Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình thăm Nga trong năm tới

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình sẽ thăm Nga vào năm 2025, hãng thông tấn RIA Novosti dẫn lời Đại sứ Nga tại Bắc Kinh cho biết.

Tổng thống Nga Vladimir Putin đón Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại Kazan (Nga) ngày 23/10/2024. (Ảnh: Reuters)

Tổng thống Nga Vladimir Putin đón Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại Kazan (Nga) ngày 23/10/2024. (Ảnh: Reuters)

"Về các sự kiện song phương cụ thể, có thể nói rằng các kế hoạch phù hợp đang được vạch ra", Đại sứ Igor Morgulov nói với RIA, đồng thời xác nhận Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình sẽ đến Nga vào năm tới.

Tổng thống Nga Vladimir Putin đã đến Trung Quốc vào tháng 2/2022, tuyên bố quan hệ đối tác "không giới hạn" với Bắc Kinh.

Ông tiếp tục thăm Bắc Kinh vào tháng 5/2023, sau khi tái đắc cử với chiến thắng vang dội. Cũng trong năm này, Chủ tịch Trung Quốc có chuyến thăm Nga.

Đại sứ Morgulov nói với RIA, rằng Trung Quốc thấu hiểu bản chất cuộc xung đột ở Ukraine, vì họ đang phải đối mặt với nhiều thách thức tương tự. "Mỹ và các đồng minh đang gia tăng áp lực lên Trung Quốc ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương", đại sứ nhận định.

Ông cho biết Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) đang "lên kế hoạch đưa cơ sở hạ tầng quân sự của mình vào khu vực này". Đại sứ Morgulov khẳng định Nga và Trung Quốc phải cùng nhau phản ứng trước chính sách của Mỹ.

"Trên trường quốc tế, hai quốc gia phải có phản ứng kép đối với mối răn đe kép mà phương Tây đang cố gắng theo đuổi liên quan đến Nga và Trung Quốc", đại sứ cho biết.

Trung Quốc và Brazil đã đưa ra một kế hoạch hòa bình cho xung đột Ukraine, kêu gọi đóng băng tiền tuyến và tính đến lợi ích an ninh của cả hai bên.

Nga bày tỏ sự ủng hộ đối với các đề xuất. Trong khi đó, Ukraine bác bỏ sáng kiến này vì cho rằng nó có lợi cho Mátxcơva.

Ngày 26/12, Reuters đưa tin Tổng thống Iran Masoud Pezeshkian sẽ đến thăm Mátxcơva vào ngày 17/1 và ký một thỏa thuận hợp tác với Tổng thống Nga Vladimir Putin.

Nga đã vun đắp mối quan hệ chặt chẽ hơn với Iran và các quốc gia đối đầu với Mỹ, chẳng hạn như Triều Tiên, kể từ khi xung đột bùng phát ở Ukraine.

Bộ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Lavrov cho biết vào tháng 10 rằng Mátxcơva và Tehran có ý định ký một thỏa thuận bao gồm hợp tác quốc phòng chặt chẽ hơn.

Mỹ đã cáo buộc Tehran chuyển giao tên lửa đạn đạo tầm gần cho Nga để sử dụng chống lại Ukraine, và áp đặt lệnh trừng phạt đối với các tàu và công ty mà họ cho là có liên quan đến việc chuyển giao vũ khí cho Mátxcơva. Iran phủ nhận việc cung cấp tên lửa cho Nga.

Minh Hạnh

Theo Reuters

Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/chu-tich-trung-quoc-tap-can-binh-tham-nga-trong-nam-toi-post1704542.tpo
Zalo