Chủ tịch nước Lương Cường thăm và phát biểu chính sách tại Đại học Chile
Trong khuôn khổ chuyến thăm thăm chính thức Cộng hòa Chile, sáng 12/11 (giờ địa phương), Chủ tịch nước Lương Cường đã tới thăm và phát biểu chính sách tại Đại học Chile.
Đại học Chile là tổ chức giáo dục lớn nhất và lâu đời nhất ở Chile và một trong những tổ chức giáo dục lâu đời nhất ở châu Mỹ. Được thành lập năm 1842, Trường Đại học Chile có một lịch sử học thuật, khoa học và mở rộng phong phú, tham gia vào việc giải quyết nhiều vấn đề quốc gia và khu vực, có nhiều đóng góp cho sự phát triển của đất nước Chile. Đây là một cơ sở giáo dục - đào tạo có bề dày lịch sử và uy tín tại Chile và Mỹ Latinh, với các chương trình đào tạo đa ngành chất lượng cao. Đại học Chile là nơi đã đào tạo nhiều nhà khoa học, nhà văn hóa lớn, nhiều nhân vật mang tầm ảnh hưởng quốc tế, trong đó có hai người đoạt giải Nobel văn học. Đặc biệt, hầu hết các Tổng thống của Cộng hòa Chile, trong đó có Tổng thống đương nhiệm Gabriel Boric, từng theo học tại ngôi trường này.
Phát biểu chính sách tại Trường Đại học Chile, Chủ tịch nước Lương Cường bày tỏ vui mừng, vinh dự đến thăm và phát biểu tại Đại học Chile - đại học hàng đầu ở Chile và khu vực Mỹ Latinh, nơi đã đào tạo nhiều nhà khoa học, nhà văn hóa lớn, nhiều nhân vật mang tầm ảnh hưởng quốc tế, trong đó có hai người đoạt giải Nobel văn học. Đặc biệt, Đại học Chile là nơi đã đào tạo rất nhiều các Tổng thống của Cộng hòa Chile, trong đó có Tổng thống đương nhiệm Gabriel Boric.
Chủ tịch nước Lương Cường cho biết, mặc dù cách xa nửa vòng trái đất, Việt Nam và Chile luôn có sợi dây gắn kết đặc biệt và cảm giác gần gũi mỗi khi nhắc tới nhau. Điều này xuất phát từ nhiều điểm tương đồng hiếm có của hai nước từ lịch sử, văn hóa, địa lý, đến mô hình phát triển kinh tế và tầm nhìn về thế giới hiện nay. Hiện cả Chile và Việt Nam đều là hai nền kinh tế dựa chủ yếu vào xuất khẩu, coi trọng tiến trình hội nhập quốc tế để thúc đẩy phát triển đất nước. Điều này được chứng tỏ qua việc Việt Nam và Chile đều là thành viên của các tổ chức quốc tế và các hiệp định thương mại tự do đa phương lớn, liên khu vực như Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC), Diễn đàn Hợp tác Đông Á - Mỹ Latinh (FEALAC)...
Chủ tịch nước khẳng định, với tầm nhìn rộng mở và bao trùm, ủng hộ tự do hóa thương mại, cả hai nước cùng chia sẻ nhận thức chung về xây dựng, củng cố một trật tự thế giới đa cực, công bằng, dựa trên luật pháp quốc tế, trong đó các nước phương Nam đóng vai trò và có tiếng nói ngày càng quan trọng. Cùng là những nước có đường bờ biển dài, hai nước đều hết sức coi trọng các vấn đề biển quốc tế. Cả Việt Nam và Chile đều đã cam kết và đang triển khai các biện pháp quyết liệt để đạt mức trung hòa phát thải vào năm 2050. Hai nước đều thấy được tầm quan trọng của phát triển xanh, bền vững, chuyển đổi năng lượng, chuyển đổi số, cũng như sự cần thiết quản lý thỏa đáng các khoáng sản chiến lược.
