Chủ tịch nước yêu cầu tổ chức các cơ quan tư pháp gần dân, sát dân, bảo vệ quyền con người, quyền công dân
Chiều 8/5, trong khuôn khổ Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV, thảo luận ở tổ về hai dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Tòa án nhân dân và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Viện kiểm sát nhân dân, Chủ tịch nước Lương Cường đề nghị các đại biểu Quốc hội nghiên cứu kỹ để đóng góp hoàn thiện dự luật đạt được các yêu cầu phát triển mới.

Chủ tịch nước Lương Cường, đại biểu Quốc hội TP Hồ Chí Minh phát biểu tại tổ. Ảnh: An Đăng/TTXVN
Theo Chủ tịch nước, mục tiêu của chúng ta là xây dựng nhà nước pháp quyền XHCN của dân, do dân, vì dân. Nhà nước pháp quyền phải dựa trên Hiến pháp, pháp luật, thượng tôn Hiến pháp, pháp luật. Luật Tổ chức Tòa án nhân dân, Luật Tổ chức Viện Kiểm sát nhân dân phải tuân thủ theo Hiến pháp, bảo vệ quyền con người, quyền công dân, đồng thời phải bảo đảm thống nhất, đồng bộ hệ thống pháp luật và các cơ quan tư pháp.
Cụ thể, Chủ tịch nước đề nghị cần làm rõ các vấn đề liên quan về tổ chức bộ máy; số lượng, chất lượng cán bộ, thẩm phán tòa án; cán bộ, kiểm sát viên Viện Kiểm sát; về thẩm quyền, nhiệm vụ, quyền hạn; mối quan hệ giữa Cơ quan điều tra - Viện Kiểm sát - Tòa án.
Lưu ý mục tiêu sửa các luật này là để đáp ứng thể chế hóa chủ trương của Đảng về tổ chức bộ máy tinh, gọn, mạnh, hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả, Chủ tịch nước nhấn mạnh, phải nghiên cứu tổ chức các cơ quan tư pháp “thực sự gần dân, sát dân, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người dân”; “khắc phục được những vướng mắc, tồn tại trên thực tiễn và sẵn sàng đáp ứng yêu cầu phát triển”.

Chủ tịch nước Lương Cường, đại biểu Quốc hội TP Hồ Chí Minh phát biểu tại tổ. Ảnh: An Đăng/TTXVN
Chủ tịch nước chỉ ra rằng, trong hệ thống cơ quan tư pháp của ta hiện nay, Cơ quan điều tra, Viện Kiểm sát, Tòa án có những chỗ vướng. Cùng một vụ việc nhưng quan điểm của các cơ quan tư pháp khác nhau.
“Cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nói luật của mình, quy định của mình, chưa đúng thì mình sửa. Tôi cho rằng mục đích cao nhất là làm sao được cho đất nước, được cho Đảng, được cho nhân dân”, Chủ tịch nước Lương Cường nhấn mạnh; đồng thời đề nghị các đại biểu nghiên cứu thêm về tổ chức bộ máy các cơ quan này.

Chủ tịch nước Lương Cường, đại biểu Quốc hội TP Hồ Chí Minh phát biểu tại tổ. Ảnh: An Đăng/TTXVN
Bên cạnh đó, Chủ tịch nước nhấn mạnh vấn đề quan trọng là bảo đảm sự thống nhất, đồng bộ giữa các quy định của pháp luật về các cơ quan tư pháp. Làm sao các cơ quan tư pháp hoạt động độc lập và chỉ tuân theo Hiến pháp, pháp luật; có sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan.