Giao Thủy tích cực triển khai ứng dụng dữ liệu dân cư, định danh và xác thực điện tử
Chủ động, đổi mới, sáng tạo, quyết tâm bứt phá trong chuyển đổi số (CĐS), huyện Giao Thủy đang khẳng định vai trò tiên phong, trở thành điểm sáng của tỉnh với nhiều thành quả ấn tượng, nhất là trong triển khai Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu dân cư, định danh và xác thực điện tử (Đề án 06 của Chính phủ).
Triển khai thực hiện Đề án 06, huyện Giao Thủy đã huy động sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, trên 1.000 người tham gia làm thành viên Tổ công tác Đề án 06 từ cấp huyện đến cấp thôn, xóm. Công an huyện đã phát huy vai trò thường trực tích cực tham mưu cho UBND huyện tập trung chỉ đạo quyết liệt các nhiệm vụ của Đề án 06. Các thành viên tổ công tác Đề án 06 đã làm tốt công tác phối hợp với các đơn vị liên quan, tổ chức thực hiện bài bản, khoa học 5 nhóm tiện ích gồm: Phục vụ giải quyết thủ tục hành chính (TTHC); dịch vụ công (DVC) trực tuyến trên Cổng DVC quốc gia; phát triển kinh tế - xã hội phát triển công dân số; kết nối, khai thác, bổ sung làm giàu dữ liệu dân cư; phục vụ chỉ đạo, điều hành của chính quyền các cấp. Đi liền với các nhóm tiện ích này, huyện đã triển khai 10 mô hình nhằm tạo đột phá trong thực hiện hiệu quả Đề án 06. Trong đó, nổi bật là mô hình triển khai DVC theo Đề án 06, đây là 1 trong 3 mô hình thuộc nhóm tiện ích phục vụ giải quyết TTHC, DVC trực tuyến trên Cổng DVC quốc gia. Toàn huyện đã hoàn thành việc kết nối với Cơ sở dữ liệu quốc gia (CSDLQG) về dân cư, phần mềm liên thông của Bộ Công an. Qua đó đã phát huy hiệu quả trong việc kết nối, chia sẻ CSDLQG về dân cư với 2 hệ thống cổng DVC, hệ thống thông tin dân cư tại bộ phận “một cửa” của huyện và 20 xã, thị trấn; làm giàu CSDLQG về dân cư phục vụ công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành. Huyện đã đưa các TTHC đủ điều kiện lên Cổng DVC quốc gia; cập nhật chuẩn hóa danh mục hồ sơ tài liệu, hồ sơ TTHC; đồng thời tiến hành rà soát, cắt giảm, điều chỉnh đơn giản hóa TTHC, thực hiện nghiêm Nghị định số 59/2022/NĐ-CP ngày 05/9/2022 của Chính phủ về định danh và xác thực điện tử, Nghị định số 104/2022/NĐ-CP ngày 21/12/2022 của Chính phủ về việc sử dụng các phương thức khai thác thông tin dân cư trực tuyến thay thế việc xuất trình sổ hộ khẩu, sổ tạm trú giấy khi giải quyết các TTHC, cấp thẻ Căn cước công dân (CCCD) gắn chíp điện tử; đẩy mạnh cài đặt, kích hoạt tài khoản định danh điện tử trên nền tảng ứng dụng VNeID. Bên cạnh đó, 100% xã, phường, thị trấn có điểm DVC tại bộ phận một cửa; 100% điểm bưu điện văn hóa xã được bổ sung máy tính kết nối internet, hỗ trợ công dân thực hiện DVC trực tuyến. Thông qua mô hình, góp phần quan trọng nâng cao chất lượng, hiệu quả phục vụ giải quyết TTHC và cung cấp DVC trực tuyến; tỉ lệ hồ sơ DVC trực tuyến cũng tăng tích cực, đặc biệt, tỷ lệ hồ sơ đăng ký, quản lý cư trú và đăng ký, cấp biển số xe đều được thực hiện tiếp nhận và giải quyết trực tuyến 100%.