Đánh giá cao những thành tựu phát triển vượt bậc về kinh tế - xã hội của Chile, quốc gia đầu tiên ở Mỹ Latinh và là một trong số ít các nước đang phát triển đã vượt qua “bẫy thu nhập trung bình”, Chủ tịch nước cho rằng Chile chính là một điển hình của việc tận dụng tối ưu quá trình toàn cầu hóa và tự do hóa thương mại để phát triển đất nước. Chile đang ngày càng khẳng định và phát huy vị thế, vai trò ở khu vực và trên thế giới, đồng thời bày tỏ mong muốn tiếp tục tham khảo những kinh nghiệm quý báu về phát triển kinh tế của Chile, hướng tới mục tiêu đưa Việt Nam vào hàng ngũ các nước phát triển vào năm 2045.
Đề cập tới con đường phát triển của Việt Nam, Chủ tịch nước cho biết, sau gần 80 năm lập nước và gần 40 năm Đổi mới, Việt Nam đang đứng trước khởi điểm lịch sử của kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam. Từ một nước nghèo, lạc hậu, bị chiến tranh tàn phá nặng nề, bị bao vây, cấm vận khắc nghiệt, đến nay, quy mô nền kinh tế Việt Nam đã tăng 95 lần, đứng thứ 35 trong 40 nền kinh tế lớn nhất thế giới và 20 nền kinh tế hàng đầu thế giới về thu hút đầu tư nước ngoài và quy mô thương mại. Trong quá trình phát triển, Việt Nam luôn coi trọng và triển khai hệ thống chính sách cụ thể để bảo đảm mọi người dân được hưởng thành quả phát triển, đổi mới. Dù thu nhập đầu người còn ở mức trung bình thấp, Chỉ số phát triển con người (HDI) của Việt Nam luôn ở nhóm mức độ cao trong nhiều năm qua.
Chủ tịch nước Lương Cường cho biết: “Thế giới đang trong thời kỳ thay đổi mang tính thời đại, nhưng với Việt Nam có một điều không thay đổi: Dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, Việt Nam kiên định mục tiêu “độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội”, lấy đó làm tư tưởng, kim chỉ nam để bảo vệ và phát triển đất nước. Mục tiêu của Việt Nam đến năm 2030 là trở thành nước đang phát triển, có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao; đến năm 2045 trở thành nước phát triển, có thu nhập cao. Chúng tôi tiếp tục triển khai nhất quán đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển, đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ, là bạn, là đối tác tin cậy, là thành viên tích cực, có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế; chủ động, tích cực hội nhập quốc tế sâu rộng và toàn diện. Việt Nam hết sức chia sẻ quan điểm của các nước về tầm quan trọng của việc đảm bảo môi trường hòa bình, ổn định tại các khu vực. Chúng tôi mong muốn thể hiện trách nhiệm và tiếp tục đóng góp nhiều hơn vào nền chính trị thế giới, nền kinh tế toàn cầu và nền văn minh nhân loại”.
Chủ tịch nước cho rằng trong bối cảnh cạnh tranh chiến lược nước lớn ngày càng gay gắt và phức tạp, vai trò của các nước phương Nam cũng như hợp tác Nam - Nam sẽ ngày càng được coi trọng. Chủ tịch nước cho biết, Việt Nam luôn chủ động, tích cực tham gia, đóng góp với tinh thần xây dựng, trách nhiệm cao nhất vào những nỗ lực chung, đảm nhiệm thành công trọng trách tại nhiều cơ chế đa phương quan trọng, tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc và cứu hộ, cứu nạn quốc tế.
Trên nền tảng vững chắc của hơn 50 năm quan hệ hai nước, sự tương đồng về lịch sử và tầm nhìn chung về thế giới, tính bổ sung cao về kinh tế, Chủ tịch nước đề hai nước cần tăng cường tin cậy chính trị và hợp tác thực chất thông qua trao đổi đoàn cấp cao và các cấp, tăng cường hiểu biết lẫn nhau và hợp tác cùng có lợi trong các lĩnh vực hai bên có tiềm năng và thế mạnh, trong đó có trao đổi, hợp tác giữa Đảng Cộng sản Việt Nam với các chính đảng lớn tại Chile. Đồng thời tăng cường thúc đẩy liên kết giữa hai nền kinh tế Việt Nam - Chile, xác định hợp tác kinh tế là ưu tiên hàng đầu, là lĩnh vực trọng tâm trong quan hệ hai nước. Trong đó, tiếp tục tận dụng, triển khai hiệu quả Hiệp định thương mại tự do (FTA) song phương và cơ chế Hội đồng Thương mại Tự do Việt Nam - Chile, cũng như Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) nhằm tạo xung lực mới đưa quan hệ thương mại và đầu tư giữa Việt Nam và Chile đạt những cột mốc mới. Chủ tịch nước cũng đề nghị đẩy mạnh hợp tác giáo dục, giao lưu văn hóa, nghệ thuật và phát triển hợp tác du lịch, qua đó tăng cường giao lưu nhân dân và hiểu biết lẫn nhau. Trong quá trình đó, Đại học Chile có thể có những đóng góp quan trọng và Việt Nam khuyến khích sự hợp tác giữa các trường đại học của hai nước. Đây là yếu tố hết sức quan trọng để thúc đẩy hiểu biết, chia sẻ tri thức, hợp tác đổi mới sáng tạo.
