Chủ tịch nước Tô Lâm lẩy Kiều khi thăm Trường song ngữ Lào - Việt Nam

Trích dẫn câu thơ trong truyện Kiều của Nguyễn Du 'Thiện căn ở tại lòng ta/Chữ tâm kia mới bằng ba chữ tài', Chủ tịch nước mong muốn các thầy cô giáo nhà trường cần xác định rõ, giáo dục-đào tạo là sự nghiệp của Đảng, Nhà nước và của toàn dân.

Chủ tịch nước Tô Lâm thăm Trường song ngữ Lào - Việt Nam Nguyễn Du ngày 12/7. (Ảnh: TTXVN)

Chủ tịch nước Tô Lâm thăm Trường song ngữ Lào - Việt Nam Nguyễn Du ngày 12/7. (Ảnh: TTXVN)

Trong khuôn khổ chương trình chuyến thăm cấp Nhà nước tới CHDCND Lào, sáng 12/7, Chủ tịch nước Tô Lâm và đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam tới thăm Trường song ngữ Lào - Việt Nam Nguyễn Du.

Theo TTXVN, phát biểu trong chuyến thăm, Chủ tịch nước Tô Lâm nhấn mạnh sự nỗ lực bền bỉ, tinh thần đồng lòng chung sức của cộng đồng người Việt Nam tại Lào và các thầy cô giáo đã góp phần đưa quan hệ hữu nghị, đoàn kết đặc biệt và hợp tác toàn diện Việt Nam-Lào ngày càng phát triển trên mọi lĩnh vực, trong đó có hợp tác về giáo dục.

Chủ tịch nước ghi nhận những nỗ lực, đóng góp của trường trong việc tích cực dạy cho con em người Việt và các thế hệ trẻ của Lào thấm nhuần văn hóa, con người Việt Nam, hiểu sâu sắc hơn về mối quan hệ đặc biệt "có một không hai" trên thế giới giữa nhân dân hai nước Lào-Việt Nam.

Chủ tịch nước Tô Lâm nhấn mạnh tầm quan trọng của việc gìn giữ, lưu truyền văn hóa - tiếng Việt cho thế hệ trẻ kiều bào, bởi tiếng Việt là sợi dây gắn kết lớp trẻ về với quê hương, cội nguồn; mong muốn các thầy cô tiếp tục truyền lửa cho các lớp học sinh Lào và Việt Nam để các cháu hiểu hơn và nuôi dưỡng ý thức về mối quan hệ đặc biệt giữa hai nước, để sau này có nhiều đóng góp cho cả hai quê hương Việt Nam và Lào.

Chủ tịch nước Tô Lâm thăm Trường song ngữ Lào - Việt Nam Nguyễn Du ngày 12/7. (Ảnh: TTXVN)

Chủ tịch nước Tô Lâm thăm Trường song ngữ Lào - Việt Nam Nguyễn Du ngày 12/7. (Ảnh: TTXVN)

Trích dẫn câu thơ trong truyện Kiều của Nguyễn Du "Thiện căn ở tại lòng ta/Chữ tâm kia mới bằng ba chữ tài", Chủ tịch nước mong muốn các thầy cô giáo nhà trường cần xác định rõ, giáo dục-đào tạo là sự nghiệp của Đảng, Nhà nước và của toàn dân, đồng thời giáo dục-đào tạo phải gắn với nhu cầu phát triển kinh tế-xã hội, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; và cùng với đó, cần tôn trọng và chấp hành nghiêm luật của nước sở tại, góp phần thúc đẩy và vun đắp cho quan hệ hai nước.

Chủ tịch nước đề nghị các thầy cô giáo tiếp tục nâng cao trình độ chuyên môn, linh hoạt, sáng tạo trong đổi mới tư duy dạy và học để luôn là người truyền cảm hứng, lòng yêu nước tới các em học sinh, những mầm non tương lai của đất nước.

Chủ tịch nước cũng mong các thầy cô tiếp tục khơi gợi và hun đúc cho thế hệ trẻ lý tưởng, đạo đức, đặc biệt là giáo dục cho các em nhận thức và hiểu rõ về lịch sử truyền thống quan hệ đặc biệt Việt Nam-Lào, về tinh thần đoàn kết và sự gắn bó bền chặt giữa nhân dân hai nước.

Chủ tịch nước cũng hy vọng các cháu học sinh tiếp tục cố gắng, hăng hái hơn nữa trong học tập và rèn luyện, để mang lại niềm vui và tự hào cho các thầy cô, bố mẹ và gia đình, xứng đáng là cháu ngoan Bác Hồ, chủ nhân tương lai của đất nước, góp phần xây dựng đất nước ngày càng giàu mạnh và quan hệ đặc biệt Việt Nam-Lào.

Nhân dịp này, Chủ tịch nước Tô Lâm trao 30.000 USD hỗ trợ trường mở rộng khu mẫu giáo và mong muốn thời gian tới, mô hình Trường song ngữ Lào - Việt Nam sẽ tiếp tục được nhân rộng ở các địa phương khác của Lào.

Với các lớp từ mẫu giáo đến trung học phổ thông, Trường song ngữ Lào - Việt Nam Nguyễn Du hiện có hơn 1.000 học sinh, trong đó 30% là con em người Việt.

Ngôi trường thuộc quản lý của Hội người Việt Nam thủ đô Vientiane và được Bộ Giáo dục và Thể thao Lào chỉ đạo về chuyên môn.

Năm 2005, Đảng và Chính phủ Việt Nam hỗ trợ kinh phí hơn 500.000 USD để xây dựng Trường song ngữ Lào - Việt Nam Nguyễn Du trên khu đất rộng 10.379m2. Ngôi trường nằm ở bản Dong Paleb, quận Chanthabouly, thủ đô Vientiane, khánh thành năm 2008.

Bình Giang

Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/chu-tich-nuoc-to-lam-lay-kieu-khi-tham-truong-song-ngu-lao-viet-nam-post1654231.tpo
Zalo