Sáp nhập tại TP.HCM: Bảo đảm ổn định việc làm, phát triển bền vững toàn vùng
TP.HCM đang bước vào giai đoạn then chốt của quá trình sắp xếp đơn vị hành chính các cấp theo Nghị quyết số 60-NQ/TW và Nghị quyết số 76/2025/UBTVQH15. Trong đó, công tác bảo đảm chế độ cho đội ngũ không chuyên trách, cũng như phối hợp với các tỉnh lân cận để xây dựng mô hình hành chính mới, được xem là nhiệm vụ trọng tâm và cấp bách.
Chiều ngày 17/4, tại Trung tâm Báo chí TP. HCM, Ban Tuyên giáo và Dân vận Thành ủy TP.HCM phối hợp với các Sở ban ngành tổ chức họp báo cung cấp thông tin các vấn đề kinh tế - xã hội trên địa bàn thành phố tuần qua.
Hơn 5.500 người không chuyên trách được hỗ trợ sau sắp xếp
Trả lời báo chí, ông Võ Ngô Quốc Thuận, Giám đốc Sở Nội vụ TP.HCM cho biết, việc thực hiện mô hình chính quyền hai cấp (tỉnh và xã) theo Nghị quyết số 60 và Công văn số 03 của Ban Chỉ đạo sắp xếp đơn vị hành chính sẽ dẫn đến việc dừng sử dụng đội ngũ người hoạt động không chuyên trách tại phường, xã, thị trấn. Dự kiến, thành phố sẽ giải quyết chính sách đối với khoảng 5.562 người đang công tác tại 273 đơn vị hành chính cấp xã hiện nay.
Để bảo đảm quyền lợi, ổn định tâm lý và đời sống cho lực lượng này, TP.HCM đã chủ động xây dựng các phương án hỗ trợ cụ thể: Giải quyết tinh giản biên chế theo quy định tại khoản 2, Điều 9, Nghị định số 29/2023/NĐ-CP; Hỗ trợ thêm một lần theo khoản 2, Điều 3, Nghị quyết số 50/2024/NQ-HĐND của HĐND Thành phố; Giới thiệu việc làm phù hợp năng lực và nguyện vọng, tạo điều kiện chuyển đổi nghề nghiệp thuận lợi.

Các chính sách này thể hiện sự nhân văn, trách nhiệm và quyết tâm của TP.HCM trong việc đảm bảo sự chuyển đổi hành chính diễn ra suôn sẻ, ổn định từ cơ sở.
Sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã: Đạt mục tiêu giảm 60–70%
Theo Nghị quyết số 76/2025/UBTVQH15, TP.HCM đã hoàn tất phương án sắp xếp 273 đơn vị hành chính cấp xã xuống còn 102 đơn vị mới, đạt tỷ lệ giảm 62,64% đúng theo yêu cầu. Trong đó, có 78 phường và 24 xã được thành lập mới. Riêng xã đảo Thạnh An tiếp tục được giữ nguyên do vị trí biệt lập.
Trong tổng số 102 đơn vị hành chính cấp xã mới: 51 đơn vị đạt cả hai tiêu chí về diện tích tự nhiên và dân số; 30 đơn vị hình thành do sáp nhập từ 3 đơn vị trở lên, được miễn xét tiêu chí; 21 đơn vị đạt tiêu chí dân số nhưng chưa đạt diện tích tự nhiên.
Về quy mô dân số, các đơn vị mới có sự phân bổ khá hợp lý: Dưới 100.000 dân: 62 đơn vị; Từ 100.000 – 150.000 dân: 23 đơn vị; Từ 150.000 – 200.000 dân: 17 đơn vị
Việc sắp xếp lần này không chỉ giúp tinh gọn bộ máy mà còn tạo điều kiện thuận lợi cho công tác quản lý đô thị, phát triển hạ tầng và cải thiện hiệu quả cung ứng dịch vụ công.

Ông Võ Ngọc Quốc Thuận, Giám đốc Sở Nội vụ TP.HCM, cho hay việc triển khai các nghị quyết, chính sách hiện nay vẫn gặp khó khăn do thiếu hướng dẫn cụ thể. Các đơn vị rất cần sự chỉ đạo thống nhất từ cấp có thẩm quyền để thực hiện hiệu quả. Một số hoạt động triển khai chưa đạt kết quả như mong muốn, do đó cần điều chỉnh giải pháp, đồng thời tăng cường kiểm tra, đánh giá.
Nhiều đơn vị còn thiếu nguồn lực tài chính, nhân sự, nên rất cần sự hỗ trợ, phân bổ hợp lý từ cấp trên. Đặc biệt, sự phối hợp và chia sẻ thông tin giữa các đơn vị là yếu tố then chốt, giúp triển khai đồng bộ, hiệu quả các chủ trương, chính sách. Với sự đồng hành của các cấp và sự chủ động từ cơ sở, TP.HCM sẽ thực hiện thành công các mục tiêu phát triển đề ra.
Phối hợp chặt chẽ với Bình Dương và Bà Rịa – Vũng Tàu để xây dựng mô hình hành chính cấp tỉnh mới
Thực hiện Nghị quyết số 60-NQ/TW về việc hợp nhất TP.HCM với Bình Dương và Bà Rịa – Vũng Tàu, thành phố đã chủ động phối hợp với các địa phương để xây dựng các đề án sắp xếp hành chính toàn vùng.
Vừa qua, Ban Tổ chức Thành ủy TP.HCM đã tổ chức cuộc họp với Ban Tổ chức Tỉnh ủy Bình Dương và Bà Rịa – Vũng Tàu, thống nhất cơ chế phối hợp trong xây dựng đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp tỉnh và xã. Tiếp đó, ngày 15/4/2025, Sở Nội vụ ba địa phương tiếp tục họp, rà soát các khu vực ranh giới chồng lấn để đảm bảo phân chia rõ ràng, khoa học, tạo thuận lợi cho quy hoạch, phát triển và quản lý sau này.
Hiện tại, các địa phương đang: Tổ chức lấy ý kiến Nhân dân về phương án sắp xếp hành chính cấp tỉnh. Xây dựng lộ trình sử dụng tài sản công, bố trí trụ sở hành chính và nguồn nhân lực sau hợp nhất. Ưu tiên ổn định bộ máy, bảo đảm quyền lợi cho cán bộ, công chức, viên chức trong thời kỳ đầu thực hiện đề án.
Theo dự thảo hiện hành, trụ sở chính trị – hành chính của đơn vị cấp tỉnh mới sẽ đặt tại TP.HCM, đồng thời duy trì thêm hai cơ sở tại Bình Dương và Bà Rịa – Vũng Tàu để đảm bảo hoạt động thông suốt trong giai đoạn chuyển tiếp.
Giám đốc Sở Nội vụ khẳng định, thành phố đang đặt ưu tiên hàng đầu vào việc giảm thiểu tác động đối với cán bộ, bảo đảm sự ổn định bộ máy, đồng thời giữ lại đội ngũ nhân lực chất lượng cao để tiếp tục phục vụ trong mô hình chính quyền mới.
Việc sắp xếp đơn vị hành chính không chỉ nhằm tinh gọn bộ máy mà còn hướng đến mục tiêu lớn hơn: nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước, cải thiện chất lượng dịch vụ công, phục vụ người dân tốt hơn, đồng thời mở ra không gian phát triển mới cho toàn vùng Đông Nam Bộ.