Chủ tịch PNJ: 'Không đặt mục tiêu lợi nhuận dựa trên việc giá vàng lên hay xuống'
Khi xây dựng kế hoạch kinh doanh, Chủ tịch PNJ cho biết, công ty không đặt mục tiêu lợi nhuận dựa trên việc giá vàng lên hay xuống.

Đại hội đồng cổ đông PNJ. Ảnh: PNJ
Sáng ngày 26/4, CTCP Vàng bạc Đá quý Phú Nhuận (HoSE: PNJ) tổ chức họp Đại hội đồng cổ đông thường niên 2025.
Chia sẻ tại đại hội, Tổng Giám đốc Lê Trí Thông cho biết, đầu năm 2024 đã hy vọng có nhiều sự hồi phục của sức mua nhưng thực tế 2024 cũng có nhiều khó khăn với ngành hàng trang sức/đá quý. PNJ đã đối diện cơn bão kép, từ thiếu nguồn cung nguyên liệu đến sức mua suy giảm.
"Nhìn bầu trời thì vẫn sáng chứ chưa tối đen, nhưng có rất nhiều gió ngược và đá ngầm, mà các công ty trong ngành phải đối mặt. Giá vàng tăng ngoài sức tưởng tượng của các đơn vị phân tích, PNJ là đơn vị kinh doanh trang sức nên vàng chính là đầu vào, do đó giá vàng tăng lại có ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh," lãnh đạo PNJ cho biết.
Dù vậy, PNJ vẫn ghi nhận doanh thu thuần 37.823 tỷ đồng, cao hơn 14% so với năm 2023. Lợi nhuận sau thuế cao kỷ lục 2.113 tỷ đồng, tăng hơn 7% so với cùng kỳ.
Với kết quả đạt được, về phương án phân phối lợi nhuận, HĐQT PNJ trình kế hoạch chia cổ tức năm 2024 theo như kế hoạch với 20% bằng tiền mặt. Trong đó, công ty đã tạm ứng 6%, dự kiến sẽ chi trả thêm 14% thời gian tới, tương ứng còn trả 473 tỷ đồng. Kế hoạch cổ tức năm 2025 tiếp tục giữ ở mức 20%.
Mục tiêu 2025 thận trọng, tập trung đầu tư dài hạn
Năm nay, PNJ trình cổ đông kế hoạch kinh doanh thận trọng. Công ty dự kiến doanh thu 31.607 tỷ đồng, thấp hơn 17% so với cùng kỳ, chỉ tiêu lợi nhuận sau thuế gần 1.960 tỷ đồng, giảm 7% so với mức kỷ lục của năm ngoái.
Quý đầu năm 2025, PNJ ghi nhận doanh thu 9.635 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế đạt 678 tỷ đồng; giảm lần lượt 23% và 8% so với cùng kỳ năm ngoái. Kết quả này tương đương gần 35% kế hoạch lợi nhuận cả năm.
Chủ tịch HĐQT Cao Thị Ngọc Dung cho biết ngành vàng/trang sức vẫn khó khăn, với các đơn vị thiếu bãn lĩnh là không có lối ra. Tuy nhiên, công ty vẫn luôn nổ lực và tìm ra lối đi mới để vượt khó khăn, tiến lên phía trước.
Bước vào 2025 tình hình càng khó khăn hơn, khi nguồn cung nguyên liệu quá sức khó khăn. Giá vàng lên công ty phải có phương pháp cân bằng lượng vàng và phương án dự trù trong tương lai.
Cũng theo bà Cao Thị Ngọc Dung, nhiều người lầm tưởng rằng giá vàng tăng thì doanh nghiệp vàng sẽ có lãi, còn khi giá giảm thì sẽ lỗ nhưng điều đó không đúng trong ngành kinh doanh trang sức. Bởi chỉ có nhà đầu tư, đầu cơ vàng mới có lãi hoặc lỗ theo biến động giá. Còn với những doanh nghiệp như PNJ, hoạt động dựa trên một quy luật cân bằng riêng, không đặt mục tiêu lợi nhuận dựa trên việc giá vàng lên hay xuống.
