Chủ tịch Sovico: Chính phủ hãy tin tưởng những doanh nghiệp tư nhân
Khẳng định năng lực, sáng kiến của các tập đoàn tư nhân Việt Nam là không giới hạn, Chủ tịch Sovico mong muốn lãnh đạo Chính phủ hãy tin tưởng ở những doanh nghiệp tư nhân, đồng thời, tạo điều kiện xây dựng các quy định, pháp luật, cơ chế cho các doanh nghiệp dân tộc.
Phát biểu tại Hội nghị của Thường trực Chính phủ làm việc với các doanh nghiệp tư nhân lớn ngày 21/9, bà Nguyễn Thị Phương Thảo, Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Tập đoàn Sovico bày tỏ, hội nghị của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính là nguồn động viên to lớn và vô cùng ý nghĩa cho các tập đoàn kinh tế tư nhân.
Đi qua nhiều thách thức, khó khăn, dưới sự chỉ đạo sát sao của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các doanh nghiệp Việt Nam ngày càng phát triển, có đạo đức, có trách nhiệm xã hội, văn hóa kinh doanh mang bản sắc dân tộc.
Các doanh nghiệp có năng lực cạnh tranh quốc tế góp phần xây dựng một Việt Nam năng động, sáng tạo với tầm vóc và vị thế mới, bà Thảo khẳng định.
Chủ tịch Sovico nhận định, giai đoạn từ 2021 đến nay là giai đoạn nhiều thách thức nhất với nền kinh tế Việt Nam kể từ khi Đổi mới tới nay. Chưa bao giờ nền kinh tế phải đối mặt với những khó khăn, thậm chí khủng hoảng lớn đến thế, như đại dịch Covid-19, xung đột ngay tại châu Âu, cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn, đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu, những biến động trong nước.
"Gần đây nhất, trong những ngày qua là cơn siêu bão Yagi, cơn bão lịch sử với những hậu quả mang tính thảm họa. Thế nhưng, con thuyền kinh tế Việt Nam vẫn mạnh mẽ tiến lên, lập những kỳ tích mới, niềm tin của người dân và doanh nghiệp với Đảng, Nhà nước, Chính phủ được tăng cao," nữ tỷ phú nói.
Khẳng định năng lực, sáng kiến của các tập đoàn tư nhân Việt Nam là không giới hạn, Chủ tịch Sovico mong muốn lãnh đạo Chính phủ hãy tin tưởng ở những doanh nghiệp tư nhân, đồng thời, tạo điều kiện xây dựng các quy định, pháp luật, cơ chế cho các doanh nghiệp dân tộc. Từ đó, hình thành các tập đoàn kinh tế tư nhân có sức mạnh và thương hiệu quốc gia, quốc tế làm đầu tàu và thúc đẩy các doanh nghiệp vừa và nhỏ, khu vực nông nghiệp và nông thôn, các công ty khởi nghiệp.
Bà Nguyễn Thị Phương Thảo đề nghị Chính phủ tạo môi trường pháp luật cho phát triển giáo dục, đào tạo, nghiên cứu khoa học và công nghệ, thúc đẩy đổi mới sáng tạo, đặc biệt đào tạo nghề và tăng năng suất lao động toàn xã hội.
"Có thêm cơ chế để các doanh nghiệp Việt Nam chủ động đầu tư, xây dựng một đội máy bay hùng mạnh mang quốc tịch Việt Nam sẽ góp phần cho một Việt Nam hùng cường," bà Thảo đề xuất.
Đồng thời, trong điều kiện những thách thức về kinh tế hiện nay, cần tạo điều kiện để hàng không thu hút nhanh nhất du lịch, giao thương, đầu tư quốc tế đến Việt Nam.
"Hãy biến Việt Nam thành trung tâm hàng không của khu vực và thế giới. Với vị trí thuận lợi, chúng ta hãy khẩn trương đầu tư, nâng cấp hệ thống sân bay quốc tế để trở thành trung tâm trung chuyển hành khách và hàng hóa quốc tế như Bangkok, Singapore, Hàn Quốc…," bà Nguyễn Thị Phương Thảo nói.
Theo bà Thảo, Việt Nam đã bắt đầu sản xuất linh kiện tàu bay. Với số lượng đặt hàng tàu bay lớn, Việt Nam có điều kiện để trở thành trung tâm sản xuất linh kiện và lắp ráp tàu bay như Trung Quốc đang sản xuất linh kiện tàu bay Boeing và lắp ráp tàu bay Airbus.
"Tập đoàn Sovico và các doanh nghiệp của chúng tôi như Vietjet sẽ tiếp tục nỗ lực, đóng góp bền bỉ cho hàng không và du lịch Việt Nam phát triển nhanh và bền vững. Chúng tôi tin rằng, phía trước là tương lai tươi sáng cho kinh tế Việt Nam với tinh thần tiên phong của hàng không, du lịch và các doanh nhân dân tộc chúng ta hãy cùng hành động để tương lai ấy đến gần hơn," Chủ tịch Sovico bày tỏ.
Giao nhiệm vụ cho các tập đoàn tư nhân phát triển các dự án công nghệ cao
Phát biểu tại "Hội nghị Diên Hồng" của doanh nghiệp tư nhân sáng 21/9, Chủ tịch Tập đoàn T&T Group Đỗ Quang Hiển bày tỏ, tập đoàn luôn đồng hành, cống hiến vì sự phát triển hùng cường, thịnh vượng của đất nước. Cụ thể, T&T đang hoạt động trên nhiều lĩnh vực quan trọng với tổng trị giá hàng chục tỷ USD, nhất là dự án logistics công nghệ cao, tiên tiến tại Vĩnh Phúc nằm trong chuỗi giá trị, cung ứng nằm trong kết nối Trung Quốc và ASEAN, thu hút các nhà đầu tư công nghệ cao vào đầu tư.
Cùng đó, tập đoàn đang hợp tác với các tập đoàn lớn của thế giới đầu tư dự án điện gió, mặt trời với tổng công suất hơn 1.000MW đã đi vào hoạt động; khởi công dự án điện khí hơn 1.500MW ở Quảng Trị, ký hợp đồng với Tập đoàn SK (Hàn Quốc) để sản xuất hydrogen; đầu tư tổ hợp khí và đầu tư sân bay ở Quảng Trị…
"Đối với sân bay Quảng Trị đã có quy hoạch tích hợp tổ hợp đô thị công nghiệp sân bay, nhất là công nghiệp chế tạo, bảo trì, bảo dưỡng hàng không, tiến tới sản xuất các linh kiện từ cấp 1 đến cấp cao. Hiện, dự án đang được Tập đoàn tích cực triển khai và dự kiến tháng 5/2026 sẽ khánh thành sân bay Quảng Trị. Mong Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ủng hộ quy hoạch này," Chủ tịch T&T nói.
Ông Đỗ Quang Hiển cũng mong Thủ tướng Chính phủ và Bộ Công thương quan tâm, sớm xem xét dự án của Tập đoàn liên doanh với SK sản xuất hydrogen, thu hồi khí thải carbon cũng như liên doanh với một tập đoàn của Đan Mạch để xúc tiến dự án điện gió ngoài khơi.
Nhìn rộng hơn, ông Đỗ Quang Hiển mong Chính phủ có cơ chế giao nhiệm vụ cho các tập đoàn tư nhân phát triển các dự án công nghệ cao, đòi hỏi công nghệ, quản trị tài chính miễn là bảo đảm tuân thủ các quy định, nhất là liên quan an ninh quốc phòng; đào tạo, chuyển giao công nghệ.