Chủ tịch TP.HCM: Không bi quan, không lạc quan với chính sách thuế đối ứng của Mỹ
Chủ tịch Nguyễn Văn Được khẳng định trước mắt, TP.HCM giữ nguyên kịch bản tăng trưởng kinh tế và tiếp tục theo dõi kết quả đàm phán về chính sách thuế đối ứng giữa Việt Nam và Mỹ.
Video: Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Văn Được: TP cần 'bình tĩnh, bản lĩnh' trước chính sách thuế đối ứng của Mỹ
Ngày 9-4, Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Văn Được chủ trì hội thảo về kịch bản tăng trưởng của TP trước tác động của thuế quan mới của Mỹ.
Sau khi nghe các chuyên gia, doanh nghiệp góp ý, Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Văn Được đã phát biểu tiếp thu, chỉ đạo, kết luận hội nghị.

Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Văn Được phát biểu kết luận hội nghị. Ảnh: THUẬN VĂN
Không quá bi quan, không quá lạc quan
Ông Nguyễn Văn Được nhấn mạnh việc tổ chức hội thảo hôm nay thể hiện sự chủ động của TP trong việc xây dựng các kịch bản phù hợp trước tác động từ chính sách thuế quan của Mỹ, giúp TP phát triển đúng như kỳ vọng.
Ông cho rằng lúc này phải bình tĩnh, nhận diện vấn đề, đề ra lối thoát, không nên hốt hoảng. “Chúng ta nhìn nhận vấn đề ở cả hai góc độ, không quá bi quan, không quá lạc quan”- ông Được nói và nhìn nhận ở góc độ tiêu cực, việc áp thuế đối ứng cho Việt Nam chắc chắn ảnh hưởng đến sản xuất, xuất khẩu của thành phố. Qua đó, tác động đến người lao động, tâm lý doanh nghiệp…


Toàn cảnh hội thảo. Ảnh: THUẬN VĂN
Theo Chủ tịch Nguyễn Văn Được, ở góc độ tích cực, đây là cơ hội để TP tái cơ cấu lại nền kinh tế. Hiện kinh tế TP có độ mở lớn, tổng giá trị xuất khẩu lớn khiến TP dễ bị “tổn thương”. Sản phẩm “made by Việt Nam” chiếm tỉ lệ nhỏ trong tổng lợi nhuận và làm sao để sản phẩm “made by Việt Nam” chiếm tỉ lệ cao hơn thì kinh tế mới phát triển bền vững. Chưa kể, tỉ lệ xuất khẩu của TP sang Mỹ còn nhỏ so với tổng giá trị xuất khẩu của TP, trong khi nhiều mặt hàng của TP, Mỹ vẫn đang rất cần.
“Chúng ta bình tĩnh đón nhận và hết sức bản lĩnh để phân tích theo dõi” – ông nhấn mạnh một lần nữa và khẳng định đây là cơ hội để tái cơ cấu kinh tế, chuyển sang các ngành “made by Việt Nam”, đẩy mạnh phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia theo Nghị quyết 57. Từ đó, đòi hỏi các doanh nghiệp phải suy nghĩ để tái cơ cấu, tăng giá trị hàng Việt Nam.
Chủ tịch Nguyễn Văn Được khẳng định: Trước mắt, TP.HCM giữ nguyên kịch bản tăng trưởng kinh tế và tiếp tục theo dõi kết quả đàm phán giữa Việt Nam và Mỹ.


Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Văn Được trao đổi với các đại biểu bên lề hội thảo. Ảnh: THUẬN VĂN
Theo ông Được, nhiều chuyên gia kỳ vọng mức thuế đối ứng 10-15% và 0% đối với một số ngành hàng. Ông đề nghị các sở, ngành theo dõi diễn biến kinh tế - xã hội, tình hình sức khỏe, sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp trên địa bàn, đặc biệt là doanh nghiệp xuất khẩu sang thị trường Mỹ. Qua đó, xem doanh nghiệp cần gì để TP hỗ trợ.
Thời gian tới, TP sẽ tiếp tục đối thoại với doanh nghiệp, hỗ trợ doanh nghiệp về lãi suất, quan tâm các doanh nghiệp start-up theo Nghị quyết 57, giúp doanh nghiệp vượt qua giai đoạn khó khăn. Đồng thời, tổ chức xúc tiến, kết nối doanh nghiệp với doanh nghiệp đạt hiệu quả.
Người đứng đầu chính quyền TP.HCM đề nghị doanh nghiệp phải chủ động nghiên cứu thị trường Mỹ. “Muốn bắt cọp phải vào hang cọp, muốn xuất hàng qua Mỹ thì phải nghiên cứu phong cách của các doanh nghiệp Mỹ” – ông nói và đề nghị doanh nghiệp TP bắt tay với các doanh nghiệp Mỹ để cùng nghiên cứu, hợp tác.
Ngoài ra, chủ động tìm kiếm thị trường mới ở Trung Đông, châu Âu, Nhật Bản… Lúc này, TP.HCM sẽ hỗ trợ kết nối các doanh nghiệp tìm kiếm thị trường mới, kết nối với doanh nghiệp nước ngoài.
Tăng xuất khẩu sang EU
Trước đó, để ứng phó với chính sách thuế quan của Mỹ, Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM đã đề ra một số giải pháp xuất khẩu, nhập khẩu. Trong đó, cần đàm phán để thống nhất được gói giải pháp song phương nhằm hạ nhiệt căng thẳng với mục tiêu đưa mức thuế từ 46% còn 18–25%, thông qua các chính sách nhượng bộ hợp lý. Chẳng hạn như giảm thuế nhập khẩu tối đa đối với hàng hóa từ Mỹ, ban hành chính sách nhằm khuyến khích tăng nhập khẩu nông sản từ Mỹ.
Tăng cường kiểm soát “gian lận xuất xứ” mà trọng tâm là siết chặt hàng chuyển tải từ các nước thứ ba qua Việt Nam để minh bạch chuỗi giá trị, rõ ràng về nguồn gốc xuất xứ các mặt hàng xuất khẩu sang Mỹ.
Đồng thời, nhập khẩu các mặt hàng công nghệ cao, tạo điều kiện các doanh nghiệp Mỹ đầu tư vào Việt Nam, qua đó giúp tăng lượng hàng nhập khẩu công nghệ cao từ Mỹ một cách gián tiếp. Qua đó, đóng góp chung vào giảm thâm hụt thương mại giữa hai quốc gia, nhấn mạnh tính bổ trợ giữa hai nền kinh tế cũng như vượt qua rào cản liên quan đến xuất khẩu công nghệ cao trực tiếp từ Mỹ.
Theo Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM, cần đa dạng hóa thị trường, tăng cường hợp tác quốc tế và tận dụng các FTA Việt Nam đang thực thi; tăng xuất khẩu sang EU (đặc biệt là các quốc gia có mức trao đổi thương mại tăng trưởng ổn định liên tục hàng năm với Việt Nam như Đức, Tây Ban Nha, Ba Lan).
Chưa kể, phát triển chuỗi cung ứng nội khối ASEAN – RCEP – CPTPP; mở rộng hợp tác với Mexico, Canada để tận dụng Hiệp định thương mại Mỹ-Mexico-Canada, mở kênh xuất khẩu gián tiếp qua Mỹ; tận dụng các FTA mà Việt Nam có với các quốc gia Trung Đông (CEPA, VIFTA) để mở rộng giao thương đến thị trường này…