Nhóm tiện ích phục vụ phát triển công dân số được chú trọng với việc cấp thẻ CCCD, tài khoản định danh điện tử (VNeID) mức 2, tài khoản thanh toán điện tử, chữ ký số để thực hiện TTHC hay giao dịch dân sự trên môi trường điện tử… Đến thời điểm hiện tại, huyện đã cơ bản hoàn thành cấp thẻ CCCD cho 100% công dân từ đủ 14 tuổi trở lên đang có mặt tại địa phương cũng như việc rà soát 100% các trường hợp sai cấu trúc số định danh cá nhân và kích hoạt tài khoản định danh điện tử. Công tác làm “sạch” dữ liệu dân cư được duy trì thường xuyên, hàng ngày, hàng giờ với nhiều trường dữ liệu như: tiêm chủng; bảo hiểm; thuế; an sinh xã hội; cán bộ, công chức; tư pháp; dữ liệu các hội…; cập nhật thông tin người lao động lên hệ thống CSDLQG về dân cư. Ngoài mô hình đảm bảo điều kiện công dân số, huyện cũng triển khai các mô hình khác thuộc nhóm tiện ích phục vụ công dân số như: Chuẩn hóa xác thực tập trung; tuyên truyền chính sách, hỗ trợ pháp lý qua ứng dụng VNeID; tố giác tội phạm qua ứng dụng VNeID; triển khai tích hợp thông tin “Sổ sức khỏe điện tử”, “Sổ lao động điện tử” trên VNeID…
Thông qua các mô hình trên, nhiều ngành, lĩnh vực đã ứng dụng CSDLQG về dân cư, CCCD, định danh và xác thực điện tử phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, tạo nên phương thức chuyên nghiệp, hiện đại hơn. Thay vì sử dụng thẻ bảo hiểm y tế như trước thì nay tỷ lệ sử dụng thẻ CCCD để làm thủ tục khám, chữa bệnh; chi trả chính sách an sinh xã hội bằng tiền mặt có thể gây nhiều bất tiện, tiềm ẩn rủi ro tài chính dần được thay thế đảm bảo an toàn, tiện ích hơn qua tài khoản ngân hàng, chi trả không dùng tiền mặt. Đặc biệt, việc triển khai ứng dụng định danh và xác thực điện tử VNeID bước đầu đạt được những kết quả tích cực, nhiều vụ việc được quần chúng nhân dân cung cấp thông tin qua phân hệ tin báo tố giác tội phạm trên ứng dụng VNeID giúp lực lượng Công an kịp thời phát hiện, đấu tranh, ngăn ngừa tội phạm và các hành vi vi phạm pháp luật, góp phần bảo đảm ANTT tại địa bàn cơ sở. Công tác cập nhật thông tin các loại đối tượng trên phần mềm CSDLQG về dân cư phục vụ hiệu quả công tác quản lý, giáo dục đối tượng tại địa bàn.
Bên cạnh những ưu điểm thì việc triển khai Đề án 06 của huyện cũng còn một số hạn chế. Công tác tuyên truyền còn có những hạn chế dẫn đến người dân chưa nắm hết những tiện ích, quyền lợi được hưởng. Cơ sở vật chất kỹ thuật, thiết bị máy móc còn thiếu, nhất là đối với các xã, thị trấn còn thiếu máy tính, hoặc máy tính cấu hình thấp không đáp ứng yêu cầu công việc, chất lượng đường truyền mạng kết nối không ổn định. Việc kết nối, chia sẻ dữ liệu giữa các lĩnh vực, ngành còn hạn chế, chưa đồng bộ về cơ sở vật chất. Công tác “làm sạch” dữ liệu thông tin dân cư còn gặp một số vướng mắc do hệ thống hoạt động chưa ổn định, nhiều chức năng phần mềm thường xuyên cập nhật, nâng cao; một số đơn vị, địa phương chưa nghiêm túc thực hiện việc báo cáo gây khó khăn trong công tác tập hợp, báo cáo chung phục vụ cho công tác lãnh đạo, chỉ đạo…
Với quan điểm lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm của CĐS, thời gian tới huyện Giao Thủy quyết tâm tạo đột phá trong thực hiện Đề án 06, thúc đẩy mạnh mẽ phong trào CĐS sâu rộng, hiệu quả trên địa bàn tỉnh. Huyện tiếp tục huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và nhân dân, triển khai quyết liệt, đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp của Đề án 06. Thường xuyên mở các lớp tập huấn nâng cao kiến thức về thực hành các thủ tục liên quan đến Hệ thống CSDLQG về dân cư và DVC trực tuyến. Quan tâm hỗ trợ kinh phí, trang cấp bổ sung máy móc, trang thiết bị; tuyển dụng bổ sung nguồn nhân lực có trình độ cao về công nghệ thông tin phục vụ thực hiện Đề án 06 tại địa bàn. Nâng cấp đường truyền kết nối, chia sẻ, truy cập hệ thống CSDLQG về dân cư đảm bảo ổn định phục vụ hiệu quả cung cấp DVC trực tuyến.