Chủ tịch Quốc hội đề nghị không phân biệt đối xử giữa khám bệnh dịch vụ và khám bệnh bảo hiểm
Sáng ngày 25/9/2024, tiếp tục phiên họp thứ 37, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế.
Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan trình bày Tờ trình về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế.
Theo Bộ trưởng Bộ Y tế, dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung 40 điều về đối tượng tham gia bảo hiểm y tế, trách nhiệm đóng, quyền lợi, phạm vi hưởng, tổ chức khám chữa bệnh bảo hiểm y tế, quản lý quỹ và một số quy định kỹ thuật.
Thể hiện đầy đủ theo 4 nhóm chính sách đã được Chính phủ thông qua, dự án Luật tập trung sửa đổi, bổ sung các quy định cần thống nhất, đồng bộ với các luật có liên quan, khắc phục các bất cập của luật hiện hành có tính cấp bách.
Thẩm tra sơ bộ dự án Luật, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh cho biết, Thường trực Ủy ban Xã hội cơ bản nhất trí với việc dự thảo Luật đã lược bỏ một số nội dung chưa được kiểm chứng trong thực tế, những vấn đề còn có ý kiến khác nhau, cần được nghiên cứu sâu, đánh giá kỹ lưỡng.
Thường trực Ủy ban Xã hội đề nghị bổ sung Báo cáo kinh nghiệm pháp luật quốc tế đối với những chính sách mới tại dự thảo Luật, nhất là pháp luật của những quốc gia có sự tương đồng với Việt Nam về điều kiện kinh tế, xã hội và về hệ thống y tế, quản trị y tế.
Hiện nay, các vấn đề liên quan đến bảo hiểm y tế, cơ sở khám chữa bệnh bảo hiểm y tế, cải cách hành chính trong khám, điều trị bệnh bảo hiểm y tế thường xuyên được nhân dân nêu trong các cuộc tiếp xúc cử tri.
Phát biểu tại phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đề nghị không được phân biệt đối xử và phải đảm bảo công bằng giữa khám bệnh dịch vụ và khám bệnh bảo hiểm.
"Phải quán triệt căn bản để người có tiền đi khám dịch vụ và người không có tiền đi khám bảo hiểm y tế được đối xử công bằng", Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.
Bảo hiểm y tế là một cơ chế tài chính y tế, đồng thời là chính sách an sinh xã hội, thực hiện theo mục tiêu công bằng, hiệu quả trong chăm sóc sức khỏe nhân dân. Theo Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn, thách thức lớn hiện nay là đảm bảo tốt hơn quyền lợi của người tham gia bảo hiểm y tế, giảm chi tiêu cá nhân của người sử dụng dịch vụ y tế, nâng cao hiệu quả hoạt động y tế cơ sở, nâng cao độ phủ của bảo hiểm y tế trong toàn dân đạt được chỉ tiêu đề ra.
Chủ tịch Quốc hội đề nghị việc sửa đổi Luật Bảo hiểm y tế cần bám sát các Nghị quyết của Đảng, đảm bảo thống nhất với các quy định của pháp luật có liên quan. Cần cân nhắc để phạm vi sửa đổi luật đã tập trung vào các nội dung thật sự cần thiết sửa đổi, tháo gỡ những bất cập, vướng mắc, khó khăn đã được tổng kết qua thực tiễn, nghiên cứu kỹ lưỡng để đảm bảo tính khả thi.