính trị, đặc biệt là các bạn thanh niên đang ở đây", ông Được nói.
Là một trong những đại biểu thanh niên dự đối thoại, PGS.TS Lê Thanh Long, giảng viên Đại học Bách Khoa TP.HCM, đặt ra vấn đề xoay quanh Nghị quyết 57 của Bộ Chính trị về đột phát phát triển khoa học công nghệ, thành phố có kế hoạch gì để bồi dưỡng và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao.
PGS.TS Long cũng kiến nghĩ một số cơ chế chính sách như mở rộng chương trình học bổng, hỗ trợ kinh phí cho sinh viên, đội ngũ khoa học trẻ có tiềm năng trong lĩnh vực khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, cấp kinh phí nghiên cứu cũng như thành lập quỹ đầu tư hỗ trợ nghiên cứu phát triển sản phẩm khoa học công nghệ có tính ứng dụng cao. Đồng thời cần đẩy mạnh hợp tác giữa trường đại học, viện nghiên cứu nhằm đưa các kết quả nghiên cứu vào thực tiễn.
PGS.TS Thanh Long cho biết, việc tăng cường đầu tư vào hạ tầng cơ sở khoa học công nghệ, ưu tiên phát triển các trung tâm nghiên cứu, phòng thí nghiệm cho các nhóm nghiên cứu trẻ cũng cần được quan tâm:
“Việc đầu tư vào trang thiết bị và xây dựng các đô thị khoa học công nghệ sẽ góp phần tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà khoa học thực hiện dự án của mình", PGS.TS Thanh Long nói thêm.