Theo Chủ tịch nước trước một thế giới với nhiều biến động và thách thức, đòi hỏi các nước vừa và nhỏ như Việt Nam và Chile phải vươn lên đóng góp tích cực hơn nữa trong nền quản trị toàn cầu, cùng đề cao cách tiếp cận đa phương và luật pháp quốc tế. Nhiều vấn đề quốc tế mới như phát triển xanh, chuyển đổi năng lượng, quản trị trí tuệ nhân tạo cần sớm có khuôn khổ quốc tế đầy đủ hơn.
Chủ tịch nước Lương Cường nêu rõ: “Với vai trò là thành viên ASEAN, Việt Nam hoan nghênh nỗ lực thúc đẩy hợp tác giữa ASEAN và Chile thời gian qua, Việt Nam sẵn sàng phối hợp với Chile tăng cường và làm sâu sắc hơn nữa quan hệ Đối tác phát triển ASEAN- Chile cũng như quan hệ ASEAN - Liên minh Thái Bình Dương, theo hướng thực chất, hiệu quả và cùng có lợi, giúp nâng cao vai trò, vị thế của các nước phương Nam trên trường quốc tế. Việt Nam và Chile cần tiếp tục thúc đẩy hợp tác đa phương, tôn trọng luật pháp quốc tế, duy trì an ninh, an toàn, tự do hàng hải và hàng không trên các vùng biển và đại dương trong đó có Thái Bình Dương, phù hợp với luật pháp quốc tế, nhất là Công ước Liên hợp quốc về luật biển (UNCLOS) 1982".
Chủ tịch nước bày tỏ tin tưởng với truyền thống quan hệ tốt đẹp, thiện chí và tiềm năng hợp tác toàn diện giữa hai bên, quan hệ Việt Nam - Chile sẽ tiếp tục vươn lên những tầm cao mới, vì lợi ích của nhân dân hai nước, vì hòa bình, hợp tác và phát triển tại hai khu vực và thế giới.
Chủ tịch nước nhấn mạnh, Đại học Chile là một cơ sở giáo dục - đào tạo có bề dầy lịch sử, có uy tín tại Chile và Mỹ Latinh, với các chương trình đào tạo đa ngành chất lượng cao. Chủ tịch nước vui mừng được biết Đại học Chile rất quan tâm tăng cường hợp tác quốc tế, giao lưu học thuật, nghiên cứu và đào tạo. Với uy tín, vị thế, tiềm năng to lớn đó, Chủ tịch nước mong Đại học Chile sẽ tăng cường hợp tác với các cơ sở giáo dục - đào tạo của Việt Nam, nhất là các lĩnh vực mà Đại học Chile có thế mạnh. Theo Chủ tịch nước, sự giúp đỡ, hợp tác của Đại học Chile với Việt Nam cũng chính là những hành động, việc làm có ý nghĩa, góp phần tăng cường hơn nữa quan hệ hữu nghị truyền thống giữa hai nước, hai dân tộc Việt Nam - Chile.
*Đây là hoạt động cuối cùng trong chuyến thăm chính thức Cộng hòa Chile của Chủ tịch nước Lương Cường và Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam. Chiều nay, (12/11) Chủ tịch nước và Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam lên đường thăm chính thức Cộng hòa Peru và tham dự Tuần lễ Cấp cao Diễn đàn Hợp tác kinh tế Châu Á - Thái Bình Dương (APEC) 2024 tại Lima, Peru từ ngày 12 đến ngày 16/11/2024.