Chủ tịch Tập Cận Bình thăm Ả Rập Saudi: Kế hoạch tham vọng hồi sinh 'Con đường tơ lụa'
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã thăm Ả Rập Saudi từ 7-9/12 theo lời mời của Quốc vương Salman bin Abdulaziz. Chuyến thăm đã thu hút quan tâm đặc biệt của quốc tế bởi nó diễn ra trong bối cảnh đặc biệt.
Đây là chuyến thăm nước ngoài đầu tiên của ông Tập Cận Bình, được tiến hành sau đại hội XX của Đảng Cộng sản Trung Quốc. Ông Tập Cận Bình đã được Riyadh (Thủ đô của Ả Rập Saudi) đón tiếp với nghi lễ đặc biệt ở mức cao nhất.
Trong 3 ngày, với một chương trình hoạt động dày đặc, ngoài các cuộc hội đàm, gặp gỡ song phương với Quốc vương Salman bin Abdulaziz Al Saud và Thái tử Mohammed bin Salman, nhà lãnh đạo Trung Quốc còn đã tham gia 3 hội nghị thượng đỉnh: Ả Rập Saudi - Trung Quốc, Hội đồng hợp tác Vùng Vịnh (GCC) - Trung Quốc, và Ả Rập - Trung Quốc. Đây là sự kiện ngoại giao lớn nhất ở cấp cao nhất giữa Trung Quốc và thế giới Ả Rập kể từ khi thành lập nước CHND Trung Hoa năm 1949.
Chuyến đi được đánh giá là thành công nhất từ trước tới nay.
Bối cảnh chuyến thăm
Đại dịch Covid-19 và cuộc chiến Ukraine đã gây ra nhiều hậu quả, đẩy thế giới vào hỗn loạn và khủng hoảng trầm trọng. Quan hệ quốc tế bị đảo lộn, các nước đang tìm cách sắp xếp và điều chỉnh lại các mối quan hệ quốc tế của mình.
Quan hệ giữa Ả Rập Saudi và Mỹ có nhiều căng thẳng. Việc Riyadh, thông qua liên minh OPEC+, không đáp ứng yêu cầu của Mỹ về tăng sản lượng dầu nhằm bù đắp lại thiếu hụt do cấm vận Nga gây ra không phải là duy nhất.
Các yếu tố gây căng thẳng trong quan hệ hai nước là việc Washington hoàn toàn đứng về phía Israel trong cuộc xung đột Palestine - Israel, cuộc xâm lược Iraq của Mỹ năm 2003 và sự can dự của Riyadh vào cuộc xung đột Yemen. Đặc biệt, phía Mỹ gần đây đã tung ra các bằng chứng về sự liên quan của Riyadh với vụ khủng bố 11/9/2001, bên cạnh các cáo buộc khác nhằm vào Saudi và Thái tử Mohammed bin Salman (MBS).
Mỹ ngừng cung cấp vũ khí cho Riyadh và rút các lượng Mỹ cùng các hệ thống phòng thủ chống tên lửa Patriot và THAAD khỏi Saudi. Nhiều nhà phân tích chính trị cho rằng, mối quan hệ Mỹ - Saudi đang ở điểm thấp nhất trong lịch sử. Riyadh đã mất niềm tin vào đồng minh Mỹ.
Đối đầu chiến lược giữa Trung Quốc và Mỹ leo thang lên một mức độ mới. Washington công bố Chiến lược An ninh Quốc gia coi Trung Quốc là đối thủ cạnh tranh duy nhất. Gần đây, việc Mỹ tăng cường ủng hộ đảo Đài Loan, cung cấp vũ khí cho hòn đảo này đã bị Bắc Kinh phản đối mạnh mẽ.
Kết quả phong phú cả về nội dung và hình thức
Chuyến thăm Riyadh của ông Tập Cận Bình không chỉ phong phú về hình thức mà còn về nội dung.
Hai bên đã ký kết nhiều thỏa thuận hợp tác, quan trọng nhất là thỏa thuận nâng cấp quan hệ giữa hai nước lên tầm "Đối tác chiến lược toàn diện", đồng thời nhất trí tổ chức các cuộc gặp cấp nguyên thủ quốc gia hai năm một lần.