Ban lãnh đạo PNJ nhận định trong nguy có cơ, do đó có kế hoạch mở thêm 12-25 cửa hàng để tận dụng khoảng trống thị trường, nhằm gia tăng sự hiện diện tại các thị trường tiềm năng. Đây là một phần trong mục tiêu có 500 cửa hàng vào 2030. Công ty cũng sẽ nâng công suất nhà máy trang sức từ 4 triệu lên 5 triệu sản phẩm mỗi năm, sẵn sàng đón cơ hội khi thị trường hồi phục.
PNJ dữ trữ nguyên liệu vàng không thể quá nhiều
Lãnh đạo PNJ cũng cho biết công ty không thể dữ trữ nguyên liệu vàng quá nhiều, do không muốn đánh cược vào rủi ro trượt giá nên chỉ dự trữ nằm trong biên độ quản trị rủi ro cho phép.
Bà Cao Thị Ngọc Dung cho biết, giá vàng lên xuống trong ngày, nguồn nguyên liệu không ổn định, nên đôi khi phải ra quyết định nhanh, ví dụ như tạm dừng sản xuất hay tạm cho công nhân nghỉ. Điều này không phải do thiếu năng lực quản lý, mà là để đảm bảo hiệu quả dài hạn và bảo vệ giá trị doanh nghiệp.
Theo bà Dung, PNJ cũng có áp dụng các phương pháp quản trị rủi ro rất chặt chẽ. Việc tồn kho, cân đối cung - cầu hay quyết định thời điểm mua vào - bán ra không chỉ dựa vào dữ liệu, mà còn cần tới kinh nghiệm, sự nhạy bén và cả cảm nhận thị trường, thứ mà không phải lúc nào cũng diễn giải được bằng số liệu.
Tăng vốn điều lệ thông qua phát hành cổ phiếu ESOP
HĐQT PNJ trình cổ đông thông qua phương án phát hành cổ phiếu theo chương trình lựa chọn cho người lao động (ESOP) trong năm 2025. Cụ thể, PNJ dự kiến phát hành hơn 3,2 triệu cổ phiếu, tương đương 0,96% số lượng cổ phiếu đang lưu hành, với giá 20.000 đồng/cổ phiếu.
Đối tượng nhận ESOP bao gồm các thành viên HĐQT, Ban điều hành, cố vấn cấp cao, giám đốc, chuyên gia và nhân sự chủ chốt tại PNJ và các công ty thành viên. Sau đợt phát hành này, vốn điều lệ của PNJ sẽ tăng từ 3.381 tỷ đồng lên hơn 3.413 tỷ đồng.
Mặt khác, HĐQT trình ĐHĐCĐ chủ trương mua lại tối đa 8 triệu cổ phiếu, tương đương 2,55% tổng số cổ phiếu đang lưu hành để giảm vốn điều lệ. Liên quan đến kế hoạch mua lại cổ phiếu, ban lãnh đạo PNJ cho biết đây là biện pháp dự phòng để bảo vệ lợi ích của cổ đông trong bối cảnh thị trường chứng khoán diễn biến phức tạp do tác động từ chính sách thuế đối với các đối tác thương mại của Hoa Kỳ, trong đó có Việt Nam.
Sẽ chuyển đổi từ công ty trang sức sang công ty lifestyle
Chia sẻ tại đại hội về định hướng kinh doanh, PNJ cho biết, có kế hoạch đầu tư với một số startup để tiếp cận một số thương hiệu thời trang quốc tế, tăng số lượng sản phẩm trong mảng kinh doanh mới.
Trong năm nay có thể có thêm các hợp tác quốc tế mới, chưa công bố chi tiết bởi còn cam kết thông tin. Dự kiến cuối quý 2 và đầu quý 3 sẽ giới thiệu các hợp tác quốc tế về ngành hàng thời trang, trong đó, công ty đã ký hợp đồng phân phối cho nhãn hàng cao cấp nam của Italy.
"Chúng tôi định hướng chuyển đổi từ công ty trang sức sang công ty lifestyle. PNJ sẽ có kế hoạch hợp tác các mảng mới với chiến lược riêng, tùy theo đặc điểm ngành hàng để mở rộng khác nhau," Chủ tịch PNJ chia sẻ.