Chủ tịch quận, phường ở Đà Nẵng được làm những gì khi tổ chức chính quyền đô thị?

Chính phủ vừa có quy định chi tiết về tổ chức chính quyền đô thị tại TP Đà Nẵng, có hiệu lực từ ngày 1-1-2025.

Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Hòa Bình vừa ký ban hành Nghị định 170/2024/NĐ-CP quy định chi tiết về tổ chức chính quyền đô thị tại TP Đà Nẵng, có hiệu lực từ ngày mai (1-1-2025).

Nghị định này quy định cụ thể về tổ chức hoạt động của UBND quận và chế độ trách nhiệm của Chủ tịch UBND quận; tổ chức hoạt động của UBND phường và chế độ trách nhiệm của Chủ tịch UBND phường; bầu cử, tuyển dụng, quản lý, sử dụng công chức làm việc tại UBND quận và cán bộ, công chức làm việc tại phường, xã; lập dự toán, chấp hành và quyết toán ngân sách quận, phường trên địa bàn TP Đà Nẵng.

UBND quận

Cụ thể, UBND quận làm việc theo chế độ thủ trưởng; bảo đảm nguyên tắc tập trung dân chủ. Chủ tịch UBND quận quyết định những nội dung thuộc nhiệm vụ, quyền hạn của UBND quận, Chủ tịch UBND quận và chịu trách nhiệm về quyết định của mình.

Trường hợp khuyết Chủ tịch UBND quận thì Chủ tịch UBND TP quyết định giao quyền Chủ tịch UBND quận cho đến khi có quyết định bổ nhiệm Chủ tịch UBND quận.

Nhiệm vụ, quyền hạn của UBND quận quy định tại các điểm b, c, đ, e, g, l, m khoản 3 Điều 7 Nghị quyết số 136/2024/QH15 (trừ nhiệm vụ đình chỉ việc thi hành, bãi bỏ một phần hoặc toàn bộ văn bản trái pháp luật của cơ quan chuyên môn thuộc UBND quận và văn bản trái pháp luật của UBND phường) phải được thảo luận tập thể trước khi Chủ tịch UBND quận quyết định. Công chức của quận làm việc theo Quy chế làm việc của UBND quận, bảo đảm tuân thủ các quy định của pháp luật.

 Chủ tịch UBND quận vi phạm trách nhiệm thì bị xem xét xử lý theo quy định tại Luật Cán bộ, công chức và quy định của pháp luật có liên quan. Ảnh: MINH TRƯỜNG.

Chủ tịch UBND quận vi phạm trách nhiệm thì bị xem xét xử lý theo quy định tại Luật Cán bộ, công chức và quy định của pháp luật có liên quan. Ảnh: MINH TRƯỜNG.

Tập thể quy định tại khoản này gồm: Chủ tịch UBND quận, Phó Chủ tịch UBND quận, Chỉ huy trưởng Ban chỉ huy quân sự quận, Trưởng Công an quận và người đứng đầu các cơ quan chuyên môn thuộc UBND quận. Căn cứ vào nội dung cuộc họp, Chủ tịch UBND quận có thể mời thêm các thành phần khác có liên quan.

Hoạt động của UBND quận phải đáp ứng sự hài lòng của người dân, tuân thủ trình tự, thủ tục, đúng thẩm quyền được giao, theo đúng quy định của pháp luật và Quy chế làm việc của UBND quận. Đẩy mạnh cải cách hành chính, ứng dụng dịch vụ công trực tuyến vào giải quyết thủ tục hành chính cho cá nhân, tổ chức tại quận và theo quy định của pháp luật, bảo đảm các hoạt động của UBND quận dân chủ, công khai, minh bạch, thống nhất, thông suốt, hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả.