Với thỏa thuận này, Ả Rập Saudi trở thành đối tác chiến lược toàn diện thứ 5 của Trung Quốc sau Nga, Việt Nam, Indonesia và ASEAN. Đối tác chiến lược toàn diện có nghĩa là xây dựng mối quan hệ gắn bó lợi ích lâu dài, hỗ trợ lẫn nhau, thúc đẩy hợp tác sâu rộng và toàn diện trên tất cả các lĩnh vực chính trị, kinh tế, thương mại, an ninh và quốc phòng.
Hợp tác mang tính chất chiến lược lâu dài giữa hai nước là kế hoạch đồng bộ hóa siêu dự án cơ sở hạ tầng toàn cầu "Vành đai, Con đường" của Trung Quốc với dự án "Tầm nhìn 2030" của Ả Rập Saudi.
Trong chuyến thăm, Trung Quốc và Ả Rập Saudi đã nhất trí các trụ cột hợp tác chính gồm năng lượng, thương mại và đầu tư.
Về năng lượng: Trung Quốc là nước nhập khẩu dầu thô lớn nhất thế giới, trong khi Ả Rập Saudi là nước xuất khẩu lớn nhất loại tài nguyên này. Năm 2022, nhập khẩu dầu thô của Trung Quốc dự kiến sẽ tăng lên mức khoảng 10,85 triệu thùng/ngày. Ả Rập Saudi hiện là nước xuất khẩu dầu lớn nhất cho Trung Quốc. Năm 2021, Trung Quốc nhập khẩu 87,58 triệu tấn dầu thô của Ả Rập Saudi, tương đương 1,75 triệu thùng/ngày.
Hai bên thỏa thuận thành lập một trung tâm khu vực tại Ả Rập Saudi cho các nhà máy Trung Quốc nhằm mở rộng hợp tác trong chuỗi cung ứng năng lượng toàn cầu. Đặc biệt quan trọng là Riyadh cam kết cung cấp ổn định, lâu dài dầu mỏ cho Bắc Kinh và đồng ý thảo luận phương thức thanh toán bằng đồng Nhân dân tệ, được coi là một trong những vấn đề mấu chốt trong quan hệ hợp tác giữa hai nước, giảm bớt sự phụ thuộc vào đồng USD.
Trung Quốc và Ả Rập Saudi nhấn mạnh tầm quan trọng của sự ổn định thị trường dầu mỏ toàn cầu và vai trò của Ả Rập Saudi, quốc gia xuất khẩu dầu mỏ lớn nhất thế giới trong việc đạt được sự ổn định này.
Về thương mại, kim ngạch trao đổi thương mại giữa Ả Rập Saudi và Trung Quốc trong 5 năm qua (2017 - 2021) lên tới 1,2 nghìn tỷ Riyal, tương đương 467 tỷ USD. Năm 2021, con số này đạt 304,3 tỷ Riyal, tương đương 87,31 tỷ USD, tăng 37% so với năm 2020, trong đó Saudi xuất khẩu sang Trung Quốc tăng 59% và nhập khẩu tăng 12%.
Riêng trong quý 3 năm 2022, trao đổi thương mại hai nước đã lên tới 27 tỷ USD. Dự kiến cả năm 2022, kim ngạch thương mại giữa Bắc Kinh và Riyadh sẽ đạt 101 tỷ USD, trong đó Trung Quốc nhập dầu của Ả Rập Saudi 57 tỷ USD và Ả Rập Saudi nhập hàng hóa Trung Quốc 44 tỷ USD.
Hai bên nhất trí tăng khối lượng trao đổi thương mại, đặc biệt là các sản phẩm phi dầu mỏ.
Về đầu tư, Thái tử Mohammed bin Salman coi Trung Quốc là đối tác quan trọng trong "Tầm nhìn 2030" của mình, tạo điều kiện để các công ty Trung Quốc tham gia vào các dự án lớn đầy tham vọng của Ả Rập Saudi nhằm đa dạng hóa nền kinh tế, giảm phụ thuộc vào dầu mỏ. Dự án xây dựng thành phố NEOM với giá trị đầu tư 500 tỷ USD sẽ là cơ hội lớn cho các nhà đầu tư Trung Quốc.
Trung Quốc và Ả Rập Saudi đã ký 34 thỏa thuận đầu tư trong các lĩnh vực khác nhau với tổng trị giá lên tới 29,3 tỷ USD gồm năng lượng xanh, năng lượng mặt trời, công nghệ thông tin, vận tải, hậu cần, y tế, xây dựng và bất động sản.
