Chủ tịch UBND TP.HCM khảo sát đề án di dời gần 15.000 hộ dân ven kênh rạch quận 8
Ngày 15.4, Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Văn Được và lãnh đạo các sở ngành có buổi kiểm tra thực địa những dự án trọng điểm, khảo sát thực tế đề án nhà ở ven kênh rạch quận 8.
Các điểm khảo sát gồm bờ bắc kênh Đôi (phường Hưng Phú), rạch Xóm Củi (bờ đông và bờ tây), đường Nguyễn Duy và khu đất 191 Bùi Minh Trực.
Báo cáo với đoàn khảo sát, Chủ tịch UBND Q.8 Võ Thành Khả cho biết quận 8 vẫn đối mặt với nhiều thách thức: hạ tầng giao thông chưa đồng bộ, địa giới hành chính chưa rõ ràng ở khu vực giáp ranh với huyện Bình Chánh gây khó khăn trong quản lý và phục vụ người dân. Đặc biệt, hơn 14.900 căn nhà trên và ven kênh, rạch vẫn chưa được di dời, chiếm khoảng 38% tổng số nhà ven kênh toàn TP.HCM.

Nhà ven bờ bắc kênh Đôi, quận 8
Ngoài ra, địa phương cũng đang có nhiều tiềm năng chưa được khai thác hiệu quả, như khu cảng Phú Định (phường 16) và khu vực chợ Bình Điền (phường 7) với diện tích lên đến 274ha, có thể trở thành động lực phát triển logistics, thương mại - dịch vụ, du lịch ven sông. Trong khi đó, hoạt động “trên bến dưới thuyền” sự kiện văn hóa đặc trưng của TP vẫn chưa phát triển tương xứng do thiếu không gian tổ chức và sự đầu tư bài bản.
Để giải quyết căn cơ tình trạng nhà ở ven kênh, rạch, UBND quận 8 đang triển khai đề án Chỉnh trang đô thị với quy mô lớn: di dời 14.950 hộ dân, đầu tư xây dựng nhà ở xã hội, tái định cư, hạ tầng giao thông, công viên và hệ thống bờ kè. Tổng vốn đầu tư công dự kiến hơn 105.000 tỉ đồng, được cân đối thông qua nguồn thu từ đấu giá đất sạch (dự kiến 90.000 tỉ đồng) và khai thác quỹ nhà tái định cư. Trong đó, 49 dự án cụ thể đã được phân bổ theo ba phường mới sau sắp xếp là Chánh Hưng, Bình Đông và Phú Định.
Người dân di dời sẽ được bố trí nhà ở tái định cư hoặc nhà ở xã hội, phù hợp theo điều kiện tài chính và chính sách hiện hành. Bên cạnh đó, quận 8 cũng đề xuất chính sách tạo sinh kế bền vững cho người dân sau di dời, gắn với phát triển du lịch văn hóa - dịch vụ ven sông, kinh tế ban đêm và các sự kiện thường niên như chợ hoa xuân, tuần lễ trái cây.
“Hiệu quả kỳ vọng của đề án không chỉ là cải tạo môi trường sống mà còn góp phần tăng thu ngân sách, nâng cấp hạ tầng, chỉnh trang cảnh quan đô thị, kết nối giao thông liên quận, thúc đẩy phát triển bền vững. Quận 8 sẽ nạo vét hơn 36km kênh rạch, xây dựng hệ thống kè đôi dài hơn 73km, mở rộng hơn 730.000m² đường giao thông và hình thành các công viên, không gian xanh mới”, ông Võ Thành Khả khẳng định.

Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Văn Được khảo sát thực tế tại dự án bờ bắc kênh Đôi, phường Hưng Phú, quận 8
Theo kế hoạch, trong năm 2025, UBND quận 8 sẽ hoàn tất việc đấu giá các khu đất tạo vốn đầu tư ban đầu; tổ chức kiểm định chung cư cũ Phạm Thế Hiển; rà soát quy hoạch phân khu 1/2000 và quy hoạch chi tiết 1/500; hoàn chỉnh danh mục dự án giai đoạn 2026-2030 theo từng phường mới.
Ông Võ Thành Khả khẳng định đề án chỉnh trang đô thị quận 8 được kỳ vọng sẽ tạo cú hích cho quá trình phát triển đô thị hiện đại, xanh – sạch – đẹp, đồng thời bảo đảm an sinh, nâng cao chất lượng sống cho người dân và đóng góp nguồn lực cho ngân sách TP trong dài hạn.
Trao đổi về từng kiến nghị của quận 8, Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Văn Được đề nghị ngành giao thông phối hợp với địa phương nghiên cứu các giải pháp triển khai xây dựng một số tuyến đường kết nối từ phía nam sang phía bắc của thành phố một cách căn cơ, có hệ thống, trong đó ưu tiên nghiên cứu các tuyến đường trên cao.
Ông Nguyễn Văn Được nhận xét, đề án chỉnh trang đô thị khu vực nhà ở trên và ven kênh, rạch mang nhiều ý nghĩa thiết thực. Đề án không chỉ giải quyết các vấn đề về mỹ quan đô thị, phát triển kinh tế mà còn giải quyết nhà ở cho người dân, nhất là người dân khó khăn có chỗ ở sạch đẹp hơn. Vì vậy, quận 8 cần xem việc thực hiện đề án là nhiệm vụ trọng tâm cần được ưu tiên.
Chủ tịch UBND TP.HCM cũng yêu cầu Giám đốc Sở Xây dựng hoàn thiện đề án của thành phố, Sở Tài chính và các sở liên quan tham mưu bố trí vốn bằng nhiều nguồn (ngân sách, xã hội hóa, phát triển quỹ đất…) để đầu tư cho đề án theo lộ trình rõ ràng trong năm 2025 và giai đoạn 2026-2030. Trong đó, cần rà soát vốn đầu tư công giai đoạn 2020-2025. Những dự án không giải ngân được thì điều chuyển sang giai đoạn 1 của đề án này để thực hiện.