Chỉ huy trưởng Ban chỉ huy quân sự quận, Trưởng Công an quận tham mưu, chịu sự chỉ đạo, điều hành của Chủ tịch UBND quận trong việc thực hiện nhiệm vụ về quốc phòng, an ninh, biện pháp bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, đấu tranh phòng, chống tội phạm và các hành vi vi phạm pháp luật khác trên địa bàn theo quy định của pháp luật; tham gia ý kiến đối với các nội dung được thảo luận tập thể quy định tại khoản 3 Điều này.

UBND phường

UBND phường làm việc theo chế độ thủ trưởng, bảo đảm nguyên tắc tập trung dân chủ. Chủ tịch UBND phường quyết định những nội dung thuộc nhiệm vụ, quyền hạn của UBND phường, Chủ tịch UBND phường và chịu trách nhiệm về quyết định của mình.

Trường hợp khuyết Chủ tịch UBND phường thì Chủ tịch UBND quận quyết định giao quyền Chủ tịch UBND phường cho đến khi có quyết định bổ nhiệm Chủ tịch UBND phường.

Nhiệm vụ, quyền hạn cụ thể của UBND phường quy định tại các điểm b, c và g khoản 3 Điều 8 Nghị quyết số 136/2024/QH15 phải được thảo luận tập thể trước khi Chủ tịch UBND phường quyết định và chịu trách nhiệm về quyết định của mình.

 Chủ tịch UBND phường là người đứng đầu UBND phường, có trách nhiệm lãnh đạo, quản lý, điều hành toàn diện mọi hoạt động của UBND phường theo Quy chế làm việc của UBND phường, bảo đảm nguyên tắc tập trung dân chủ và tuân thủ các quy định của pháp luật. Ảnh: MINH TRƯỜNG.

Chủ tịch UBND phường là người đứng đầu UBND phường, có trách nhiệm lãnh đạo, quản lý, điều hành toàn diện mọi hoạt động của UBND phường theo Quy chế làm việc của UBND phường, bảo đảm nguyên tắc tập trung dân chủ và tuân thủ các quy định của pháp luật. Ảnh: MINH TRƯỜNG.

Tập thể quy định tại khoản này gồm Chủ tịch UBND phường, Phó Chủ tịch UBND phường, Chỉ huy trưởng Ban Chỉ huy quân sự phường, Trưởng Công an phường và các công chức khác có liên quan. Căn cứ vào nội dung cuộc họp, Chủ tịch UBND phường có thể mời thêm các thành phần khác có liên quan.

Hoạt động của UBND phường phải đáp ứng sự hài lòng của người dân, tuân thủ trình tự, thủ tục, đúng thẩm quyền được giao, theo đúng quy định của pháp luật và Quy chế làm việc của UBND phường. Đẩy mạnh cải cách hành chính, ứng dụng dịch vụ công trực tuyến vào giải quyết thủ tục hành chính cho cá nhân, tổ chức tại phường theo quy định của pháp luật, bảo đảm các hoạt động của UBND phường dân chủ, công khai, minh bạch, thống nhất, thông suốt, hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả.

Trưởng Công an phường tham mưu, chịu sự chỉ đạo điều hành của Chủ tịch UBND phường trong việc thực hiện nhiệm vụ về an ninh, biện pháp bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, đấu tranh phòng, chống tội phạm và các hành vi vi phạm pháp luật khác trên địa bàn theo quy định của pháp luật; tham gia, có ý kiến đối với các nội dung được thảo luận tập thể quy định tại khoản 3 Điều này.

Nghị định này có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 01 năm 2025. Nghị định số 34/2021/NĐ-CP ngày 29 tháng 3 năm 2021 của Chính phủ quy định chi tiết và biện pháp thi hành Nghị quyết số 119/2020/QH14 ngày 19 tháng 6 năm 2020 của Quốc hội về thí điểm tổ chức chính quyền đô thị và một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Đà Nẵng hết hiệu lực từ ngày Nghị định này có hiệu lực thi hành.

Minh Trường

Nguồn PLO: https://plo.vn/chu-tich-quan-phuong-o-da-nang-duoc-lam-nhung-gi-khi-to-chuc-chinh-quyen-do-thi-post827736.html
Zalo