Đặc biệt trong số đó là một bản ghi nhớ về hợp tác với tập đoàn Huawei của Trung Quốc, một tập đoàn công nghệ thông tin tạo ra mạng 5G mà Mỹ tẩy chay, đồng thời xây dựng các khu phức hợp công nghệ cao ở các thành phố của Ả Rập Saudi.
Ngoài năng lượng, thương mại và đầu tư, trong quan hệ với Trung Quốc, Riyadh còn quan tâm đến hợp tác trong lĩnh vực quốc phòng. Năm 2017, hai nước đã thỏa thuận xây dựng một nhà máy ở Ả Rập Saudi để sản xuất máy bay không người lái. Trong năm nay, Ả Rập Saudi đã mua vũ khí của Trung Quốc với giá trị 4 tỷ USD, gồm máy bay không người lái UAV, tên lửa chống hạm và hệ thống laser chống máy bay không người lái. Các nguồn tin tình báo của Mỹ cho biết Trung Quốc đang giúp Ả Rập Saudi chế tạo tên lửa của riêng mình.
Ngoài cuộc họp thượng đỉnh với Quốc vương Salman bin Abdulaziz và Thái tử MBS của Ả Rập Saudi, ông Tập Cận Bình đã tham gia hai hội nghị thượng đỉnh khác là GCC - Trung Quốc và Ả Rập - Trung Quốc với sự tham gia của lãnh đạo các nước vùng Vịnh, Ả Rập và các tổ chức quốc tế.
Đây là hội nghị thượng đỉnh GCC - Trung Quốc và thượng đỉnh Ả Rập - Trung Quốc đầu tiên được tổ chức tại Riyadh dưới khẩu hiệu "Hợp tác và Phát triển" nhằm thảo luận các biện pháp tăng cường quan hệ trong mọi lĩnh vực và triển vọng hợp tác kinh tế và phát triển.
Các hội nghị này đã thành công tốt đẹp. Trung Quốc và các nước Ả Rập đã thỏa thuận thiết lập 17 cơ chế hợp tác trong nhiều lĩnh vực chính trị, kinh tế, thương mại, đặc biệt về năng lượng, an ninh lương thực và chuỗi cung ứng.
Các con số thống kê cho biết, trao đổi thương mại giữa các nước Ả Rập và Trung Quốc đã vượt 330 tỷ USD và hội nghị đã nêu quyết tâm tăng kim ngạch lên hơn nữa trong những năm tới. Nhằm tạo điều kiện thực hiện các mục tiêu này, Trung Quốc các nước GCC đã ký Hiệp định thương mại tự do (FTA) và thỏa thuận thành lập khu vực thương mại tự do (FZ) Trung Quốc - Vùng Vịnh tại Ả Rập Saudi.
Đặc biệt quan trọng là các nước GCC tiếp tục khẳng định vai trò là nguồn cung cấp năng lượng ổn định đáng tin cậy đáp ứng nhu cầu của Trung Quốc.
Nguồn gốc sâu xa mối quan hệ Trung Quốc - Ả Rập
Quan hệ giữa Trung Quốc và các nước Ả Rập có nguồn gốc sâu xa. Từ thế kỷ thứ 2 trước công nguyên đã hình thành con đường tơ lụa buôn bán nhộn nhịp giữa Trung Quốc và khu vực Trung Đông. Năm 631 công lịch, khi xuất hiện đạo Hồi, nhà Tiên tri Mohammed đã nói một câu nổi tiếng: "Muốn có kiến thức thì phải đi đến Trung Quốc."
Kết quả chuyến thăm Ả Rập Saudi và các hội nghị thượng đỉnh GCC - Trung Quốc và thượng đỉnh Ả Rập - Trung Quốc, đặc biệt là kế hoạch phối hợp giữa "Tầm nhìn 2030" của Thái tử MBS và sáng kiến ‘Vành đai, Con đường" của Chủ tịch Tập Cận Bình sẽ góp phần vào việc khôi phục lại "Con đường tơ lụa" cổ xưa, xây dựng một "Con đường tơ lụa mới" gắn kết giữa Trung Quốc với thế giới Ả Rập.